Chùa Keo : Độc đáo kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê

Chùa Keo : Độc đáo kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nằm ở chân đê sông Hồng thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, chùa Keo hay Thần Quang tự nổi bật với gác chuông tựa đóa sen vươn lên giữa những cánh đồng lúa phì nhiêu của tỉnh Thái Bình.

Chùa Keo được xây dựng theo cấu trúc “Tiền Phật hậu Thần” tức là thờ Phật phía trước, thờ Thánh phía sau. Thánh được thờ ở đây là Thiền sư Dương Không Lộ.

Chùa Keo : Độc đáo kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê ảnh 1
Chùa Keo là ngôi chùa có qui mô vào loại nhất trong các ngôi chùa cổ ở Việt Nam

Theo sử sách ghi lại, toàn bộ chùa Keo được xây dựng trên khu đất rộng 58.000m2 gồm 21 công trình với 157 gian. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa chỉ còn 17 công trình với 128 gian phân bố theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trên diện tích 2022m2. Các công trình kiến trúc chính còn lại và đang được bảo tồn có thể kể đến như: Tam quan, chùa Phật, điện Thánh, gác chuông, hành lang, vườn tháp…

Chùa Keo : Độc đáo kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê ảnh 2
Sân chùa thanh tịnh

Chùa Keo được xây dựng theo bố cục đăng đối theo một trục chính mà điểm đầu là cột cờ, điểm cuối là gác chuông. Từ cột cờ đi qua một sân nhỏ tới tam quan ngoại có ba gian hai chái hai bên. Từ tam quan ngoại mở ra hai lối đi vòng qua ao là tới tam quan nội cũng có ba gian không có tường bao quanh, chỉ có đôi cánh cửa chạm rồng được khắc công phu, tỉ mỉ.

Chùa Keo : Độc đáo kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê ảnh 3
Vì kèo được chạm trổ tinh xảo

Hai bên phải trái của chùa được bao bọc bởi hệ thống kiến trúc hành lang. Cụm chùa với ba nếp nhà xây theo kiểu chữ công. Tòa thứ nhất gọi là chùa Hộ, tòa ở giữa gọi là ống muống và tòa trong cùng là Phật điện. Phật điện là nơi thờ Phật. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập niết bàn, tượng Bồ tát Quan Âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Khu thờ Phật ước tính có gần 100 pho tượng lớn nhỏ khác nhau.

Ngăn cách giữa khu thờ Phật và khu thờ Thánh là một tòa Giá roi với năm gian nhà. Khu thờ Thánh cũng được xây dựng theo hình chữ công và có diện tích lớn hơn khu thờ Phật. Cụm kiến trúc này cũng gồm ba tòa nhà lần lượt là: tòa Thiêu Hương, tòa Phụ Quốc và tòa Thượng điện.

Chùa Keo : Độc đáo kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê ảnh 4
Gác chuông là công trình kiến trúc độc đáo của chùa Keo

Kiến trúc sau cùng của toàn bộ khu di tích là khu chùa gác chuông. Gác chuông được xem là biểu tượng của chùa Keo với chiều cao 11,04m, gồm 3 tầng mái có kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Tất cả các chi tiết trong gác chuông được làm bằng gỗ và liên kết với nhau bằng các mộng.

Khung gác chuông đƣợc làm từ những thân gỗ chắc chắn nhất, có thể nâng bổng 12 mái ngói với 12 loan đao uốn cong tạo cho phần mái gác chuông có vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng. Ở tầng 1 gác chuông có treo một khánh đá cao 1,2m; tầng 2 có quả chuông đồng lớn có 1,3m và có đường kính 1m.

Chùa Keo : Độc đáo kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê ảnh 5
Khánh đá trong gác chuông

Theo văn bia ghi lại, quả chuông này được đúc năm 1686, còn hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng đều được đúc năm 1796. Ngày nay, để bảo tồn và giữ gìn những vật thể còn lại trong khu di tích, các du khách không được vào khu gác chuông mà chỉ có thể đứng ngoài tham quan.

Trải qua gần 500 năm tồn tại và qua nhiều lần tu bổ, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng thế kỉ 17. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi; bộ cánh cửa chạm rồng độc đáo; hàng trăm pho tượng lớn nhỏ, toàn bộ kiến trúc được làm bằng gỗ từ những vì kèo, chân cột… đều làm nên nét đặc sắc khác biệt với những ngôi chùa khác ở Việt Nam.

Chùa Keo : Độc đáo kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê ảnh 6
Lễ hội chùa Keo vào mỗi dịp Xuân

Chùa Keo mở hội Xuân vào ngày mồng bốn tháng Giêng âm lịch, nhưng hội Thu mới là hội chính, kỷ niệm ngày thiền sư Không Lộ qua đời, được tổ chức từ 13 - 15 tháng Chín âm lịch. Trong ngày hội này có tổ chức rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh.

Tại chùa có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng gồm hương, đăng, hoa, trà, quả, thực rất sinh động. Trên dòng sông Trà Lĩnh ngang trước chùa có tổ chức các cuộc thi bơi thuyền, bơi trải, thi kèn và trống, thi têm trầu cánh phượng và diễn xướng điệu múa cổ gọi là “múa ếch vồ” phản ánh cuộc sống và văn hóa nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc bộ thu hút rất đông khách thập phương…

Tin cùng chuyên mục