Vườn thú Hà Nội: Tương lai nào cho mô hình safari?

Vườn thú Hà Nội: Tương lai nào cho mô hình safari?

Đã gần 20 năm từ khi Vườn thú Hà Nội có những phương án xây dựng một vườn thú bán hoang dã mới. Và đã 10 năm từ khi UBND TP Hà Nội công bố quy hoạch chi tiết Công viên Thủ Lệ, chỉ rõ rằng “về lâu dài, vườn thú sẽ chuyển đi vị trí thích hợp theo quy hoạch chung Thành phố.” Nhưng đến nay, Vườn thú Hà nội vẫn đang co mình trong diện tích 18,7 ha (trong đó 8,8 ha là hồ nước), với những khu chuồng bị che kín mít bởi hàng rào mắt cáo và song sắt...

____________________

Tụt hậu

Những năm trở lại đây, dù đã rất cố gắng, số cá thể nuôi nhốt trong chuồng kín tại vườn thú Hà Nội vẫn áp đảo số cá thể nuôi theo hình thức mở. Hiện tại, trong số hơn 700 đầu thú thuộc 88 loài tại vườn thú Hà Nội, chỉ có vài chục cá thể thuộc 4 loài là voi, đà điểu, chim công, dê và cừu được trưng bày ở không gian mở, với môi trường bán tự nhiên. Tất cả các loài khỉ, vượn, chim (trừ chim công), một số loài thú như nhím, sóc, cầy... đều được trưng bày trong những chuồng kín. Những loài thú lớn như ngựa, hà mã, cá sấu, hươu, nai… sống trong những khu vực bao quanh là hàng rào mắt cáo và song sắt.

Vườn thú Hà Nội: Tương lai nào cho mô hình safari? ảnh 1

Những chuồng nuôi thú khép kín tại vườn thú Hà Nội (Ảnh: Việt Khôi)

Trên thế giới, vườn thú mở đã xuất hiện từ năm 1907, còn safari đầu tiên ra đời năm 1966. Từ đó đến nay, vườn thú mở và safari đã xuất hiện rất nhiều tại những quốc gia phát triển như Mỹ (San Diego Zoo, Wildlife Safari); Anh (London Zoo, Longleat Safari); Canada (Toronto Zoo, Parc Safari)...

Cả vườn thú mở (modern zoo) và safari đều nuôi thú trong môi trường bán hoang dã, nhưng khác nhau ở 2 điểm. Thứ nhất, diện tích của safari lớn hơn modern zoo rất nhiều. Thứ hai, modern zoo hoạt động theo mô hình “nhốt thú - thả người”, còn safari là “nhốt người (trong xe hoặc lồng thép) - thả thú”.

Ở khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã đầu tư những không gian lớn cho các vườn thú mở và safari, ví dụ như Thái Lan có Khao Kheow Open Zoo (809 ha) và Safari World Bangkok (264 ha); Singapore có Singapore Zoo (28 ha) và Night Safari (40 ha); Malaysia có Negara Zoo (45 ha), Indonesia có Taman Safari (170 ha)... Safari Phú Quốc (380 ha) là đại diện tiêu biểu nhất của Việt Nam.

Trong những vườn thú mở và safari trên, không gian bán hoang dã được sắp đặt rất chi tiết với cây cối, cỏ xanh, hồ nước, bùn đất, cát, các cấu trúc núi đá… sao cho giống môi trường tự nhiên nhất. Vườn thú mở sử dụng những hào nước sâu, kết hợp cùng hàng rào hoặc kính cường lực có độ cao thấp để ngăn thú với người. Safari chọn cách đưa du khách lên xe ô tô, đi xuyên qua khu vực động vật sinh sống. Cả hai loại hình đều hướng đến việc xây dựng môi trường tự do, hoang dã tối đa dành cho động vật và tạo trải nghiệm chân thực nhất cho du khách. Hầu như không có sự xuất hiện của chuồng trại kín.

Vườn thú Hà Nội: Tương lai nào cho mô hình safari? ảnh 2

Một con vượn trong chuồng nuôi khép kín tại vườn thú Hà Nội. (Ảnh: Việt Khôi)

Có thể thấy, mô hình vườn thú mở và safari đã trở nên quen thuộc cả trên thế giới lẫn khu vực Đông Nam Á. Dù “bắt nhịp” khá muộn với xu thế chung, nhưng tới nay, Việt Nam đã có 3 vườn thú bán hoang dã. Không chỉ vậy, một công viên động vật hoang dã có quy mô 1.155,43 ha (khu vực nuôi thú rộng 416 ha) cũng đang được xây dựng tai tỉnh Ninh Bình, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Vườn thú Hà Nội: Tương lai nào cho mô hình safari? ảnh 3
Khu vực bán hoang dã dành cho voi tại vườn thú San Diego, Mỹ. (Ảnh: Youtube/Wander Kay)

Là một vườn thú quốc gia, đồng thời là thành viên của Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á - SEAZA và Hiệp hội vườn thú Việt Nam - VZA, nhưng những chuồng trại khép kín đang ngăn cản vườn thú Hà Nội bắt kịp với xu thế chung.

Khách tham quan Thanh Thuỷ (23 tuổi, sinh viên) cho rằng nuôi nhốt thú hoang dã trong chuồng kín dễ gây phản cảm cho người xem. “Mình đã từng xem các video trên Youtube về những safari ở cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Xem xong, mình thật sự cảm thấy buồn cho động vật ở Vườn thú Hà Nội. ”

Anh Thái Sơn (42 tuổi, khách tham quan vườn thú) không chắc mình sẽ dẫn các con quay lại đây lần sau. “Nhiều khi xem động vật hoang dã trên Youtube còn thú vị hơn là xem trực tiếp tại vườn thú.”

Vườn thú Hà Nội: Tương lai nào cho mô hình safari? ảnh 4
Vườn thú Hà Nội: Tương lai nào cho mô hình safari? ảnh 5

Ngựa vằn và khỉ trong những chuồng nuôi khép kín tại vườn thú Hà Nội (Ảnh: Việt Khôi)

Không chỉ vậy, về mặt quy hoạch, theo quy hoạch chi tiết 1/500 Công viên Thủ Lệ của UBND TP Hà Nội công bố năm 2011, chức năng vườn thú chỉ tồn tại “trước mắt”, về lâu dài vườn thú sẽ phải di chuyển tới một vị trí thích hợp theo quy hoạch chung Hà Nội.

Hạn chế

Theo lãnh đạo vườn thú Hà Nội, nguyên nhân lớn nhất khiến khu vực bán hoang dã chưa thể mở rộng là bởi quỹ đất hạn chế. Với 9,9 ha đất (đã trừ đi diện tích của hồ nước), vườn thú chỉ có thể mở thêm khu bán hoang dã cho một số loài thú hiền lành, thân thiện với con người như ngựa, dê, cừu... Còn với những loài khác như hổ, sư tử, gấu, hà mã, khỉ, vượn..., quỹ đất hiện tại là không đủ để tạo môi trường bán tự nhiên cho chúng.

“Vườn thú Hà Nội vẫn đang áp dụng hình thức nuôi nhốt khép kín là chủ yếu. Với điều kiện hiện nay, chúng tôi chưa thể tạo môi trường bán hoang dã cho tất cả các loài trong ngày một ngày hai được,” ông Nguyễn Công Nghiệp - Phó Giám đốc Vườn thú Hà Nội chia sẻ.

Vườn thú Hà Nội: Tương lai nào cho mô hình safari? ảnh 6
Toàn bộ khu vực công viên Thủ Lệ - vườn thú Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh: Facebook/Hanoi Zoo – Công viên Thủ Lệ - Vườn thú Hà Nội)

Theo nhận xét của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), nguyên nhân còn đến từ việc nhà nước chưa đặt ra được một bộ quy chuẩn chặt chẽ, cụ thể, về chất lượng chuồng trại cho thú hoang dã, mà mỗi loài thú phải có những tiêu chuẩn riêng.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV là một tổ chức phi chính phủ, nổi bật với công tác phối hợp cùng các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý những vi phạm về động vật hoang dã. Qua 20 năm hoạt động, ENV đã ghi nhận và lưu trữ thông tin về hơn 19.000 trường hợp vi phạm, với tỷ lệ xử lý thành công là 57,1%.

Ví dụ, điều 15, Mục 2 của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có nêu: “Chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.” Có thể thấy, nội dung trên vẫn chung chung, chưa nêu rõ chuồng, trại như thế nào mới là “phù hợp với đặc tính của loài nuôi”, hay “bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh”, và chưa phân chia tiêu chuẩn cho từng loài cụ thể.

Theo ý kiến của bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV, chức năng giáo dục của vườn thú sẽ bị giảm đi rất nhiều tiếp tục nuôi nhốt khép kín. Bởi khi đó, du khách chỉ đi xem để giải trí, thoả mãn tính tò mò, chứ không thể hình thành ý thức bảo vệ động vật.

“Phải nhìn thấy động vật hoang dã được thoải mái sinh sống trong môi trường tự nhiên của chúng, thì mới truyền được tình yêu thương và ý thức bảo vệ động vật tới con người.”

Vườn thú Hà Nội: Tương lai nào cho mô hình safari? ảnh 7
Vườn thú Hà Nội: Tương lai nào cho mô hình safari? ảnh 8
Voi châu Á được nuôi trong khu bán hoang dã tại vườn thú Hà Nội. (Ảnh: Việt Khôi)

Tương lai mờ mịt của vườn thú bán hoang dã mới

Ông Nghiệp khẳng định, vườn thú luôn chủ trương hướng tới xây dựng môi trường bán hoang dã cho tất cả loài động vật. Vườn thú đã và đang khảo sát một số địa điểm ở khu vực núi Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội), huyện Sóc Sơn (Hà Nội)… để khánh thành một safari mới. Nhưng hiện nay, vẫn chưa xác định thời điểm cụ thể triển khai dự án trên.

Phúc trạng động vật là thuật ngữ chuyên môn để chỉ điều kiện chăm sóc tối ưu cho động vật nuôi nhốt. Làm giàu chuồng trại là việc đưa thêm những đồ vật, cấu trúc vào môi trường nuôi để tạo điều kiện cho động vật vận động, sinh hoạt như ngoài tự nhiên.

“Chúng tôi đã đề xuất với các địa phương về dự án xây dựng safari. Nhưng hiện tại, các vị lãnh đạo vẫn đang nghiên cứu đề xuất này, nên chưa có câu trả lời chính thức về thời điểm triển khai.”

Theo tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay, dự án xây dựng safari tại Chương Mỹ và Sóc Sơn đã được lên kế hoạch từ những năm đầu thế kỷ 21. Năm 2003, dự án xây dựng một safari rộng 160 ha tại Mễ Trì - Trung Văn cũng được vườn thú Hà Nội nghiên cứu triển khai, với sự tham gia của 20 nhà khoa học đầu ngành sinh học. Theo dự định, đó sẽ là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nhưng gần 2 thập kỷ sau, mọi thứ vẫn chỉ là dự án.

Khi chưa thể tiến tới mô hình safari, lãnh đạo vườn thú đã chọn cách làm giàu môi trường sống để nâng cao phúc trạng động vật. Thực tế cho thấy, bên trong các chuồng nuôi, nhân viên vườn thú đã xây dựng những khu nhà tránh nắng, trồng thêm cây cối, đưa vào những dụng cụ như lốp xe, xích đu, cột treo thức ăn và quạt gió… Những cấu trúc, vật dụng này cũng được làm mới thường xuyên để phục vụ công tác làm giàu chuồng trại.

Tổ chức Động vật châu Á (Animal Asia) được thành lập năm 1988, trụ sở chính đặt tại Hồng Kông, với tôn chỉ mục đích là bảo vệ quyền lợi và nâng cao phúc trạng cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là gấu. Hiện Animal Asia đang vận hành, tài trợ các trung tâm cứu hộ gấu ở Việt Nam và Trung Quốc, và có văn phòng đại diện ở Úc, Đức, Ý, Anh, Mỹ.

Ngoài ra, trên khía cạnh luật pháp, Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) đang phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường lập ra một bộ quy chuẩn chặt chẽ, đầy đủ về nuôi nhốt động vật hoang dã. Sau 5 năm nghiên cứu, đến nay bộ quy chuẩn gần như đã hoàn thành, với các tiêu chí cụ thể về môi trường sống, dinh dưỡng, dịch bệnh và hành vi cho hơn 70 loài hoang dã.

Tuy nhiên, hiện Animal Asia vẫn đang trong quá trình giới thiệu, thuyết phục nhà nước chấp nhận và áp dụng bộ quy chuẩn này cho các vườn thú ở Việt Nam. Bên cạnh đó, làm giàu chuồng trại cũng chỉ là một giải pháp tình thế. Một khi chuồng nuôi khép kín còn tồn tại, cái đích tới một vườn thú mở, hay một safari của Vườn thú Hà Nội sẽ còn xa vời.

Vườn thú Hà Nội: Tương lai nào cho mô hình safari? ảnh 9
Hà mã bên trong khu nuôi nhốt khép kín tại vườn thú Hà Nội. (Ảnh: Việt Khôi)

Trả lời báo chí, PGS.TS Hà Đình Đức, một trong những nhà khoa học đầu ngành sinh học Việt Nam từng khẳng định, một vườn thú bán hoang dã cần phải xây dựng trên khu vực có diện tích hàng trăm héc-ta, cách thành phố từ 30-50 km, có môi trường ổn định và phù hợp với nhiều loài động vật. Đặc biệt, cần phải tận dụng triệt để địa hình có sẵn nhằm tiết kiệm chi phí.

Do đó, để thực hiện tốt chức năng giáo dục và bảo tồn, vườn thú Hà Nội cần tiếp tục tìm kiếm, khảo sát địa điểm phù hợp và đẩy nhanh tiến độ làm việc với các địa phương để xác định cụ thể thời gian triển khai dự án xây safari - hoặc ít nhất là phát triển thành một vườn thú mở.

TIN LIÊN QUAN
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.