Hết giảm lệ phí trước bạ, nửa cuối năm 2022 thị trường ôtô sẽ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh hết hạn chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cùng với 'cơn bão' thiếu hụt linh kiện đang diễn ra, thị trường ôtô Việt trong nửa nằm còn lại của 2022 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Hết giảm lệ phí trước bạ, nửa cuối năm 2022 thị trường ôtô sẽ ra sao?

Từ ngày 1/6, chính sách giảm lệ phí trước bạ 50% đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước chính thức hết hiệu lực sau 6 tháng áp dụng.

Trước đó, nhờ chính sách này, thị trường ôtô đã phần nào hồi phục và tăng trưởng. Tuy nhiên trong thời gian còn lại của năm 2022 sẽ là một câu chuyện khác khi thị trường đang có nhiều thay đổi.

"Liều thuốc" giảm phí

Trong năm 2021, dịch COVID-19 đã đè gánh nặng kinh tế lên các doanh nghiệp và người lao động, dẫn tới chi tiêu cần thắt chặt. Điều đó đã khiến cho sản lượng tiêu thụ của thị trường ôtô giảm nghiêm trọng.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã dự thảo về Nghị định 103, giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng và làm tăng tổng thu ngân sách. Nghị định này đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/12/2021. Thực chất, việc giảm 50% lệ phí trước bạ để hỗ trợ ngành ôtô không mới và nó đã được áp dụng hiệu quả trong năm 2020.

Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tháng 12/2021, khi chính sách có hiệu lực, doanh số bán ôtô tại thị trường Việt Nam đạt 46.759 xe, ngay lập tức bật tăng 21% so với tháng 11/2021. Trong đó xe lắp ráp tăng lên 23%.

Sang năm 2022, sau 5 tháng đầu năm lượng xe toàn thị trường tiêu thụ tổng cộng 176.681 chiếc, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe lắp ráp chiếm 105.022 chiếc, tăng 47%; xe nhập khẩu chiếm 71.659 chiếc, tăng 29%. (57.178)

Cộng dồn 6 tháng áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ, thị trường ôtô Việt đã tiêu thụ 223.440 chiếc. Tính cả số lượng xe của VinFast và TC Motor thì tổng cộng tiêu thụ 280.618 xe. Như vậy trung bình mỗi phút thị trường tiêu thụ 1,1 chiếc.

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã thúc đẩy thị trường ôtô trở nên nhộn nhịp hơn. Trong khoảng thời gian này, các hãng xe liên tục tung ra các mẫu xe "hot" như Kia Sonet, Hyundai Tucson 2022, Huyndai Creta, Toyota Raize… liên tục lọt vào top những xe bán chạy, hấp dẫn khách hàng.

Ngoài ra, các hãng cũng triển khai chương trình giảm giá xe để nâng thêm mức ưu đãi cho các dòng ôtô lắp ráp. Trong giai đoạn đầu áp dụng chính sách hỗ trợ phí trước bạ, nhiều mẫu xe ăn khách được giảm giá như Mitsubishi Xpander giảm 31-38 triệu đồng, Hyundai Accent giảm 21-33 triệu đồng, Toyota Vios giảm 24-38 triệu đồng, Kia K3 giảm 28-41 triệu dồng…

Không chỉ dòng ôtô lắp ráp, các mẫu xe nhập khẩu cũng được nhà sản xuất ưu đãi sâu tới hàng trăm triệu đồng để nhằm cạnh tranh, thu hút khách. Đơn cử, mẫu xe Nhật Subaru Forester giảm 199 triệu đồng, Volkswagen Passat giảm 200 triệu đồng, BMW 3-Series giảm tới 220 triệu đồng…

Thiếu hụt nguồn cung, thị trường sẽ ‘hạ nhiệt’?

Bên cạnh những dấu ấn tích cực thì thị trường ôtô Việt Nam gần đây đang gặp phải những thách thức. Nhu cầu tăng cao trong bối cảnh thiếu hụt linh kiện khiến năng lực sản xuất bị ảnh hưởng đã tác động đến thị trường trong thời gian ưu đãi trước bạ.

Theo đó, nhiều mẫu xe rơi vào tình trạng khan hàng khi cung không đủ cầu. Một số hãng xe liên tục điều chỉnh giá bán các mẫu xe ăn khách, kéo dài thời gian giao hàng.

Từ đầu tháng Năm, Toyota đã điều chỉnh giá bán nhiều dòng xe trong đó mức tăng của Vios và Innova là thấp nhất, khoảng 5-6 triệu đồng, các mẫu xe nhập khẩu có mức tăng 17-40 triệu đồng. Hãng xe Kia cũng điều chỉnh tăng 5-10 triệu đồng.

Một số xe "hot" trên thị trường như Hyundai Tucson, Creta, Kia Seltos… ngoài việc khan hàng, tăng giá bán thì khách mua phải chịu thêm cảnh “bia kèm lạc.” Khách hàng dù đặt cọc trước nhưng vẫn phải mua thêm các gói phụ kiện lên đến hàng trăm triệu đồng mới được nhận xe. Thậm chí, một số đại lý còn tự ý hủy cọc hoặc trì hoãn giao xe cho tới... năm sau.

Các chuyên gia trong ngành dự đoán tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài, ít nhất là đến hết năm 2022. Cùng với đó, hàng loạt hãng sản xuất xe trên thế giới cũng đã lên kế hoạch cắt giảm sản lượng bởi chưa giải quyết được bài toán chuỗi cung ứng.

Hãng xe Nhật Bản Toyota thừa nhận họ đang gặp phải khó khăn lớn trong việc sản xuất và dự kiến có thể cắt giảm 9,7 triệu xe trong năm nay. Trong tháng Sáu, họ đã cắt giảm 50.000 xe chỉ còn sản xuất 800.000 xe. Bên cạnh Toyota, Honda cũng cắt giảm 20% sản lượng dự kiến tại hai cơ sở ở Mỹ. Ford đã có nhiều lần tạm dừng sản xuất một số mẫu xe và một số mẫu khác vẫn tạm thời đóng các cơ sở sản xuất trong suốt năm 2021 đến năm nay…

Còn tại Việt Nam, các hãng xe cũng chịu cảnh thiếu hụt nguồn cung tương tự như công ty mẹ, kể cả hãng xe Việt như VinFast. Sau 5 tháng kinh doanh, VinFast ghi nhận bán 12.205 xe, trong đó bao gồm 8.228 xe Fadil, 1.390 xe Lux A2.0, 1.228 xe Lux SA2.0 và 1.359 xe VF e34. Đây là con số khá khiêm tốn so với năng lực thiết kế nhà máy của nhà sản xuất ôtô Việt Nam.

Chính bởi những yếu tố trên mà ngành ôtô tại Việt Nam được dự đoán sẽ “hạ nhiệt” trong nửa năm còn lại của 2022.

“Việc ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ kết thúc nhiều khả năng sẽ làm nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh. Bên cạnh đó, các yếu tố về vi mô, vĩ mô của nền kinh tế hiện tại ít nhiều cũng sẽ tác động tới thị trường ôtô trong thời gian tiếp theo,” anh Trí Đức, một chuyên gia trong ngành ôtô nhận định.

Tuy nhiên, anh Đức cũng cho rằng thị trường ôtô không phải sẽ không có cơ hội tăng trưởng. Những tháng cuối năm sẽ có nhiều mẫu xe mới sẽ được ra mắt, Cùng với đó, Triển lãm ôtô Việt Nam 2022 trở lại trong tháng 10 hứa hẹn sẽ khiến thị trường trở nên sôi động hơn.

“Không còn ‘liều thuốc thần’ giảm phí trước bạ, các hãng xe sẽ phải ‘móc túi’ trợ giá xe, cũng như tung ra các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm tiêu dùng trong thời gian tới,” anh Đức cho hay.