Bối rối vì chính sách
Đã qua hơn 20 ngày kể từ khi Thông tư 40 của Bộ Tài chính được ban hành, các sàn TMĐT tại Việt Nam vẫn chưa hết bối rối. Theo quy định mới của Thông tư này, sàn TMĐT có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn theo lộ trình của cơ quan thuế.
Cụ thể, sàn giao dịch TMĐT căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh trên sàn nhận được, bao gồm khoản nhận qua đơn vị vận chuyển - COD, các hình thức trung gian thanh toán... để xác định doanh thu kê khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.
Từ chối nêu quan điểm về quy định này, đại diện một sàn TMĐT cho hay: “Chúng tôi đang rất bối rối, chưa biết thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý như thế nào. Thời gian còn lại ít, Thông tư thì được ban hành quá bất ngờ”.
Theo đại diện một sàn TMĐT khác, ngày 15-6 vừa qua, lẽ ra các doanh nghiệp chịu điều chỉnh của Thông tư 40 được mời đến để lấy ý kiến cho đa chiều nhưng “đến đó chúng tôi lại nghe phổ biến nội dung của Thông tư này. Việc này khiến chúng tôi trở tay không kịp”- đại diện sàn TMĐT nói.
Trong thông cáo mới nhất gửi tới các cơ quan báo chí của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), đại diện VECOM cho biết, 15 ngày sau khi Thông tư được ban hành, Tổng cục Thuế mới cùng VECOM tổ chức cuộc họp đầu tiên trao đổi về các quy định của Thông tư cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện các sàn giao dịch TMĐT và các bên liên quan về việc triển khai Thông tư.
"Thông tư 40 được ban hành có nhiều nội dung mới so với bản dự thảo đăng tải đầu tiên ngày 12-3, nhưng Ban soạn thảo chưa tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Đây là lần đầu tiên Hiệp hội và các hội viên được tiếp cận tới Thông tư này. Do đó, một số quy định trong Thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử, cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn" – VECOM khẳng định.
Bình luận về quy định này, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, về bản chất, một sàn TMĐT không phải là một đơn vị trả thu nhập; đây thực ra là một cái chợ công nghệ do doanh nghiệp sở hữu cung cấp để bên bán và bên mua kết nối với nhau, thực hiện được giao dịch tiện lợi với chi phí thấp nhất.
Đặc biệt, quy định ban hành đã hơn nửa tháng mà doanh nghiệp trong ngành không hề hay biết. Các doanh nghiệp cũng không biết ban soạn thảo Thông tư 40 khi đưa những chế định quan trọng và lớn như thế này đã kịp đánh giá tác động kinh tế - xã hội, đã lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động như quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật hay chưa...
Dẫn lại lời của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho hay: “Một doanh nghiệp nói với tôi rằng rủi ro từ thương trường, từ cạnh tranh đã khắc nghiệt, nhưng rủi ro từ thay đổi chính sách, pháp luật có khi lại khắc nghiệt hơn nhiều lần”.
ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế (VCCI) |
Không chỉ “tạo áp lực” cho sàn TMĐT phải kê khai, thu thuế thay người kinh doanh, Thông tư 40 còn “buộc” sàn TMĐT phải xác định được doanh thu của người kinh doanh có đạt 100 triệu trở lên hay không để tính thuế. Quy định này khiến doanh nghiệp lo ngại khi sàn TMĐT “chưa kịp” thông thạo nghiệp vụ kê khai, xác định doanh thu, nộp thuế thay người kinh doanh thì người kinh doanh đã tìm cách để “né thuế”. Trách nhiệm của sàn TMĐT trong trường hợp này như thế nào?
Thông tư “to” hơn Nghị định!
Đồng tình với quan điểm cho rằng sàn TMĐT không phải đơn vị “trả thu nhập”, Luật sư Trương Hữu Huy, Đoàn Luật sư TP. HCM, Giám đốc điều hành Công ty Luật Huy & Partners nhấn mạnh, sàn không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Đáng chú ý, căn cứ Điều 36, Khoản 7 Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về TMĐT, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT không bao gồm trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay cho người bán, mà người bán chính là đối tượng có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về thuế (cụ thể là Khoản 1, Điều 24, Luật Thuế TNCN 2007).
“Như vậy, xét về góc độ pháp lý, theo quy định tại Điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư 40 là văn bản dưới Nghị định nhưng lại gây xung đột và mâu thuẫn với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP thì điều này là trái với các nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 156 đã dẫn”- Luật sư Trương Hữu Huy nói.
Theo Luật sư Trương Hữu Huy, Điều 45 Luật Quản lý thuế cũng quy định: “cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh”. Trong khi hầu hết các sàn TMĐT đều có địa điểm kinh doanh ở tỉnh khác (thường là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Vì thế, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành trong trường hợp cá nhân kinh doanh có trụ sở tại tỉnh khác.
Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương.
Theo ông Bùi Ngọc Tuấn- Phó TGĐ Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, quy định trên của Thông tư 40 nhằm chống thất thu thuế nhưng cần được xem xét kỹ lưỡng và có thể cần được điều chỉnh phù hợp với thực tế.
“Quy định trong Thông tư 40 sẽ dễ cho cơ quan quản lý thuế, nhưng gây khó cho các sàn TMĐT nên cần chính sửa thêm cho hài hòa giữa vai trò quản lý thu thuế của cơ quan thuế, trách nhiệm tối cao trong kê khai nộp thuế của cá nhân kinh doanh trước pháp luật và việc hỗ trợ cơ quan thuế thông qua hoạt động kinh doanh của sàn”- ông Bùi Ngọc Tuấn nói.
ông Bùi Ngọc Tuấn- Phó TGĐ Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam |