1. Hệ thống đèn xe
Bộ phận này có chức năng phát ra tín hiệu và cảnh báo giúp chúng ta tránh khỏi những va chạm đáng tiếc. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, hệ thống đèn thường sẽ nhanh hỏng, và thường là hỏng bất ngờ.Nguyên nhân của việc đèn “dở chứng” không sáng nữa là vì thường xuyên bị xóc mạnh do điều kiện đường sá Việt Nam nhiều “ổ gà”, các sự cố va chạm, nguồn điện không ổn định, hoặc hiệu điện thế của ắc- quy vượt quá giới hạn hiệu điện thế của bóng.
Để đảm bảo chiếc xe luôn ở trạng thái an toàn, nên tự tạo thói quen kiểm tra hệ thống đèn xe thường xuyên, nhất là mỗi khi chuẩn bị di chuyển xe trời tối. Bên cạnh đó cũng thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện, dây dẫn đến hệ thống đèn xe.
2. Hệ thống cần gạt nước
Hệ thống này đảm bảo cho người lái nhìn được rõ bằng cách gạt nước trên kính trước và kính sau khi trời mưa. Hệ thống có thể làm sạch bụi bẩn trên kính chắn gió phía trước nhờ thiết bị phun nước rửa kính. Thông thường lưỡi gạt mưa là bộ phận hay hư hỏng ở hệ thống cần gạt nước nhất do cấu tạo từ cao su, chịu ma sát và tác động của môi trường thường xuyên nhất.
Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên thay cần gạt sau 12 – 18 tháng. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết nóng ẩm mưa nhiều như tại Việt Nam, hiện tượng lão hóa lưỡi cao su sẽ diễn ra nhanh hơn, nên cần kiểm tra thường xuyên và chú ý thay thế đúng lúc.
3. Gioăng kính cửa sổ
Nếu như xe của bạn thường xuyên được để ở trong gara có mái che, vận hành trong điều kiện thời tiết thuận lợi, không chịu cái nắng gắt gao như thiêu như đốt, những trận mưa như trút nước, thì các gioăng kính lái và kính cửa sổ bằng cao su rất bền, có thể hoạt động tốt sau 7 – 10 năm. Nhưng ô tô được sử dụng trong điều kiện lý tưởng như vậy là rất ít. Đặc biệt với nền khí hậu như ở nước ta hiện nay, đó chính là kẻ thù khiến cho các chi tiết cao su bị thoái hóa rất nhanh, bị cứng, nứt, gẫy. Làm hỏng đi gioăng kính cửa sổ gây ra những tiếng kêu do kính không được khép kín, giảm khả năng chống ồn.
Để hạn chế việc hỏng thiết bị này, bạn nên tiến hành vệ sinh, lau chùi nội ngoại thất xe ô tô thường xuyên. Khi bụi bẩn bám nhiều vào kính cửa sổ rồi, bạn nên hạn chế lên, xuống kính. Vì khi bụi bẩn bám nhiều, không gạt hết sẽ chui vào bên trong, làm kính cửa sổ bị trầy xước, có khi bị kẹt, làm cho gioăng cao su nhanh bị hỏng, thoái hóa.
4. Sơn xe ô tô
Lớp sơn vỏ xe ô tô như một chiếc áo bạn mặc cho ô tô vậy. Nó vừa là một lớp lá chắn bảo vệ vừa trang điểm thêm vẻ đẹp tạo ra phong cách riêng cho chiếc xe của bạn. Tuy nhiên, dưới tác động khách quan của thời tiết, môi trường xung quanh, hay các tác động chủ quan từ phía con người như những va chạm trên đường đi thì lớp sơn sẽ bị xuống cấp.
Không còn sự bóng nhoáng như gương khi mới xuất xưởng, mà thay vào đó lớp áo ấy có điểm xuyết những vết xước li ti, màu sắc và chất lượng sơn của chiếc xe cũng bị kém đi trông thấy. Khi các vết xước xuất hiện với tần số ngày càng nhiều, tính chất ngày càng nghiêm trọng (vết xước sâu, dài) làm lớp vỏ xe bị tổn thương nhiều. Lớp kim loại bên trong cũng sẽ nhanh chóng bị oxy hóa. Nếu không khắc phục kịp thời, các vết xước sẽ còn bị rỉ rồi loang rộng ra.
Để chiếc xe của bạn giữ được nước sơn lâu hơn, trông đẹp thì bạn đừng tiếc công rửa xe thường xuyên. Khi lau rửa nên chú ý không dùng khăn lau khi vỏ còn bám bụi bẩn, lau như vậy sẽ làm gia tăng sự xước cho xe hơn. Chỉ nên lau khi đã rửa sạch, giúp lau khô nước. Khi rửa xe, dùng súng phụt nước áp suất cao để làm sạch trôi các vết bẩn bám trên vỏ xe. Chọn hóa chất chuyên dụng, có như vậy mới đảm bảo an toàn và giữ được chất lượng của lớp sơn.
Đồng thời, giữ cho nước sơn xe được bền, đẹp thì bạn cần để xe ở các gara ô tô. Nếu để xe ngoài trời thì nên để xe ở nơi thoáng mát, có mái che. Nên tránh các gốc cây vì chất thải của chim và một số loại côn trùng sẽ làm hư hại tới lớp vỏ sơn xe của bạn. Bất đắc dĩ mà bạn không tìm được chỗ để xe thích hợp khác thì cần có biện pháp che chắn cẩn thận.
5. Lốp xe
Trong các sự cố xảy ra do bộ phận của xe bị hư hỏng thì nổ lốp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông. Và lý do vì sao xảy ra tình trạng nổ lốp này hầu hết được lý giải do lốp xe quá mòn và cũ dẫn đến việc lốp chịu “giới hạn tải trọng cực đại” phải hoạt động hết công suất, bị mài mòn nhiều, ma sát với mặt đường nhiều nên dẫn đến hiện tượng quá nhiệt và phát nổ.
Để phòng tránh các sự cố do lốp xe bị mòn gây ra, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta rằng, bên cạnh việc sử dụng lốp xe có chất lượng tốt và sau 1 năm sử dụng phải kiểm tra lốp định kỳ 1 năm/ lần thì việc bảo dưỡng và phục hồi lốp cao su là rất quan trọng.