Ảnh minh họa.

Chất liệu tâm linh trong Tỳ-ni và Oai nghi

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tỳ-ni nhật dụng là một trong bốn bộ luật Trường hàng mà bất kỳ Tăng Ni nào thuộc truyền thống Phật giáo Bắc tông cũng biết và thuộc lòng, bởi vì đó là điều bắt buộc khi thọ giới từ Sa-di cho đến Tỳ-kheo.

Điều này có nghĩa là bốn bộ luật này không chỉ dành cho người sơ cơ mới vào đạo mà chúng cần thiết cho suốt cuộc đời tu hành. Bởi chất liệu tâm linh trong đó không kém bất kỳ bài kinh nào trong Tam tạng vậy.

Có một số người nghĩ rằng bốn bộ luật Trường hàng là Tỳ-ni, Sa-di, Oai nghi, Cảnh sách chỉ dành cho những người mới vào đạo, rằng học để thọ giới và sau khi thọ Tỳ-kheo rồi thì không còn áp dụng nữa, không cần phải nhớ nữa. Suy nghĩ như thế là không đúng. Bởi vì dù mới tu hay tu lâu thì đều cần phải giữ giới, cần phải có oai nghi… Thật ra, điều này còn tùy thuộc vào mức độ mà người ta hiểu bốn bộ luật này, nhất là Tỳ-ni nhật dụng, như thế nào.

Cũng như bao nhiêu Tăng Ni khác, khi mới vào đạo, tôi cũng được dạy học thuộc lòng các bài kệ trong Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu. Bảo học thì học vậy thôi chứ cũng không biết (và cũng không thắc mắc) là học để làm gì. Khi vào học lớp sơ cấp Phật học thì quý thầy dạy là học thuộc lòng để mỗi khi làm việc gì thì đọc bài kệ đó. Sau này đi thọ giới cũng bắt tụng thuộc lòng, nếu không thuộc thì không cho thọ giới.

Lúc đó, mỗi khi làm việc gì tôi đều đọc một bài Tỳ-ni cho việc đó nhưng không biết là mình chỉ đọc một lần thôi hay đọc đi đọc lại cho đến xong công việc. Ví dụ khi mình cạo tóc thì đọc bài kệ cạo tóc, “Đến khi cạo tóc/ Nguyện cho chúng sanh/ Xa lìa phiền não/ Rốt ráo tịch diệt/ Án, tất-điện-đô, mạn-đa-ra, bạt-đà-gia, sa-bà-ha” một lần rồi cạo tiếp hay đọc đi đọc lại bài kệ cho đến khi cạo tóc xong?

Sở dĩ tôi có thắc mắc đó là vì khi ấy tôi đọc mà không hiểu tại sao phải đọc, đọc để làm gì. Người lớn dạy sao thì làm theo vậy thôi. Sau đó thì tôi hiểu ra rằng đọc như vậy là để giữ chánh niệm. Khi làm việc gì thì mình đọc bài kệ về việc đó như là cách để nhắc nhở mình tập trung chứ không để cho tâm trí nghĩ đến việc khác. Cho nên chỉ cần đọc một lần khi bắt đầu công việc thôi rồi sau đó tập trung vào công việc. Chứ vừa làm vừa nhớ đọc bài kệ thì đó cũng là vọng tưởng, làm chuyện này mà nghĩ đến chuyện khác rồi.

Khi hiểu như vậy rồi thì một thắc mắc khác lại nảy sinh trong tôi. Rằng nếu đọc bài kệ Tỳ-ni với mục đích để giữ chánh niệm, để ý thức việc mình đang làm thì mình có thể không cần đọc bài kệ. Chỉ cần mình có mặt trong giây phút hiện tại “bây giờ và ở đây” là được rồi. Lúc này tôi thấy bài kệ Tỳ-ni trở thành một chướng ngại cho chánh niệm. Bởi vì còn làm một cái gì khác ngoài công việc hiện tại, còn dùng đầu óc để nhớ cái gì đó thì cũng là vọng tưởng rồi. Từ đó tôi không còn đọc bài kệ Tỳ-ni nữa mà chỉ giữ chánh niệm trong hiện tại thôi. Và quả nhiên nhờ như vậy mà việc gì cũng chánh niệm được, tâm được định dễ dàng.

Thế nhưng bây giờ thì tôi lại thấy khác. Rằng Tỳ-ni không chỉ giúp hành giả có ý thức chánh niệm mà còn có giá trị tâm linh vô cùng sâu sắc. Mỗi bài kệ Tỳ-ni là một bài kinh ngắn chứa đựng một triết lý nhân sinh, một giá trị nhân văn cũng như một phương pháp tu tập rất hay. Cái giá trị trước hết là tư tưởng từ bi, vị tha, được thể hiện ở câu “Nguyện cho chúng sanh”. Hầu hết các bài kệ Tỳ-ni đều có câu “Nguyện cho chúng sanh”. Có nghĩa là khi làm bất cứ việc gì, người hành trì đều nghĩ đến chúng sanh, mong muốn cho tất cả chúng sanh cũng được như mình.

Trong một ngày ta đã nói không biết bao nhiêu lần thành ngữ “nguyện cho chúng sanh”. Điều này có tác dụng tâm lý vô cùng to lớn. Ta đọc thành ngữ này như một câu thần chú. Ta đọc mỗi ngày, tháng này qua năm nọ. Và không biết từ khi nào, lòng ta rộng mở biết bao. Tính vị kỷ nhỏ nhen, đố kỵ thù hằn biến khỏi tâm ta lúc nào không hay. Ta trở nên từ bi, lúc nào cũng nghĩ cho người khác.

Không dừng lại ở đó, “Nguyện cho chúng sanh” không chỉ thể hiện lòng từ bi, vô ngã vị tha của người đệ tử Phật mà còn là một triết lý cốt lõi của Phật giáo, triết lý Duyên khởi. Mọi sự mọi vật tương quan với nhau, nương tựa nhau mà hiện hữu. Và có thể nói rằng chưa bao giờ chúng ta cảm nhận tính duyên khởi của thế giới nhân sinh lại thể hiện rõ như hiện nay. Ta không thể mạnh khỏe khi người bên cạnh không khỏe. Ta không thể bình an, hạnh phúc khi xã hội quanh ta đang bất ổn. Trong đại nạn này, không ai có thể đứng ngoài cuộc, không chỉ trong phạm vi một làng, một xã mà là phạm vi quốc gia, toàn cầu. Vâng, mỗi ngày ta đều phải nguyện cho chúng sanh, nguyện cho thế giới… Chỉ khi nào thế giới an toàn thì cá nhân ta mới an toàn vậy.

Một giá trị khác về mặt nội dung của Tỳ-ni là dạy ta phương pháp tu tập một cách sinh động. Tỳ-ni dựa vào tính chất cụ thể của từng công việc mà đưa ra một phương pháp tu tập, do đó rất thiết thực và hiệu quả. Ví dụ như khi đi đại tiểu tiện thì ta đọc bài kệ: “Đại tiện tiểu tiện/ Nguyện cho chúng sanh/ Xả tham sân si/ Loại trừ tội lỗi/ Án, ngận-lỗ-đà-da sa-ha”.

Trong bài kệ này, tham, sân, si được ví như phân và nước tiểu, chúng không chỉ bất tịnh mà còn rất độc hại nếu không được đào thải ra khỏi cơ thể. Cũng vậy, tham sân si chính là những thứ bất tịnh của tâm mà nếu không loại trừ thì sẽ rất có hại vậy. Những thứ không sạch thì ai cũng muốn xa lánh. Cũng vậy, người nhiều tham sân si không ai muốn gần gũi cả. Ai cũng có nhu cầu bài tiết mỗi ngày, nhưng có mấy ai có nhu cầu loại trừ tham sân si mỗi ngày? Cho nên mỗi lần đi vệ sinh và đọc bài kệ này sẽ nhắc nhở ta về tính chất bất tịnh và độc hại của tham sân si cần phải được loại trừ, như loại trừ phẩn tiểu vậy.

Những bài kệ khác trong Tỳ-ni cũng có những giá trị tâm linh, dạy ta cách tu tập tuyệt vời như thế. Việc làm phù hợp với pháp là Giới, làm trong chánh niệm là Định, hiểu ý nghĩa của việc làm là Tuệ. Một bài kệ chỉ có 4 câu, 16 chữ thôi nhưng gồm đủ cả Giới, Định và Tuệ. Theo tôi, Tỳ-ni nhật dụng quả thật là kinh Pháp cú thứ hai của Phật giáo vậy.

Không chỉ trong Tỳ-ni mà trong 24 thiên Oai nghi, chất liệu tâm linh cũng không hề nhỏ. Oai nghi tuy nói việc hành vi, hình thức bên ngoài nhưng thật ra tác động đến nội tâm bên trong rất lớn, cũng giống như việc lay động thân cây để tác động đến gốc rễ của cây ấy vậy. Ví dụ như ở thiên “Theo chúng thọ thực” thứ 6, dạy rằng “Không được la rầy đồ ăn tốt xấu”. Tham dục nói chung và tham ăn nói riêng là một trong những phiền não căn bản của con người, đưa đến nhiều đau khổ cũng như thói hư tật xấu. Tâm lý chung là khi thấy đồ ngon ta vui, còn khi thấy đồ không ngon thì ta không vui, nhiều người còn nổi sân nữa. Cho nên việc “không được la rầy đồ ăn tốt xấu”, về hình thức là giữ được oai nghi của người tu, nhưng về mặt nội tâm là giữ tâm bình đẳng đối với đồ ăn nói riêng và các vấn đề khác nói chung.

Nếu ta không học Oai nghi thì ta sẽ không biết được việc này, và do đó khi lên bàn ăn, ta sẽ mong chờ đồ ăn ngon và bực bội khi đồ ăn không vừa ý. Ta sẽ cằn nhằn hoặc chê bai. Và điều này vô tình huân tập thêm phiền não tham sân si. Nhờ học Oai nghi, sự kềm chế bên ngoài sẽ dần dần làm thay đổi bên trong, và do đó phiền não tham sân si sẽ mỏng dần. Ta sẽ an vui trước những cảnh thuận và nghịch trong cuộc sống.

Dù được biên soạn cách nay hàng trăm năm nhưng nội dung của 24 thiên Oai nghi vẫn không hề lỗi thời, thậm chí còn rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay nữa. Một số ít Tăng Ni trẻ hiện nay, hành vi thì thô tháo, lời nói thì “bất kính thượng trung hạ tọa”, ngông cuồng tự cao tự đại, phê phán cả các vị Tổ sư và cho rằng đó mới chính là tinh thần tự do phát triển, khai phóng trí tuệ. Đâu biết oai nghi không chỉ là hình thức bên ngoài mà còn là biểu hiện của sự tu tập nội tâm nữa. Sa-di sớ chép rằng: “Có uy đáng sợ, có nghi đáng kính, trong chứa cái đức uy hùng như sư tử, ngoài bày cái dáng chững chạc như tượng vương”, há không cần thiết sao?

Tin cùng chuyên mục