Hàng trăm tăng ni Phật tử đã có mặt từ sớm để tham dự đại lễ. Ảnh: Thanh Niên

Trang nghiêm Đại lễ Phật đản tại Việt Nam Quốc Tự

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sáng 8.5 (tức mùng 8.4 âm lịch), Giáo hội Phật giáo VN (GHPGVN) TP.HCM đã trang nghiêm tổ chức lễ Mộc dục (Tắm Phật) tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10) với sự tham dự của các vị giáo phẩm Trung ương GHPGVN và TP.HCM.

Lễ Tắm Phật có nguồn gốc từ đâu?Chia sẻ trên Báo Giác Ngộ, Thầy Thích Đồng Thành cho biết, lễ Tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền đều ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử.

Thầy Thích Đồng Thành cho biết, lễ Tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền đều ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử.

Tuy chưa thể xác định được thời điểm cụ thể của sự xuất hiện lễ Tắm Phật tại Ấn Độ, nhưng điều chắc chắn là lễ nghi này vốn phát xuất từ Ấn Độ trước khi được lưu truyền đến các quốc gia Phật giáo khác.

Trang nghiêm Đại lễ Phật đản tại Việt Nam Quốc Tự ảnh 1

Toàn cảnh của buổi lễ. Ảnh: Thanh Niên

Là một lễ nghi có từ lâu đời và là phần thiết yếu của Đại lễ Phật đản, Lễ Tắm Phật xuất hiện rất phổ biến trong các nước Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền. Riêng tại Việt Nam, lễ nghi này thường được tổ chức vào các ngày khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ngày mùng 8.4 âm lịch, trong dịp Đại lễ Phật Đản mỗi năm.

Thầy Thích Đồng Thành thông tin, trong Đại Việt sử ký toàn thưĐại Việt sử lược đều ghi lại rằng vào ngày mùng 8.4 năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Nhân Tông đã dự xem Lễ Tắm Phật. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, cứ mỗi tháng vào các ngày rằm, mồng một, và đặc biệt ngày mùng 8.4, nhà vua thường đến chùa Diên Hựu để làm lễ cầu phúc, thiết nghi tắm Phật. Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh cũng nói đến việc nhà vua tổ chức lễ cầu an và thiết nghi tắm Phật vào các ngày mồng một và vào mùa xuân.

Như thế, đủ để thấy dưới triều Lý, đặc biệt là dưới thời vua Lý Nhân Tông, ngoài lễ Phật Đản, lễ Tắm Phật cũng được phổ biến trong các sinh hoạt của Phật giáo. Lễ Phật Đản cũng như lễ tắm Phật ngay từ thời Lý không chỉ đơn thuần là một nghi lễ của cộng đồng Phật giáo mà nó đã trở thành những sinh hoạt văn hóa chung trong dân gian.

Trải dài theo dòng lịch sử dân tộc, ngày lễ Phật Đản cùng nghi thức Tắm Phật đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong xã hội Việt Nam.

Đối với người Phật tử, sự tôn kính, lòng nhiệt thành đối với Đức Phật trên nền tảng của chánh kiến mới thực sự mang lại cho họ một niềm tin trong sáng và sự an lạc đích thực, lâu dài. Mỗi khi dâng một nén hương, một đóa hoa, một phẩm vật lên Đức Phật, hay khi rưới những dòng nước tinh khiết lên tôn tượng của Ngài, đó chính là nhân duyên thù thắng để mỗi người quay về với chính mình, hầu tự sách tấn, tự trang nghiêm cho bản thân bằng hương đức hạnh, bằng hoa trí tuệ, và bằng nước nhẫn nhục, từ ái, tùy thuận thích ứng với mọi nhân duyên, ngay cả chướng duyên để hướng đến một nếp sống hướng thượng, tỉnh giác.

Phật tử tổ chức tắm tượng Phật tại gia như thế nào?

Hòa thượng Thích Lệ Trang, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM hướng dẫn cách thực hiện nghi thức Tắm Phật tại gia như sau: Đầu tiên là thỉnh tôn tượng nào mà gia chủ thấy trang nghiêm, cân đối khi rước tôn tượng lên bàn thờ tam bảo ở nhà và trang nghiêm hương hoa đăng, bố trí một chậu nước nhỏ tùy theo kích cỡ của tôn tượng.

Mọi nghi thức đã trang nghiêm thì trong gia đình tập hợp ở trước bàn Phật dâng hương, bài kệ nào thường sử dụng mà đã thuộc đều có thể dùng được. Sau khi dâng hương xong thì các thành viên trong gia đình tiếp tục đảnh lễ danh hiệu của Đức Phật qua sự kiện đản sanh.

Khi xướng như vậy xong thì đại chúng cùng họa: Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật rồi bắt đầu đảnh lễ. Trở lại xướng lần thứ hai và lần thứ ba, sau đó, rước tôn tượng Thái tử từ trên bàn thờ xuống nơi chậu tắm. Rước như vậy, mọi người đọc lên bài kệ tắm Phật. Bài kệ này chúng ta lặp lại nhiều lần nếu như lễ tắm Phật chưa xong.

Trang nghiêm Đại lễ Phật đản tại Việt Nam Quốc Tự ảnh 2
Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng - Quyền pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh và bắt đầu lễ Tắm Phật. Ảnh: Thanh Niên.

Hòa thượng Thích Lệ Trang lưu ý, khi tắm Phật, gáo nước thứ nhất sẽ xối từ vai bên trái của Đức Phật với ý nghĩa nguyện bỏ điều ác. Gáo nước thứ hai xối cánh tay bên phải của Đức Phật với ý nghĩa nguyện làm những điều lành. Gáo nước thứ ba sẽ xối lên đôi bàn chân của Đức Phật nguyện độ tất cả chúng sanh.

Những gáo nước mà chúng ta được duyên may tắm cho biểu tượng của Thái tử còn là đề tài để quán niệm mình nguyện tu học thế nào để mình cũng được những nước cam lộ gột sạch những bụi bặm phiền não của chính mình và mình nguyện sẽ phát huy điều tốt đẹp để mình và người được lợi ích.

Tắm tôn tượng Thái tử xong thì chúng ta rước trở về vị trí bàn thờ và tiếp tục đọc bài sám khánh đản, niệm danh hiệu Đức bổn sư 3 lần, hồi hướng tam tự quy y.

“Nghi thức tắm Phật ở tư gia chúng ta không cần phải theo nghi thức của chùa mất thời gian, mà quan trọng là mỗi động tác, mỗi lời kinh đều có nội dung. Chính nội dung đó là khơi dậy những hạt sống tốt đẹp trong ta, còn là đề tài để mình thấy được giá trị hiện sinh của đạo Phật vẫn còn tồn tại, giá trị ở thế kỷ 21 này”, Hòa thượng Thích Lệ Trang nói.

Xong lễ Phật Đản, nếu gia đình muốn thờ phụng tôn tượng Thái tử thì rước tôn tượng phụng thờ trên tam bảo. Còn nếu không có những tiện nghi, ban thờ không thoáng rộng thì gia chủ có thể cất tượng vào vị trí đẹp, mỗi năm rước ra.

Tin bài liên quan
Tin cùng chuyên mục