Ưu nhược điểm hệ dẫn động cầu trước và cầu sau

(Ngày Nay) - Các mẫu ô tô hiện nay có nhiều hệ truyền động khác nhau, cơ bản nhất là hệ dẫn động cầu trước và cầu sau. Hai cơ cấu này có cấu tạo khác nhau như thế nào, ảnh hưởng đến vận hành của chiếc xe ra sao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Ưu nhược điểm hệ dẫn động cầu trước và cầu sau

Dẫn động cầu trước (Front Wheel Drive - FWD)

Lợi điểm lớn nhất của xe dẫn động cầu trước là có cấu tạo ít chi tiết hơn so với dẫn động cầu sau, do đó cần ít công lắp ráp hơn, giá thành sẽ thấp hơn. Ngoài ra xe nhẹ hơn, tốn ít nhiên liệu.

Ưu nhược điểm hệ dẫn động cầu trước và cầu sau ảnh 1

Hệ dẫn động cầu trước


Điểm phân biệt dễ nhất giữa xe cầu trước và xe cầu sau là sàn xe không có phần gồ lên chính giữa hàng ghế thứ 2 như xe cầu sau, giúp không gian trong xe rộng rãi hơn.

Khi chuyển trên đường trơn, do động cơ đặt trên trục dẫn động , ma sát trên bánh dẫn động lớn dẫn đến khả năng di chuyển trên đường trơn tốt hơn. Ngoài ra việc bánh dẫn động đồng thời đảm nhiệm vai trò dẫn hướng nên xe FWD có xu hướng dễ lái hơn trên các nền đường trơn.

Ưu nhược điểm hệ dẫn động cầu trước và cầu sau ảnh 2


Nhược điểm lớn nhất của xe FWD là cảm giác lái : Việc chia sẻ vai trò truyền động và dẫn hướng trên cùng 1 bánh xe có xu hướng làm sai lệch việc đánh lái. Nếu ga và lái thường mất luôn lái, xe cứ thẳng mà chạy, hoặc lái ăn rất chậm, nhất là trong trường hợp chạy tốc độ cao.

Với xe dẫn động cầu trước, 2 bánh xe phía trước vừa đảm nhận nhiệm vụ đánh lái, vừa nhận truyền động trực tiếp từ động cơ nên lốp trước sẽ nhanh mòn hơn. Bên cạnh đó, trục truyền động trước đi kèm cơ cấu chuyển hướng (láp trước) sẽ nhanh hư hỏng.

Thường xe FWD đặt máy ngang, do đó độ dài 2 láp trước không đồng đều, moment xoắn không đều nhau trên 2 bánh trước, dẫn đến hiện tượng ‘’ giằng lái ‘’ khi tăng tốc gấp. Máy ngang dẫn đến sự phân bổ trọng tâm của xe khó đạt được đồng đều, dẫn đến giảm Handling. Một biện pháp khắc phục tình trạng này là đặt máy dọc để xe cân hơn, được áp dụng trên Audi.

Bán kính quay đầu rộng do phía trước bố trí nhiều bộ phận và do giới hạn góc làm việc của trục láp.

Mặc dù có nhiều công nghệ hỗ trợ như kiểm soát lực kéo traction control nhưng việc trang bị động cơ công suất lớn trên xe dẫn động cầu trước không được ưu tiên.

Dẫn động cầu sau (Rear Wheel Drive - RWD)

Ưu nhược điểm hệ dẫn động cầu trước và cầu sau ảnh 3

Hệ dẫn động cầu sau


Xe dẫn động cầu sau đại diện cho cách bố trí truyền thống nhất trong lịch sử của ô tô. Trong phần lớn lịch sử của ô tô, chỉ có xe RWD, vì vậy nhiều chiếc xe cổ điển là RWD theo mặc định. Ưu điểm chính của cách bố trí bánh sau là mỗi bộ lốp chỉ có một nhiệm vụ, đảm bảo trách nhiệm tương đương cho cả hai: Bộ bánh trước điều khiển hướng đi, trong khi bộ phía sau đảm nhận truyền động.

Kết quả là những chiếc xe RWD có thể xoay sở trơn tru hơn. Để thực hiện các vòng quay hẹp, người lái xe RWD có thể tăng hoặc giảm ga để tạo ra một cú Drift, mặc dù kỹ thuật này thường là bất hợp pháp trên đường công cộng. Cảm giác cân bằng của RWD là lý do tại sao mà những chiếc xe hiệu suất cao sử dụng RWD.

Mặc dù phía sau xe nhẹ hơn, nhưng khi tăng tốc, sự dịch chuyển trọng tâm tạo nên nhiều lực bám ở bánh sau hơn. Đây chính là lý do các chiếc xe thể thao công suất lớn luôn được bố trí RWD. RWD cho phép phân bổ trọng tâm hợp lý hơn, thế nên có thể tạo ra chiếc xe êm ái hơn.

Tuy nhiên, hệ dẫn động RWD đòi hỏi nhiều chi tiết hơn, láp ráp mất công, hạn chế không gian bên trong xe.. dẫn đến giá thành chế tạo cao hơn. Và nó hiệu quả hơn đối với những dòng xe có động cơ lớn , tức là giá cao hơn.
Ngoài ra, trên nền đường trơn, bánh dẫn động có ít ma sát hơn bánh lái phía trước, dễ gây ra hiện tượng quăng đuôi. Nhưng với các hệ thống hỗ trợ an toàn điện tử được trang bị phần nào giảm bớt yêu cầu về kỹ năng lái xe đối với người sử dụng xe RWD có công suất lớn.

Như vậy, tuỳ thuộc vào mục đích thiết kế, công suất động cơ, nhà sản xuất sẽ lựa chọn kiểu bố trí hệ dẫn động phù hợp.