Trong bối cảnh việc sản xuất, kinh doanh ôtô tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã có thư gửi tới Chính phủ, Bộ GTVT, Công thương và Tài chính về tổng kết tác động của Covid-19 đến ngành ôtô và các đề xuất của VAMA. Trong đó, có đề xuất cân nhắc giảm 50% thuế trước bạ cho khách hàng mua ôtô để kích cầu tiêu dùng và 50% thuế suất thuế GTGT.
VAMA cho hay, do dịch Covid-19 mà số lượng khách hàng tới tìm hiểu xe tại các đại lý đã sụt giảm đáng kể, dẫn tới số lượng hợp đồng ký mới giảm tương ứng, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số bán hàng tháng 3 cũng như trong thời gian tới khi mà dịch Covid-19 có thể kéo dài. Dự báo thị trường cả năm có thể sụt giảm hơn 15% so với dự báo của VAMA trước đó. Thêm vào đó, lượng xe đến đại lý chính hãng sửa chữa cũng đã giảm khoảng 30 – 40% hiện nay và dự báo về lâu dài có thể lên tới từ 60 – 70% nếu dịch bệnh nghiêm trọng hơn.
Theo nhận định, nếu đề xuất này được thông qua, giá ôtô tại Việt Nam có thể sẽ rẻ hơn, và đồng thời, khách hàng cũng sẽ tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền đăng ký lăn bánh. Ví dụ như đối với mẫu ôtô có giá bán thấp nhất thị trường hiện nay là Kia Morning chỉ 299 triệu đồng. Để đăng ký tại Hà Nội, số tiền khách hàng phải bỏ ra để đóng thuế trước bạ là 35,88 triệu đồng (12%). Nhưng nếu được giảm 50%, số tiền này chỉ còn 17,94 triệu đồng. Còn với các mẫu xe có giá bán cao hơn, số tiền này sẽ càng nhiều hơn.
VAMA còn có đề xuất Chính phủ cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất. Cụ thể là giãn nộp thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng tháng cho ít nhất các tháng từ tháng 3 đến tháng 9/2020 theo dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng; Giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các quý trong năm 2020 đến kỳ quyết toán năm 31/3/2021; Giãn thời gian nộp thuế tại khâu nhập khẩu theo quý cho các quý của năm 2020.
Theo nhận định, nếu đề xuất này được thông qua,giá ôtô tại Việt Namcó thể sẽ rẻ hơn, và đồng thời, khách hàng cũng sẽ tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền đăng ký lăn bánh. |
Thêm vào đó, VAMA cũng cho hay, do sản lượng chung có thể bị giảm, một số nhà sản xuất khó đạt được sản lượng tối thiểu (theo quy định của Nghị định 125/2017/NĐ-CP) để được hoàn thuế nhập khẩu linh kiện, ảnh hưởng đến sản xuất. VAMA kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu giảm sản lượng tối thiểu.
VAMA cũng đề xuất Bộ GTVT chấp nhận kết quả đánh giá COP tại nước ngoài còn hiệu lực để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho xe và linh kiện nhập khẩu bởi do dịch, nhiều nước trên thế giới đã cấm nhập cảnh. Điều này khiến các hãng không thể tổ chức các chuyến đi đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm (đánh giá COP) tại cơ sở sản xuất xe ôtô và linh kiện nước ngoài theo quy định tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP. VAMA cam kết sau thời gian hết dịch, doanh nghiệp tổ chức cam kết đi đánh giá COP theo đúng quy định.