Ảnh minh họa.

Chăm sóc người bệnh cũng như chăm sóc Như Lai

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sinh già bệnh chết là những đề mục thường quán của hàng đệ tử Phật. Đã có thân thì chắc chắn sẽ mang theo già bệnh và có ngày chấm dứt sinh mạng. Thái tử Tất-đạt-đa cũng nhờ ưu tư về các đề mục này mà dõng mãnh từ bỏ tất cả để xuất gia.

Tuy già bệnh chết luôn thiết thân với đời sống con người nhưng khi thực sự lâm bệnh chúng ta mới có cơ hội quán chiếu về nó sâu sắc hơn thường nhật.

Người ta lập gia đình, cố gắng làm ăn, kết thân với nhau cốt để nương tựa lẫn nhau. Nhất là những lúc thất bại, khổ đau, bệnh tật chúng ta rất cần sự quan tâm, giúp đỡ. Người tu thời Thế Tôn phần lớn theo hạnh du hành, đời sống tối giản, khi đau yếu càng thiếu thốn và khó khăn hơn. Dù rằng, người xuất gia sống theo Tăng đoàn nhưng việc chăm sóc các huynh đệ đau yếu không phải lúc nào cũng chu đáo nên chuyện một số Tỳ-kheo đau bệnh lâu ngày sinh buồn tủi vẫn thường xảy ra.

“Một thời, Đức Phật ở Ca-lan-đà, trong vườn trúc, thành La-duyệt, cùng đại chúng năm trăm Tỳ-kheo.

Bấy giờ, trong thành La-duyệt có một Tỳ-kheo mang trọng bệnh, rất khốn khổ, nằm đại tiểu tiện, không thể tự đ?ng d?y, c?ng ch?ng c? ứng dậy, cũng chẳng có Tỳ-kheo nào đến chăm sóc. Ngày đêm ông xưng danh hiệu Phật: Sao ta không được Thế Tôn thương tưởng đến?

Lúc ấy Như Lai bằng thiên nhĩ nghe Tỳ-kheo kia đang than oán kêu la, hướng về Như Lai. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Ta với các ngươi cùng đi xem xét các phòng, thăm viếng các trú xứ.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Vì mục đích mà các ngươi xuất gia học đạo, cùng một Thầy, hòa một như nước với sữa, nhưng lại không chăm sóc lẫn nhau. Từ nay về sau hãy chăm sóc lẫn nhau. Nếu Tỳ-kheo bệnh nào không có đệ tử, trong chúng hãy cử người theo thứ tự chăm sóc người bệnh. Vì sao? Ngoài đây ra, Ta không thấy nơi nào mà sự bố thí có phước hơn chăm sóc người bệnh. Chăm sóc người bệnh cũng như chăm sóc Ta không khác vậy.

Rồi Thế Tôn bèn nói kệ này:

Nếu có cúng dường Ta

Cùng chư Phật quá khứ

Phước đức thí cho Ta

Như nuôi bệnh không khác.

Thế Tôn sau khi dạy những lời này xong, bảo A-nan:

- Từ nay về sau, các Tỳ-kheo hãy nên chăm sóc lẫn nhau. Nếu có Tỳ-kheo nào biết mà không làm sẽ căn cứ vào pháp luật mà xử trị. Đây là những lời giáo giới của Ta.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 44. Chín nơi cư trú của chúng sanh [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.213)

Thân đau mà tâm lại khổ thì bệnh cả thân và tâm đều nặng. Nếu chưa chứng Thánh thì người tu mắc bệnh lâu ngày hay sinh buồn tủi, kêu rên thống khổ cũng là lẽ thường. Với người xuất gia, bệnh tật triền miên là chướng ngại lớn. Người bệnh cần nhất là cơm cháo, thuốc thang, săn sóc và an ủi nhưng không phải ai cũng đủ phước duyên. Thế Tôn thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với hàng đệ tử xuất gia bị bệnh. Ngài thường viếng thăm, động viên khích lệ và giáo giới giúp các đệ tử kham nhẫn, vượt lên bệnh tật.

Quan trọng nhất là huynh đệ tự chăm sóc lẫn nhau. Hàng tại gia phát tâm chăm bệnh thì rất tốt nhưng dễ hàm ơn và sinh tâm luyến ái. Một vài trường hợp sau cơn bạo bệnh vì nhiều nguyên nhân mà dở dang con đường thoát tục. Do vậy, Thế Tôn luôn căn dặn “các Tỳ-kheo hãy nên chăm sóc lẫn nhau”. Phước đức của người chăm bệnh rất lớn, ngang bằng với cúng dường Đức Phật.

Ai rồi cũng già bệnh. Suy niệm về điều này để phát tâm hoan hỷ chăm sóc, an ủi các bạn đồng tu đang lâm bệnh. Chăm bệnh cho người cũng chính là tích lũy phước đức cho mình, được chư huynh đệ chăm sóc những lúc ốm đau. Đức Phật đang ở quanh ta, đó là những huynh đệ ốm đau đang cần chúng ta săn sóc. Làm được điều này chính là cúng dường lên Đức Phật vậy.

Bình luận
Cùng chuyên mục