Theo thông tin bà Vân Anh cung cấp, chiếc Lux A2.0 bản tiêu chuẩn ở thời điểm hiện tại có giá vốn là 980,6 triệu đồng, trong đó, 783,7 triệu đồng là giá thành sản xuất, bao gồm các chi phí: nguyên vật liệu, vận chuyển, thuế nhập khẩu, sản xuất, bảo hành, lưu kho, bán hàng, quản lý…
Tuy nhiên, xe phải gánh thêm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt (tương đương 285,5 triệu đồng) và 10% thuế VAT (126,6 triệu đồng). Với tổng cộng 412,1 triệu tiền thuế, giá xe thực tế (chính là giá 3 Không ở thời điểm hiện tại) bị đội lên mức 1,392 tỷ đồng. Với giá bán trên thị trường đang là 1,099 tỷ đồng, Vinfast đang chịu lỗ gần 300 triệu đồng cho mỗi chiếc Lux A2.0 bán ra, đồng thời vẫn đang hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với nhà nước giống như các hãng xe khác trên thị trường. Tương tự, 2 mẫu xe còn lại là Fadil và Lux SA 2.0 cũng lỗ lần lượt từ 100 đến 400 triệu đồng.
Báo cáo giá thành ô tô Vinfast |
Lý giải cho mức chi phí sản xuất và kinh doanh xe ô tô Vinfast, bà Vân Anh cho rằng hiện tại gần như tất cả linh kiện cấu thành nên chiếc xe đều phải nhập khẩu, Vinfast cũng chịu các loại thuế như tất cả các hãng xe khác. Vì vậy giá xe cao, nếu không chịu lỗ thì không thể phủ rộng độ nhận diện trên thị trường cũng như mang lại cho những khách hàng đầu tiên của hãng xe Việt Nam những sản phẩm với mức giá tốt nhất.
Vinfast LUX A2.0 |
Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu Vinfast sẽ chịu được lỗ đến thời điểm nào? Chúng ta cùng tìm hiểu về việc sản xuất ô tô cũng như nền công nghiệp ô tô hiện tại ở Việt Nam.
Ai cũng biết, một chiếc xe ô tô là cấu thành của hàng ngàn linh kiện từ nhiều chất liệu khác nhau. Thép, nhôm, cao su, nhựa, thuỷ tinh...qua chất xám sáng tạo của nhà thiết kế, của các kỹ sư hình thành nên những bộ phận của một chiếc ô tô hoàn chỉnh. Một nền công nghiệp ô tô lớn mạnh nghĩa là có thể chủ động sản xuất được những đa số những bộ phận của một chiếc xe.
Nhìn qua thị trường khổng lồ sát vách Việt Nam là thị trường ô tô Trung Quốc. Hàng năm, nước này tiêu thụ khoảng 12 triệu xe ô tô, gấp khoảng 50 lần thị trường Việt Nam. Từ nhiều năm trước, chính sách bảo trợ các doanh nghiệp nội địa, bắt buộc các doanh nghiệp ngoại khi vào thị trường phải chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển công nghiệp phụ trợ của Chính phủ Trung Quốc đã tạo nên nền công nghiệp ô tô lớn nhất thế giới như ngày nay. Người Trung Quốc vẫn đi xe nhập khẩu, nhưng chỉ là số ít, còn lại đa số họ đi xe trong nước sản xuất với cực nhiều chủng loại và mức giá phù hợp.
ô tô Trung Quốc |
Nền công nghiệp ô tô Việt Nam cũng đã có tới gần 25 năm phát triển, từ những năm 90, các hãng xe lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Mitsubishi, Daewoo...đã có mặt ở Việt Nam. Họ xây dựng nhà máy, hưởng cực nhiều ưu đãi đầu tư, có doanh nghiệp đã biến mất nhưng cũng có không ít doanh nghiệp lớn mạnh và hiện nay vẫn cầm đầu thị trường xe Việt. Hiệp hội các nhà sản xuất xe Việt Nam VAMA với thành phần chủ yếu là người Nhật. Chủ tịch hiệp hội này, ngài Toru Kinoshita đồng thời là tổng giám đốc Toyota Việt Nam, trong 1 bài trả lời phỏng vấn báo chí cách đây không lâu đã thừa nhận rằng tỷ lệ nội địa hoá của sản xuất ô tô Việt Nam sau 25 năm đã đạt được mức dưới 10%, nghĩa là ở mức sơ khai.
Một nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam (Internet) |
Sau hơn 20 năm phát triển, miệt mài lắp ráp xe theo dạng CKD (lắp ráp trong nước với 100% linh kiện nhập khẩu), các hãng xe ở Việt Nam đã chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước Asean để hưởng chính sách thuế nhập khẩu bằng không và có hiệu quả cũng như chất lượng tốt hơn xe lắp ráp trong nước.
Ô tô nhập khẩu từ Asean về kín cảng Hải Phòng |
Một nền công nghiệp ô tô chính thức thất bại, không phát triển, nghĩa là tất cả các ngành công nghiệp phụ trợ bao quanh chiếc xe ô tô cũng không phát triển hoặc thất bại theo. Tỷ lệ nội địa hoá không tăng, hàng hoá, chi tiết cấu thành nên chiếc xe không thể sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu. Giá xe vì thế không thể thấp, vì bản chất chiếc xe lắp ráp trong nước không khác gì một chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc. Giá trị của người Việt trong quá trình hình thành nên chiếc xe chỉ là những giọt mồ hôi vặn bù loong ốc vít sau dây chuyền lắp ráp, và đương nhiên, tiền mua xe là của người Việt.
Một góc nhà máy ô tô Vinfast (Internet) |
Quay lại việc Vinfast chịu lỗ được đến bao giờ. Vinfast sẽ chịu lỗ được đến khi chiếc xe Vinfast được hình thành bởi đa số những chi tiết sản xuất tại Việt Nam. Khi mà các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô cảm thấy việc đầu tư sản xuất linh kiện cho Vinfast là khả thi, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của chính phủ. Việc đó có thể sẽ diễn ra trong tương lai gần, khi tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast ở Cát Hải lấp hết chỗ trống bới những nhà sản xuất linh kiện. Như gần đây nhất, nhà máy sản xuất hộp số ZF đã được khánh thành ngay cạnh nhà máy ô tô Vinfast, nghĩa là không lâu nữa, bộ phận quan trọng nhất trên xe Vinfast sẽ không còn phải chịu thuế nhập khẩu, các loại thuế khác vì nó được làm ra ngay trong nước, giá thành xe ô tô Vinfast cũng sẽ giảm được một phần không nhỏ từ việc này.
Hình ảnh quảng cáo của Vinfast tại VMS 2019 |