Hãy mở lòng và ngắm thật kỹ sản phẩm của người khuyết tật

Hãy mở lòng và ngắm thật kỹ sản phẩm của người khuyết tật

“Một miếng vải vụn bỏ đi nếu biết sử dụng nó sẽ tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Một người khuyết tật cũng vậy, nếu đặt họ đúng chỗ sẽ tạo nên giá trị cho cuộc sống này”. Xuất phát từ tâm niệm đó, ông Lê Việt Cường - Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art, đã xây dựng một xưởng sản xuất đồ thủ công từ những mảnh vụn lụa Vạn Phúc (Hà Đông) gồm 100% lao động là người khuyết tật.

* * * * *

Sau buổi lễ ra mắt Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng (NICE) mà Vụn Art là một thành viên, Ông Lê Việt Cường đã có những chia sẻ tâm huyết với Ngày Nay về câu chuyện khởi nghiệp và cách trao cơ hội tự lập cho người khuyết tật.

Phóng viên (PV): Lý do nào khiến ông quyết định sáng lập mô hình Vụn Art?

Ông Lê Việt Cường: Trước khi Vụn Art ra đời, tôi đã cùng một số cộng sự đã thành lập một mô hình chuyên sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mang tên Kym Việt, với nhân công chủ yếu là người Điếc. Sau 7 năm quản lý Kym Việt, tôi nảy sinh suy nghĩ làm thế nào để các sản phẩm của người khuyết tật có thể cạnh tranh được, hay nói đúng hơn là sống được. Thay vì cách tiếp cận bằng tình thương hay sự giúp đỡ của cộng đồng, thì phải khuyến khích người khuyết tật làm ra các sản phẩm có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.

Năm 2017, họa sĩ Nguyễn Văn Trường, khi đó là Phó Bí thư Quận ủy Hà Đông, có đến thăm trụ sở của Kym Việt. Ông đã ghép các mảnh vụn bỏ đi thành một bức tranh và nói rằng: “Hãy thử làm các sản phẩm nghệ thuật dựa vào các mảnh vải vụn, có thể nó rất phù hợp với khả năng của người khuyết tật. Cứ bắt đầu đi, rồi chúng ta cùng mày mò làm tiếp”.

Rồi sau đó, tôi nảy ra ý định thành lập một xưởng sản xuất đồ thủ công dựa trên các mảnh vụn tận dụng từ các xưởng làm lụa ở làng Vạn Phúc. Cái tên Vụn cũng từ đó mà ra, bởi tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng tôi là một mảnh ghép nhỏ trong xã hội, nhờ sự giúp đỡ và hỗ trợ của cộng đồng và chính quyền tạo ra chất keo gắn kết chúng tôi lại, tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh như Vụn Art hiện tại.

PV: Hiện tại số lượng lao động của Vụn Art là bao nhiêu và ông đã gặp những khó khăn gì trong quá trình tuyển dụng, đào tạo?

Ông Lê Việt Cường: Số lượng người làm việc hiện tại của Vụn Art là 25 người, bao gồm 12 thợ chính và các bạn học việc, quân số của chúng tôi gần như 90% là người khuyết tật. Quá trình đào tạo học việc cho các bạn học viên cũng rất đa dạng và tùy thuộc và khả năng của từng bạn.

Hãy mở lòng và ngắm thật kỹ sản phẩm của người khuyết tật ảnh 1

Phải nói thật, đây là một nghề hoàn toàn mới, do đó việc phải đi thuyết phục người khuyết tật học nghề cũng là một vấn đề. Tôi đã phải đi hết 17 phường của quận Hà Đông để vận động các bạn khuyết tật tham gia học nghề, rồi phải nói cho họ hiểu nếu học xong rồi thì sẽ được quyền lợi gì, sau này khi các bạn làm ra các sản phẩm thì sẽ được trả công như thế nào.

Ở đây chúng tôi chia các dạng tật ra để dạy nghề, với các bạn tự kỷ hoặc thiểu năng sẽ phải mất thời gian đào tạo lâu nhất và phải là một kèm một: người đi trước dạy lại cho người đi sau.

Còn bạn nào có năng khiếu, hay các bạn Điếc hoặc bị vận động khó thì nhanh chỉ cần 6 tháng, còn chậm có khi tới 3 năm. Chúng tôi cũng có một số lao động có người thân là người khuyết tật, ví dụ như mẹ có con bị tâm thần không có khả năng dạy nghề, hoặc vợ có chồng bị mất khả năng đi lại, thì chúng tôi cũng nhận đào tạo nghề và làm việc.

Trong suốt 3 năm khởi nghiệp tại đây, tôi đã đào tạo ra 41 người, nhưng hiện chỉ có vài người đồng hành với tôi cho tới hiện tại. Một thành viên đã theo sát tôi kể từ khi thành lập Vụn Art cho tới nay đó là Dung, một cô bé bị liệt nửa người và mắc chứng tự kỷ, bạn ấy cũng là một trường hợp rất khó chỉ dạy và mỗi tôi mới nói được bạn ấy. Hay chúng tôi còn có Ngọc, một bạn mắc chứng rối loạn cảm xúc. Có lúc đang làm việc, bạn ấy đột nhiên nghiến răng kèn kẹt rồi òa khóc. Nếu lúc đó mà quát lên để Ngọc nín thì sẽ kích động bạn ấy ngay, tôi phải nghĩ cách để bạn ấy dần ổn định tinh thần rồi hỏi xem tại sao bạn ấy khóc.

PV: Vụn Art có gì độc đáo và đặc biệt so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường?

Ông Lê Việt Cường: Thứ nhất, các sản phẩm mà Vụn Art tạo ra mang hàm lượng sáng tạo cao nhưng cũng rất dễ làm, phù hợp với khả năng của người lao động tại đây. Một điều nữa đó là mô hình của chúng tôi dễ dàng lan rộng hơn bởi sản phẩm của chúng tôi còn mang tính tiêu hao và điển hình là gối, túi xách hay áo phông,…

Nhưng thay vì in lên các sản phẩm thì chúng tôi đưa lụa lên để khách hàng có thể giặt được. Một điều nữa là chúng tôi tái chế toàn bộ vải vụn bỏ đi, ví dụ chúng tôi có thể đưa vải vụn cho các bạn học viên thực hành tập vẽ, tập cắt trên vải. Những mảnh vải vụn đó được đưa lên những sản phẩm để biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật vừa có công năng sử dụng.

Chúng tôi còn kết hợp với làng lụa Vạn Phúc để làm các tour trải nghiệm cho khách du lịch khi tới đây tham quan. Họ có thể trực tiếp quan sát người khuyết tật tại Vụn Art làm ra các sản phẩm hoặc tự ghép các mảnh vụn lên một cái áo dài, một cái áo phông hoặc một cái túi rồi mang về.

Hãy mở lòng và ngắm thật kỹ sản phẩm của người khuyết tật ảnh 2

Ngoài ra, chúng tôi còn hợp tác với các trung tâm khởi nghiệp của nhiều trường đại học để giới thiệu mô hình Vụn Art cho các bạn sinh viên. Chúng tôi luôn mời các bạn sinh viên tới đây tham quan cơ sở sản xuất của mình, kết hợp với tìm hiểu hoạt động làm lụa truyền thống tại làng Vạn Phúc. Trong một thế giới phẳng như hiện nay, việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa cần có sự tham gia của các bạn trẻ, chúng tôi luôn cố gắng đem tới các sản phẩm lấy cảm hứng từ chủ đề tranh dân gian Việt Nam như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh làng Sình.

PV: Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lao đao, thậm chí phá sản. Làm thế nào để ông lèo lái con thuyền Vụn Art vượt qua “vòng xoáy” này?

Ông Lê Việt Cường: Phải nói là chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu của đại dịch, đã có tới 2 công ty lữ hành hủy hợp đồng với chúng tôi, ngoài ra một đơn hàng xuất sang Nhật Bản cũng bị hủy. Nhưng rất may tới giờ chúng tôi vẫn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền quận Hà Đông và cộng đồng nên công việc kinh doanh vẫn được duy trì, thậm chí chúng tôi còn nhận thêm được 6 người mới nữa. Chế độ lương thưởng và bảo hiểm cho các lao động vẫn được đảm bảo theo đúng quyền lợi.

Quay trở lại năm 2019, tổ chức UNESCO và nhiều lãnh đạo Trung ương cũng đánh giá rất cao Vụn Art là một mô hình sáng tạo bền vững, thế nhưng hiệu quả kinh tế là chưa có.

Do mô hình của chúng tôi hết sức mới mẻ, các sản phẩm thủ công này lại phải cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, sản xuất hàng loạt. Do vậy thị phần của chúng tôi còn rất nhỏ và Vụn Art cũng gặp không ít khó khăn về đầu ra, đặc biệt là bởi sản phẩm có giá thành cao, lại là đồ thủ công nên phải rất vất vả để bám trụ trên thị trường.

Đơn cử như một chiếc túi xách hiện tại của chúng tôi được bán với giá 200.000 đồng, số tiền này chưa bao gồm tiền lương của tôi, chưa bao gồm chi phí marketing, đóng gói, vận chuyển,…nếu cộng cả vào, thì chúng tôi phải bán với giá 350.000 đồng thì mới có lãi, thế nhưng bán giá đó thì không thể cạnh tranh được. Các chuyên gia tư vấn cho rằng Vụn Art nên giữ giá thành ở mức trung bình để đạt được mục đích tạo việc làm cho người khuyết tật, còn lợi nhuận là cái sau cùng.

PV: Đối với những người bình thường, việc khởi nghiệp đã khó một thì với những người khuyết tật, khó khăn có phải gấp mười?

Ông Lê Việt Cường: Xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, tôi cho rằng người khuyết tật khi bắt tay vào khởi nghiệp sẽ vấp phải khó khăn gấp hàng nghìn lần người thường. Với Kym Việt, khi đó chúng tôi chỉ cần tuyển dụng những người lao động đã có sẵn tay nghề. Sang tới Vụn Art, tôi đã hết sức đau đầu để giải quyết bài toán đào tạo nghề cho các bạn.

Hãy mở lòng và ngắm thật kỹ sản phẩm của người khuyết tật ảnh 3

Cái khó nữa đó là chúng tôi phải tìm ra sản phẩm nào phù hợp với thị trường và phát triển nó. Những sản phẩm của chúng tôi, từ Kym Việt cho tới Vụn Art, đều là những sản phẩm hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trên thị trường. Do đó để thay đổi hành vi của khách hàng và thay đổi thói quen tiêu dùng của cộng đồng sẽ mất rất nhiều thời gian. Đấy là những khó khăn thường ngày tôi phải đối diện.

Một điều tôi rất trăn trở với Vụn Art đó là làm thế nào mình có thể phát triển và nhân rộng mô hình này lên, để tạo ra nhiều việc làm, nhiều giá trị tích cực cho các nhóm yếu thế, trong đó có người khuyết tật. Khi tham dự một diễn đàn của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, tôi cũng chia sẻ rằng chúng ta nên thí điểm các mô hình có khả năng phát triển được để nhà nước và cộng đồng đầu tư vào chúng, tạo ra những mô hình lõi và từ đó nhân rộng ra. Dựa trên những mô hình lõi đó, người khuyết tật sẽ tìm được hướng đi bền vững nhất cho mình.

PV: Theo ông, làm thế nào để khuyến khích và tạo cơ hội cho người khuyết tật tự đứng trên đôi chân của mình?

Ông Lê Việt Cường: Tôi cho rằng, để tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật làm việc cũng như khởi nghiệp thì cần có nhiều chính sách hỗ trợ mở rộng hơn nữa, gắn kết tốt hơn giữa các trung tâm khởi nghiệp của các trường đại học với các ý tưởng của người khuyết tật, hoặc của các nhóm yếu thế.

Đối với cộng đồng người khuyết tật, tôi luôn kêu gọi mọi người khi còn sức khỏe, thì hãy tạo ra các sản phẩm không khuyết tật, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh. Tôi tin rằng cùng với sự nỗ lực của các nhóm yếu thế, trong đó có người khuyết tật, cùng với sự trợ giúp của cộng đồng thì bài toán nào cũng giải quyết được.

PV: Cảm ơn ông vì buổi trò chuyện!

Hãy mở lòng và ngắm thật kỹ sản phẩm của người khuyết tật ảnh 4

Bài: Huy Vũ

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.