Nhớ về những ngày Tết “quân khu”

Nhớ về những ngày Tết “quân khu”

Ngày xưa, ở các khu tập thể quân đội Hà Nội, còn gọi là khu “gia binh” hay “quân khu”, không khí Xuân bao giờ cũng rộn ràng. Năm nay, Tết Nguyên đán chung sống với dịch bệnh COVID-19, không khí ấy đã phai nhạt đi nhiều. Đây cũng là lúc những ký ức xưa hiện về, một thời bao cấp tuy thiếu thốn, nhưng có thật nhiều kỷ niệm khó quên…

____________________

Thời chiến tranh, bao cấp, vật chất thiếu thốn đủ điều, nhưng mấy ngày Tết thì mâm cơm nhất định phải đầy đủ, tươm tất. Bởi nhịn đói quanh năm cũng phải no ba ngày Tết; giàu hay nghèo, cứ 30 Tết là phải có thịt treo trong nhà, những quan niệm ấy đã có từ cả ngàn đời nay rồi!

Nhớ về những ngày Tết “quân khu” ảnh 1

Với những người con ở quân khu, Tết thuở xưa, muốn có bánh chưng ăn phải tiết kiệm tiền để mua gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong…, rồi củi, rồi nồi, tự gói bánh và cuối cùng là luộc bánh. Chuẩn bị để có nồi bánh chưng nhiều gia đình phải mất cả năm trời! Do đó, bánh chưng trở thành một thứ gì đó xa xỉ, chỉ duy nhất dịp Tết người ta mới có mà ăn.

Ở khu tập thể quân đội Nam Đồng, canh nồi bánh chưng là công việc mà đứa trẻ nào cũng yêu thích. Còn gì thú hơn việc nằm sưởi ấm cạnh nồi bánh chưng đang nghi ngút toả khói giữa tiết trời rét buốt da thịt, đói thì lại nướng vài củ khoai, củ sắn để ăn. Có mấy anh thanh niên còn mang đàn ra gảy để cho mọi người đỡ buồn ngủ.

Nhớ về những ngày Tết “quân khu” ảnh 2

Ông Ngọc Hải, năm nay đã ngoài sáu mươi, mỉm cười kể lại: “Tôi nhớ nhất một lần, lúc đang vớt bánh, tìm mãi không thấy hai chiếc bánh nhỏ mẹ gói riêng cho tôi, đã buộc lạt đỏ để đánh dấu đâu. Không lẽ lửa to quá, làm ‘bốc hơi’ cả hai chiếc bánh?”. Ông quay sang hỏi mấy “nghệ sĩ ghi-ta”, nhưng ai cũng lắc đầu quầy quậy: “Bọn tớ trông thì mất làm sao được!”- Chuyện này khiến ông ấm ức suốt mấy ngày Tết.

Phải đến vài chục năm sau, trong một lần gặp mặt kỷ niệm của các cư dân Quân khu Nam Đồng, mấy anh thức trông bánh cùng ngày trước mới thú nhận. “Lúc ông ngủ quên, chính mấy thằng bọn tôi lén mở nồi bánh ra vớt hai chiếc có lạt đỏ, rồi trốn vào gầm cầu thang chia nhau ăn đấy. Cả năm mới được ăn bánh chưng, lại còn thức đến nửa đêm đánh đàn, vừa lạnh vừa đói thế thì bố ai chịu nổi! Bây giờ ông cần bao nhiêu chiếc bánh, chúng tôi đền!”. Ông Hải cười xoà: “Thôi không cần đền, hồi đấy trộm của tôi bao nhiêu cái thì bây giờ uống với tôi bấy nhiêu chén.”

Nhớ về những ngày Tết “quân khu” ảnh 3

Với trẻ con ở khu “gia binh” số 8 phố Lý Nam Đế, ngoài bánh chưng, thì đốt pháo là thứ chúng mê nhất trần đời. Các khu tập thể quân đội trên phố Lý Nam Đế đều nhỏ, lại nằm cạnh con phố chính nên không có nhiều chỗ để chơi, nghịch. Quanh năm chỉ biết chơi “bắn bùm”, nhảy dây, đá cầu... Đứa nào may lắm thì mới có khẩu súng nhựa, chơi suốt mấy năm trời đến gãy báng, gãy nòng mà vẫn chưa được mua cái mới. Vì vậy, đứa trẻ nào cũng ngóng chờ Tết đến để được đốt pháo nổ giòn giã, và hít hà mùi khói pháo vừa khét vừa nồng.

Muốn mua pháo xịn, phải chịu khó đạp xe hơn 20 cây số từ trung tâm Hà Nội vào làng Bình Đà ở huyện Thanh Oai, nơi làm pháo trứ danh một thời của thủ đô. Người xưa có câu “nhất pháo Bình Đà, nhất gà Đông Tảo” là vì thế. Mỗi lần đi, phải rủ nhau thành nhóm trên chục người và có nhiều anh lớn đi kèm, nếu không muốn bị trấn lột giữa đường. Năm nào cũng vậy, cứ sau màn đốt pháo đêm giao thừa là chó mèo trong khu tập thể trốn biệt, đến tận mùng 4, mùng 5 Tết mới dám mò về. Chắc hẳn lũ chó mèo vô cùng hạnh phúc khi nhà nước ra lệnh cấm pháo, vì chúng sẽ được hưởng những cái Tết thanh bình từ đó!

Nhớ về những ngày Tết “quân khu” ảnh 4

Nhưng chỉ đốt pháo thôi là chưa thỏa mãn thói nghịch ngợm của đám trẻ “quân khu”. Chúng bàn nhau phải chơi một “vố” thật để đời. Vậy là chúng quấn một quả pháo ngoại cỡ, to bằng cái xô lau nhà, rồi bê ra đặt ở giữa đường Lý Nam Đế. Quả này mà nổ thì chẳng khác gì một phát đại bác! Người dân hai bên đường nhìn thấy quả pháo liền chạy hết vào trong nhà, khoá chặt cửa. Dòng xe cộ trên đường cũng hốt hoảng dừng lại, lùi ra xa năm sáu chục mét khi tên “thủ lĩnh” châm lửa vào cái ngòi pháo dài ngoằng.

Pẹp pẹp pẹp, pẹp!

Lớp vỏ pháo vỡ tung ra, để lộ xác của mấy thanh pháo tép lăn lóc bên trong. Lũ trẻ ôm bụng cười ngặt nghẽo. Vậy là thay vì một cơn địa chấn, cả khu phố đã bị đám con nít cho ăn quả lừa to tổ chảng! Mọi người vừa mắng, vừa cười chảy nước mắt vì trò đùa của lũ nhóc “rạch giời rơi xuống” này.

“Nghĩ lại mới thấy hồi đó mình to gan thật, ” anh Cường, người đã đầu têu trò nghịch năm xưa ôm trán cười, “chứ bây giờ bọn trẻ nhà mình mà mua pháo về nghịch, chắc mình đánh cho nát đít mất!

Nhớ về những ngày Tết “quân khu” ảnh 5

Với cư dân “quân khu” K95 nằm ven sông Hồng, một kỷ niệm được nhiều người nhắc đến là lần cả khu bắt trộm ngày Tết. Nằm gần bãi sông Hồng, xung quanh đất phù sa màu mỡ, nên nhiều gia đình ở khu tập thể K95 tranh thủ tăng gia, trồng chuối, các loại rau củ và nuôi gà, nuôi lợn. Gà thì ban ngày thả rông, tối lùa vào chuồng khóa lại. Chuồng gà đều tự đóng lấy, đặt ngay ở khoảng sân nhỏ trước hiên nhà. Đây là nguồn thực phẩm chính cho những ngày Tết, lại còn có thể mang ra chợ bán để phụ thêm tiền sắm Tết. Khỏi phải nói những khu vườn mini ấy quan trọng thế nào với nhiều gia đình ở khu tập thể K95.

Nhớ về những ngày Tết “quân khu” ảnh 6

Thế nhưng cứ gần Tết là nạn trộm cắp lại nổi lên. Chỉ sau một đêm, có gia đình đã mất cả đàn gà, rau bị nhổ sạch, chuối thì bị vặt trụi hết buồng. Thế là mất bánh chưng, mất thịt gà, mất Tết chứ còn gì nữa! Không hiểu đám “đạo chích” nào to gan đến mức dám gây sự với cả dân “quân khu”. Cả khu tập thể bàn nhau, năm sau phải trừng trị thích đáng lũ trộm này.

11 giờ đêm 25 Tết năm đó, cả khu tập thể lặng phắc, không một tiếng động. Nhưng bên trong những ngôi nhà đã tắt đèn và đằng sau những lùm cây cao ngang đầu người, hàng chục đôi mắt đang thao láo mở, quét vào màn đêm đen đặc. Mặc cho tay và chân chi chít vết muỗi đốt, nhưng ai cũng mím môi chịu đựng để quyết phen này phải tóm bằng được bọn đạo chích. Dường như kinh nghiệm trinh sát, luồn rừng của các ông bố tướng, tá đã được di truyền sang cho các “ông” con thì phải? Một cuộc phục kích rất bài bản, công phu.

Nhớ về những ngày Tết “quân khu” ảnh 7

Nhưng phải đợi đến gần một giờ đêm, mới thấy gần chục bóng đen lố nhố từ đằng xa. Chúng núp sau một lùm cây cao, rồi cử một tên vào do thám tình tình trước. Tên này người nhỏ thó, nhưng nhanh nhẹn, khom lưng, luồn vào trong khu tập thể.

Bỗng nhiên “hự!”, một cú song phi chí mạng trúng vào sườn làm hắn chỉ kịp nấc lên một tiếng, rồi lăn quay ra. Người phóng cước chính là anh Trung, nay đã là một doanh nhân thành đạt. Tiếp sau là một cơn mưa đấm, đá trút xuống tên trộm xấu số. Tiếng gào khóc xen lẫn tiếng chửi bới, cùng tiếng chó sủa và tiếng gà kêu quang quác xé toạc màn đêm yên tĩnh. Bên ngoài khu tập thể, nhóm “phục kích” sau những lùm cây cũng tóm được một tên khác. Khi tất cả dừng tay, hai tên trộm đã nằm bẹp dí như hai con gián, miệng thều thào: “Lạy các ông các bà, tha cho con, con chỉ vì đói quá mà trót dại…”

Sau trận đòn chí tử ấy, không còn thấy tên trộm nào dám bén mảng tới tập thể K95 nữa. Rồi sau này cuộc sống của mọi người đều đầy đủ, ấm no hơn, nên tệ nạn trộm cắp cũng mai một dần đi…

Nhớ về những ngày Tết “quân khu” ảnh 8

Bài: Việt Khôi

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.