Phái đoàn cho HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN làm trưởng đoàn. Cùng đi có HT.Mahabounma Simmaphom, Chủ tịch Liên minh Trung ương Phật giáo Lào; HT.Vong Khim Son, Tổng Thư ký Hội đồng Tăng thống Phật giáo Campuchia, Tăng trưởng thành phố Phnom Penh; chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo ba nước và đại diện Chính phủ, Đại sứ quán Lào và Campuchia.
Thượng tọa cho biết, kế thừa tình hữu nghị truyền thống vĩ đại giữa Việt Nam, Lào, và Campuchia, trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp của những người đệ tử của Đức Phật, hội nghị lần thứ hai tổ chức tại TP.HCM, lãnh đạo Phật giáo ba nước đã ký kết bản Tuyên bố chung có 7 điểm lớn - tiếp tục khẳng định không ngừng tăng cường sự giao lưu, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa chư Tăng, Sư sãi và tín đồ Phật tử của Phật giáo ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam. Qua đó, phát huy và củng cố truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa ba dân tộc. Khẳng định sự đóng góp của Phật giáo trong xây dựng tình hữu nghị và hòa bình, thịnh vượng của ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam.
“Lãnh đạo Phật giáo ba nước cũng đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xác định trách nhiệm của Phật giáo trong việc khôi phục và làm phong phú môi trường sống tại lưu vực sông Me Kong. Tăng cường tổ chức, triển khai các hoạt động từ thiện nhân đạo nhằm đưa ánh sáng giáo lý từ bi của đạo Phật vào trong đời sống xã hội, giúp đỡ cộng đồng Phật tử có hoàn cảnh khó khăn, tích cực xóa đói giảm nghèo, xây dựng một cộng đồng hạnh phúc, an lạc”, Thượng tọa Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký HĐTS nói.
Bày tỏ vui mừng khi hội nghị lãnh đạo Phật giáo 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia lần thứ 2 được tổ chức tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với Phật giáo và nhân dân 3 nước, đồng thời gửi lời chúc hội nghị đạt nhiều thành tựu viên mãn.
Ông Nên bày tỏ tin tưởng, với chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân cùng với đường hướng hoạt động theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” củaGHPGVN, Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp những thành tựu lớn lao cho sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp và bảo tồn, phát triển di sản văn hóa dân tộc.
Dịp này, lãnh đạo TP.HCM cũng vui mừng thông tin, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận chủ trương TP.HCM đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak năm 2025.