MG motor Việt Nam, cứ nói lâu thì xe Tàu sẽ thành xe Anh

(Ngày Nay) - Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên google, ai cũng có thể tìm hiểu lịch sử hình thành của MG Motor từ khi ra đời đến khi phá sản. Nhưng có vẻ như ở Việt Nam thì không phải vậy, khi nhà phân phối muốn thay đổi nguồn gốc của nó 

MG motor Việt Nam, cứ nói lâu thì xe Tàu sẽ thành xe Anh

Câu chuyện hãng xe Anh MG phá sản, qua tay nhiều tập đoàn danh tiếng rồi bến cuối là hãng xe đứng đầu Trung Quốc SAIC Motor vào năm 2007 không phải là chuyện khó tìm trên các phương tiện thông tin đại chúng. SAIC sau khi mua lại thương hiệu này đã đầu tư khoảng 450 triệu bảng Anh, tái khởi động nhà máy của MG ở Longbridge. Năm 2018, SAIC khai trương trung tâm thiết kế ở London - nơi sẽ tạo ra các mẫu xe MG và Roewe mới.

MG motor Việt Nam, cứ nói lâu thì xe Tàu sẽ thành xe Anh ảnh 1

MG 6 - mẫu xe đánh dấu sự quay lại thị trường của MG vào năm 2011

Tất cả các mẫu xe hiện tại của MG đều dựa trên sự chia sẻ nền tảng (platform) hình mẫu, khung gầm, động cơ của các mẫu xe SAIC đang bán ở thị trường nội địa Trung Quốc. Ngoài việc sản xuất các mẫu xe riêng, SAIC còn liên doanh với nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như VW, GM và sản xuất, phân phối các mẫu xe của các thương hiệu này. Năm 2018, SAIC bán ra 7 triệu xe ô tô tại Trung Quốc và chiếm 25% thị phần thị trường lớn nhất thế giới này. 

MG motor Việt Nam, cứ nói lâu thì xe Tàu sẽ thành xe Anh ảnh 2

Các sản phẩm của SAIC Motor tại thị trường Trung Quốc 

Với sức mạnh về công nghệ, tài chính như vậy, rõ ràng việc mua lại thương hiệu MG Motor của SAIC là một bước đi tắt để đặt chân vào thị trường Châu Âu cũng như thế giới. Họ chỉ cần làm một việc đơn giản là gắn logo MG lên các mẫu xe đã khẳng định chất lượng ở nội địa là có thể khôi phục được một thương hiệu được cho là "huyền thoại" và mạnh mẽ bán xe ở quê hương thương hiệu đó rồi. 

MG motor Việt Nam, cứ nói lâu thì xe Tàu sẽ thành xe Anh ảnh 3

Những mẫu xe MG hiện tại đều dựa trên các mẫu xe có sẵn của SAIC

Qua trải nghiệm thực tế 2 mẫu xe MG Motor đã xuất hiện tại Việt Nam là MG ZS và MG HS, có thể thấy các mẫu xe này có đầy đủ những thiết kế, công nghệ tinh hoa nhất của SAIC Trung Quốc. Từ động cơ cho đến các trang bị trên xe. 

Tuy nhiên, khi được phân phối ở Việt Nam, 2 mẫu xe này lại được nhà phân phối là Tan Chong quảng cáo nhấn mạnh đây là chiếc đến từ Anh Quốc. Tất nhiên, MG đúng là 1 thương hiệu đã từng của người Anh trước khi thuộc về người Trung Quốc. Nhưng bản chất nó vẫn là một chiếc xe Trung Quốc hoàn toàn, được thay logo khác mà thôi. Người tiêu dùng cần được cung cấp thông tin chính xác liên quan đến sản phẩm họ quan tâm, chứ không phải sự mập mờ về xuất xứ và thương hiệu như cách MG Việt Nam đang làm.

MG motor Việt Nam, cứ nói lâu thì xe Tàu sẽ thành xe Anh ảnh 4

Quảng cáo trên xe MG ghi rõ dòng chữ "Huyền thoại đến từ Anh Quốc"

Cứ nói nhiều, nói lâu thì lời nói sai, mập mở có thể biến thành sự thật. Có lẽ đây là cách làm của nhà phân phối sản phẩm MG Motor tại Việt Nam. Tuần qua, họ đã triển khai chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội với loạt bài viết quảng các của rất nhiều người ảnh hưởng. Đương nhiên, trong những bài quảng cáo này, cụm từ "Xe Anh" "Siêu phẩm đến từ nước Anh". Chỉ cần tìm kiếm theo các từ khoá #MGVietnam, #Britishperformancesuv #hellovietnam là có thể xem những quảng cáo mập mờ này.

MG motor Việt Nam, cứ nói lâu thì xe Tàu sẽ thành xe Anh ảnh 5

Các quảng cáo "thương hiệu đến từ UK" trên mạng xã hội 

Cả hai mẫu xe MG HS và MG ZS đều là các mẫu xe tốt, dựa trên những mẫu xe đã thành danh ở thị trường Trung Quốc. Dù ở Việt Nam mức giá bán lẻ khá cao, nhưng những chiếc xe này có chất lượng không hề thua kém các mẫu xe Nhật, Hàn Quốc cùng phân khúc. Nhưng xe có xuất xứ Trung Quốc phải là xe Trung Quốc, không thể biến thành xe Anh chỉ bằng cách quảng cáo thật nhiều.