Khi nhắc đến sự hình thành và phát triển của Ni giới trong ngôi nhà Phật Giáo, chúng ta không thể không nhớ đến những trang sử vàng về cuộc đời của những bậc Thánh Ni. Những người đã phát tâm xuất gia, tu hành niêm mật, vượt qua bao khó khăn và định kiến của xã hội lúc bấy giờ để mở ra một chương mới cho nữ giới trong hành trình giác ngộ, giải thoát cho chính mình và phụng sự nhân sinh.
Khởi đầu là Trưởng Lão Ni Pajapati Gotami cùng với ni đoàn gần 500 Tỳ kheo ni. Rất nhiều vị Tỳ kheo ni lúc bấy giờ đã chứng thánh quả A-la-hán ngay trong đời sống hiện tại. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại cho nhân loại thể hiện tính bình đẳng của giáo pháp Phật Đà đối với cả nam và nữ cũng như khả năng đạt đến thánh quả đều như nhau cho bất kỳ những ai nương tựa và hành trì giáo Pháp Phật.
Song song với quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo có đầy đủ tứ chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cận sự nam và cận sự nữ tại Ấn Độ - nơi khởi nguồn của Phật Giáo. Phật giáo cũng được lan rộng sang khắp các nước khác trong đó có Việt Nam. Phật Giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm khoảng thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Cũng có nhiều giả thuyết cho rằng Đạo Phật thực sự đã được truyền vào Việt Nam thế kỷ thứ 2 trước công nguyên hay thế kỷ thứ 3 trước CN dưới thời trị vì của Vua Ashoka ở xứ Magadha (Ấn Độ) ngày nay.
Theo lịch sử để lại, Phật giáo truyền vào Việt Nam bằng hai con đường, đường thủy và đường bộ với cả hai truyền thống Nam Tông Phật Giáo (Theravada Buddhism) và Bắc Tông Phật Giáo (Mahayana Buddhism).
Từ đó, Đạo Phật bắt đầu bám rể và lan tỏa khắp các mọi miền, hòa nhập và ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc Việt. Nó trở thành một phần quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa và phong tục Việt Nam. Đạo Phật luôn đồng hành với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Có những thời điểm, Phật Giáo Việt Nam được biết đạt đến cực thịnh với những trang sử vàng thời nhà Trần, điển hình là dưới thời trị vì của vua Trần Nhân Tông hay phải trải qua những năm tháng tối tăm dưới thời kỳ Pháp thuộc và Đế Quốc Mỹ.
Hiện nay, chưa có tư liệu nào đề cập đến vấn đề liệu trong những phái đoàn chư Tăng mang Phật giáo đến Việt Nam có Tỳ kheo ni hay không? Hay vị Tỳ kheo ni đầu tiên tại Việt Nam là ai? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự không rõ ràng này. Nguyên nhân đầu tiên là do tình hình lịch sử thời bấy giờ. Việt Nam không phải là một đất nước thống nhất từ Bắc tới Nam mà nó được chia ra nhiều vùng nhỏ để cai trị như Đàng Ngoài (Chúa Nguyễn cai trị), Đàng Trong (Chúa Trịnh cai trị) thời hậu Lê hay Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc.
Nguyên nhân khác đưa đến vấn đề này là do văn hóa, tập tục lúc bấy giờ không xem trọng nữ giới nói chung hay những định kiến của xã hội về phái nữ cũng như sự ràng buộc của phái nữ với Tam Tòng, Tứ Đức đã ăn sâu vào tâm trí người dân Đại Việt suốt 1000 năm đô hộ phương Bắc. Vì vậy, ít ai quan tâm đến những đóng góp của nữ giới. Tỳ kheo ni của Việt Nam cũng không ngoại lệ, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của tập tục trọng nam, khinh nữ hay bị ràng buộc bởi những định kiến xã hội.
Đến Thời kỳ Pháp thuộc (1884-1945), mặc dù cả dân tộc Việt Nam nói chung cũng như Phật Giáo Việt Nam nói riêng phải chìm trong những tháng ngày đau thương và đen tối ấy, lại có những vì sao xuất hiện giữa bầu trời đêm, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, thức tỉnh mọi người, đặc biệt là hàng nữ giới xuất gia. Một trong những vì sao nổi bật thời bấy giờ là Ni trưởng thượng Hồng hạ Thọ, Pháp hiệu Diệu Tịnh (1909- 1941). Trong bài tham luận được đăng trên tạp chí “Từ Bi Âm”, Ni trưởng đã viết:
“Trống Pháp rền nghe đã khắp xa
Kêu người sớm tĩnh giấc Nam-a
Lý mầu vẹn tỏ màn vân nguyệt
Lời đẹp thêu nên vẻ gấm hoa
Đuốc huệ soi ra miền Tịnh - Độ
Thuyền từ đưa khỏi biển ta bà
Mai sau hạnh phước người chung hưởng
Muôn thưở còn nêu đức lợi - tha.”
Cuộc đời của Ni trưởng Diệu Tịnh giống như những dãy sao băng, tuy xuất hiện trên bầu trời tăm tối một thời gian ngắn nhưng lại tỏa sáng, ấm áp và mang đến bao niềm hi vọng cho ni chúng Tỳ kheo ni trong hành trình tìm cầu Pháp học cũng như lộ trình áp dụng giáo lý Phật Đà trong việc phụng sự nhân sinh với tư cách là con gái Đức Như Lai.
Tỳ kheo ni cũng giống như những vị Tỳ kheo nên thực hiện đầy đủ bổn phận và sứ mệnh của mình, là một sứ giả của Như Lai. Đó là học tập và hành trì giáo Pháp của Phật để giải thoát cho bản thân và mang giáo Pháp cao quý ấy truyền thụ lại cho những ai hữu duyên bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Dựa trên ý nghĩa và tinh thần cốt lõi ấy, cùng với việc nghĩ nhớ đến ân đức Thế Tôn đã dày công mở cánh cửa bất tử cho nữ giới, cả cuộc đời của Ni trưởng Diệu Tịnh đều dành hết thời gian, sức lực, trí lực và tâm huyết vào việc đào tạo Ni chúng thông qua những hành động thiết thực như: mở trường, mở lớp dạy giáo lý Phật Đà cho hàng Ni giới tại Việt Nam, với mong ước sau này những hàng Tỳ kheo ni kế thừa có đủ tri kiến, trí tuệ và đức hạnh để tiếp nối sứ mệnh “hoằng truyền chánh Pháp”, chia sẻ bớt gánh nặng với chư Tăng trong cuộc tiếp nối và phát triển Giáo Pháp Như Lai.
Khởi đầu cho hành trình đầy cam go ấy là việc mở trường hương (giống như các trường Phật học ngày nay) tại Chùa Giác Hoàng ở Bà Điểm, Sài Gòn xưa năm 1933. Dù Ni trưởng chỉ là một vị Tỳ kheo ni 24 tuổi nhưng đã được quý Hòa Thượng giao cho trách nhiệm Giáo Thọ Ni. Đây cũng là ngôi trường Phật học đầu tiên có cả hai chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni theo tu học. Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, đây là trường Phật học đầu tiên cho phép nữ giới xuất gia theo học.
Với sự khởi đầu tuy khó khăn nhưng rất thành công tại trường hương ở Chùa Giác Hoàng, Ni trưởng tiếp tục mở các lớp học giáo lý dành cho chư Ni dù là lớp giáo lý gia giáo tại chùa 3 tháng hay các trường hương chính quy kéo dài từ 1 năm đến 2 năm. Số lượng Ni chúng tham gia lớp học lúc bấy giờ có lúc trên cả 100 chư Ni. Chư tôn đức trong hàng giáo thọ sư được Ni trưởng cung thỉnh về giảng dạy đều là những bậc thâm niên trong giáo Pháp Phật Đà hay chính Ni trưởng trực tiếp truyền trao giáo lý thâm diệu đến Ni chúng.
Nổi bật trong các lớp giáo lý hay trường hương lúc bấy giờ phải kể đến lớp dạy chữ Quốc ngữ và chữ Nho tại Chùa Thiên Bửu (1934) do Ni trưởng làm trụ trì, hay trường hương tại Chùa Tây Thiên (Chợ Lớn). Vào năm 1936, dù chỉ mới 27 tuổi, với tâm nguyện thành lập chùa dành riêng cho chư ni với mục đích tiếp độ phụ nữa tu hành, dìu dắt ni chúng để sau này tiếp nối con đường của đức Thế Tôn, Chùa Hải Ấn (TP.HCM ngày nay) đã được thành lập, tiếp đến là Chùa Bình Quang (Phan Thiết).
Song hành với việc mở trường lớp, những chuyến hoằng pháp của Ni trưởng cũng trải khắp mọi niềm của đất nước như chuyến hoằng pháp Lục Tỉnh thông qua hội Nam kỳ hay chuyến hoằng pháp từ Nam ra Bắc. Những bài tham luận về giáo lý nhà Phật cũng được Ni trưởng trình bày ở nhiều hội thảo hay các bài viết chuyên sâu được đăng trên tạp chí “Từ Bi Âm”- một trong những tạp chí nổi tiếng của Phật Giáo thời bấy giờ.
Thông qua những nỗ lực và những hành động thiết thực, Ni trưởng không ngừng hỗ trợ và sách tấn Ni chúng hãy tinh tấn và nỗ lực không ngừng trong việc học hỏi và tiếp thu giáo lý của Như Lai. Chúng ta không thể tu tập tốt hay cống hiến tốt nếu có niềm tin hay hiểu biết sai lệch về Đạo Phật. Nếu Chúng ta không có Chánh Tri Kiến thì làm sao chúng ta biết được đâu là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Tuệ.