Tìm hiểu về các tôn tượng tại chùa Bửu Hưng

Tìm hiểu về các tôn tượng tại chùa Bửu Hưng

(Ngày Nay) - Hầu hết các tượng Phật ở chùa Bửu Hưng có màu sắc nhẹ nhàng, không lòe loẹt, y phục không hoa văn tiểu tiết rườm rà; những tượng Phật này toát lên được sự trang nghiêm và đã tạo nên không gian trầm ấm cho một ngôi cổ tự.

Đôi nét về chùa Bửu Hưng và vị trí địa lý

Chùa Bửu Hưng tên chữ Hán là Bửu Hưng tự (寶興寺) hay còn gọi là Bửu Hưng Cổ tự (寶興古寺), và vì nằm gần rạch Cả Cát nên các đạo hữu và những người dân quanh vùng thường gọi là chùa Cả Cát. Di tích Lịch sử - Văn hóa này vào thời Phong kiến thuộc thôn Hòa Long, huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh. Trước năm 1975, chùa thuộc xã Hòa Long, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc. Sau 30-4-1975, chùa thuộc xã Hòa Thắng, huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp. Từ tháng 8 năm 1989 đến nay chùa Bửu Hưng tọa lạc tại ấp Hòa Ninh, xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Chùa có tổng diện tích khoảng 13.760m2, trong đó diện tích tiền đường và chánh điện là 314m2, diện tích tiền sảnh và nhà tổ là 288m2, diện tích nhà giảng là 198m2, phần còn lại là nhà trù, ni xá, sân kiểng, ao nước, vườn cây ăn trái và các công trình phụ.

Tìm hiểu về các tôn tượng tại chùa Bửu Hưng ảnh 1
Chùa Bửu Hưng – Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Tượng thờ ở chùa Bửu Hưng

Trong chùa Bửu Hưng có tất cả 58 tượng thờ, trong đó có 26 tượng bằng gỗ, một tượng bằng đồng, 20 tượng bằng xi-măng và 10 tượng được tạo từ nguyên liệu gốm. Các tượng bằng gỗ đều có niên đại ở thế kỷ XIX và XX. Ngoài tượng Phật A Di Đà được vua Minh Mạng gửi vào cúng dường, chùa Bửu Hưng còn có các tượng khác được tạc bằng gỗ như: bộ tượng Hộ Pháp khuyến thiện - trừng ác, Địa Tạng thượng kỳ thú, Tiêu Diện Đại sĩ, Giám Trai sứ giả, Già Lam, Quan Công, Ngọc Hoàng đại đế, Nam Tào - Bắc Đẩu, và bộ Thập điện Diêm vương… Các tượng này đều có giá trị cao về niên đại cũng như nghệ thuật điêu khắc.

Tượng Phật A Di Đà: được thờ ở vị trí chủ vị thuộc gian trung tâm của chánh điện, có niên đại vào năm Minh Mạng thứ hai (tức năm 1821). Vua Minh Mạng sau khi lên ngôi đã cho tạc tượng Phật A Di Đà gửi vào cúng dường để bày tỏ lòng biết ơn Hòa thượng chùa Bửu Hưng khi xưa đã che chở cho tiên đế (Nguyễn Ánh - vua Gia Long) trong cuộc lánh nạn Tây Sơn. Trụ trì lúc bấy giờ là Hòa thượng Tiên Thiện Từ Lâm.

Tượng được tạc bằng gỗ mít, cao 2,3m tính cả đài sen, được sơn son thếp vàng, tuy nhiên trải qua thời gian dài nên tượng đã phai màu. Dưới đài sen có bệ đỡ tượng Phật được làm bằng gỗ sơn màu đen, chạm khắc hoa văn, các hoa văn được thếp vàng, có chiều cao 0,43m, xung quanh được chạm khắc diềm trang trí và hoa văn, bốn chân bệ được chạm khắc mẫu hoa sen trang trí.

Tìm hiểu về các tôn tượng tại chùa Bửu Hưng ảnh 2

Tượng Phật Di Đà được triều đình cúng.

Tượng Phật A Di Đà được tạc trong tư thế ngồi kiết-già thiền định trên tòa sen - còn gọi là tư thế Vajrasana (Bảo tòa kim cang), hai bàn tay kiết ấn đặt trên hai đùi, hai đầu ngón tay cái chạm nhau, mắt nhắm thiền, tai dài, áo phủ hai vai, trên ngực khắc nổi chữ vạn (卍 - svastika) to, màu đỏ. Khác với những pho tượng Phật trong nền văn hóa tạc tượng của Chăm Pa hay Óc Eo, tượng Phật chùa Bửu Hưng mang đậm phong thái của người Việt.

Những đường nét nghệ thuật chạm trổ theo kiểu nhát đục đã khắc họa nên hảo tướng của một vị Phật. Tượng được tạc với nụ cười an nhiên, tư thế ngồi tự tại tạo nên sự thân thiện, gần gũi; đồng thời qua đó thể hiện niềm mong ước một cuộc sống an vui, lạc quan tự tại của những người con Việt ở đầu thế kỷ XIX.

Như được biết, đây là một trong hai bức tượng được triều đình Huế gửi vào Nam cúng dường. Tượng thứ nhất được cúng cho chùa Khải Tường ở Gia Định và tượng thứ hai được cúng cho chùa Bửu Hưng. Khi so sánh hai pho tượng với nhau, người viết nhận thấy kích thước, chiều cao, tư thế ngồi và phong cách tượng có rất nhiều nét tương đồng.

Tìm hiểu về các tôn tượng tại chùa Bửu Hưng ảnh 3
Chánh điện được chạm trổ tứ linh rất tinh xảo,

Vì vậy ta có thể nói rằng tượng Phật ở chùa Bửu Hưng và tượng Phật ở chùa Khải Tường (hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh) có cùng một xuất xứ và niên đại. Tính đến nay tượng Phật A Di Đà ở chùa Bửu Hưng đã được 199 năm.

Ngoài tượng Phật A Di Đà, chùa Bửu Hưng còn có các tượng được tạc bằng gỗ khác có giá trị nghệ thuật cao, như:

Tượng Hộ Pháp khuyến thiện - trừng ác:là hai pho tượng được đặt đăng đối hai bên bàn Phật A Di Đà, tượng Hộ pháp khuyến thiện nằm bên trái và tượng Hộ pháp trừng ác ở bên phải của bàn Phật A Di Đà (hướng từ trong nhìn ra). Hai tượng có chiều cao tương đương nhau, gần 2,1m, được an vị trên bệ thờ có chiều cao là 1,05m, chiều rộng là 0,68m.

Tượng Hộ pháp khuyến thiện được tạc với gương mặt hiền từ, đầu đội mũ kim khôi, mình mặc áo giáp trụ, có hổ phù trấn ở đai lưng, râu dài đến bụng, mắt nhìn thẳng, tay phải cầm kiếm, mũi kiếm chống lên sừng con rồng dưới chân, tay trái cầm ngọc (nhưng viên ngọc này theo thời gian có lẽ đã bị rớt mất), hai chân mang giày mũi hài, đứng trên phù điêu chạm rồng ẩn trong mây. Tượng có phong thái phương phi, mạnh mẽ của một bậc hộ pháp.

Tìm hiểu về các tôn tượng tại chùa Bửu Hưng ảnh 4
Vườn trúc của chùa.

Thanh kiếm trong tay là một biểu tượng về trí tuệ trong Phật giáo. Trí tuệ sắc bén ấy sẵn sàng chặt đứt mọi vọng tưởng của thế gian. Ngọc sáng trên tay là để chiếu soi đưa người đi vào nẻo sáng.

Tượng Hộ pháp trừng ác, được chạm với gương mặt dữ tợn, mắt trợn ngược, râu quai nón hùng hổ, đầu đội mũ kim khôi, tướng mạo phương phi, oai nghi bệ vệ, mình mặc áo giáp trụ, tay phải cầm búa, tay trái thủ thế võ, chân mang giày mũi hài, đứng trên mình rồng. Tượng thể hiện phong thái mạnh mẽ, với ý nghĩa sẵn sàng diệt trừ cái ác, răn đe những người có tâm hạnh xấu ác, giúp họ nhìn lại và tu sửa chính mình.

Tượng Thích Ca đản sinh: được thờ ở bàn Cửu long phún thủy đặt ở tiền đường, mặt thờ xoay vào trong đối diện với bàn Phật A Di Đà. Toàn bộ bàn thờ được chạm bằng gỗ. Bên trên tượng đản sinh là các khung gỗ tách rời được gắn mộng vào nhau, hoa văn trang trí rất đẹp.

Tìm hiểu về các tôn tượng tại chùa Bửu Hưng ảnh 5
Khu tháp cổ

Khung chủ phía trước tạc hình chín con rồng với chín tư thế khác nhau lấy hình đầu rồng trên đỉnh khung làm chuẩn, chín rồng này cùng phun nước chầu về Đức Phật. Ở trung tâm bàn thờ tôn trí tượng Đức Phật được tạc trong hình hài của một đứa trẻ, với mình trần quấn một chiếc khăn như chiếc váy có nút thắt trước bụng, hai chân đứng trên tòa sen, một tay chỉ trời một tay chỉ đất biểu thị cho câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Nghĩa là trên trời, dưới đất duy có Ta là bậc tôn quý. “Ngã” ở đây chỉ cho tâm Phật, chỉ có tâm Phật là cao quý, bất sinh bất diệt, là mục đích hướng thiện của muôn loài. Đây là mẫu tượng phổ thông xuất hiện ở các chùa sau thế kỷ XVII, các tượng đương đại về sau này thay phần váy phía dưới thành dải khăn vắt qua vai và cột thắt ở phần hông theo kiểu Phật giáo Nam tông, hoặc có khi tạc đầy đủ xiêm y.

Trên khung cửu long ở các tầng mây có an trí nhiều tượng Phật, Bồ-tát, chư thiên…, nhằm mô tả một thế giới Phật giáo thu nhỏ. Toàn bộ bàn thờ được thể hiện như một bức tranh lịch sử về sự đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa. Từng nét chạm trổ hoa văn được điêu khắc tinh xảo. Bệ thờ được chạm tứ linh (long, lân, quy, phụng) theo chầu.

Các tượng đủ hình thể được an trí trên khung cửu long như hàm ý bày tỏ niềm hân hoan của cả ba cõi khi Đức Phật thị hiện nơi chốn Ta-bà: chư thiên trổi nhạc dâng hoa cúng dường, mười phương ba đời chư Phật đồng tán dương khen ngợi và chín rồng phun nước tắm thân Như Lai. Đây là một biểu tượng đẹp, thiêng liêng trong văn hóa Phật giáo, thể hiện sự tôn kính và tán thán công hạnh của Đức Phật.

Tượng Địa Tạng thượng kỳ thú:được thờ ở chái bên trái của chánh điện, đặt ở giữa và chung bàn với tượng Địa Tạng và Quan Âm Bồ-tát. Hai Tượng Quan Âm - Địa Tạng đều được đúc bằng xi-măng, đứng trên tòa sen, sơn son thếp vàng, cao 1,5m. Tượng Địa Tạng thượng kỳ thú có lớp áo phủ bên ngoài đều là màu đen, đây là lớp sơn thí được sơn trước nhiều lần nhằm gắn chặt lớp đất hom và vải vào gỗ trước khi thếp vàng cho tượng.

Tìm hiểu về các tôn tượng tại chùa Bửu Hưng ảnh 6
Ngôi chùa nằm giữa khu vườn yên tĩnh, nhiều cây xanh thoáng đãng.

Trước kia tượng cũng được sơn son thếp vàng, song do thời gian khá lâu nên màu sơn bên ngoài đã tróc hết, chỉ còn sót lại một ít bám vào các cạnh khe của tượng và các đường chỉ áo vẫn còn màu nâu đỏ. Tượng được tạc ở thế ngồi tự tại trên mình con đề thính, khuôn mặt đầy đặn, đầu đội mão tỳ lư, tay trái đặt ngang bụng trên tay cầm ngọc như ý, tay phải đưa ngang ngực trong tư thế cầm tích trượng (cây tích trượng nay đã không còn), thân đắp y phục theo Phật giáo Bắc tông.

Tượng ngồi trong tư thế an lạc, tự tại. Con đề thính phía dưới làm tòa được tạc trong tư thế nằm phủ phục, đầu ngoảnh vào nhìn ngài Địa Tạng, nét mặt hoan hỷ. Đề thính được xem là một linh vật có thể nghe được hết mọi thứ trong tam giới, giúp Địa Tạng Bồ-tát phân biệt được thật giả đúng sai, ngọc như ý với ánh sáng trong suốt có thể soi sáng nẻo vô minh, cứu độ chúng sinh siêu thoát chốn địa ngục.

Tượng Tiêu Diện Đại sĩ: Trong chùa Bửu Hưng có hai bộ tượng Tiêu Diện Đại sĩ và Hộ Pháp Vi Đà, đặt hai bên của bàn cửu long phún thủy. Hai tượng Hộ Pháp Vi Đà và một tượng Tiêu Diện phía trước được đúc bằng xi-măng, sơn son thếp vàng. Riêng tượng Tiêu Diện ở phía sau bên phải bàn cửu long phún thủy được tạc bằng gỗ, cao 1,15m.

Y phục của tượng được sơn màu nâu đen có viền chỉ màu xanh đậm. Trên đầu đội tượng Bồ-tát Quan Âm, tay trái chống hông, tay phải trong tư thế cầm cờ (lá cờ này hiện không còn), mình mặc áo giáp trụ, chân không mang giày. Ngoài việc phụng thờ để lễ bái, bức tượng này thường được thỉnh trần thiết trong những lễ trai đàn chẩn tế tại chùa Bửu Hưng.

Tượng Già Lam - Giám Trai: Đây là những tượng thờ biểu thị cho bậc Hộ pháp ở chốn tòng lâm. Cũng giống tượng Địa Tạng thượng kỳ thú, các tượng này cũng bị phai màu áo, hiển hiện rõ màu sơn then thường dùng trong nghệ thuật tạc tượng, làm cho tượng càng có phong thái trầm tĩnh và cổ xưa.

Ngoài ra, trên chính điện chùa Bửu Hưng còn thờ tượng Phật Thích Ca, tượng Di Lặc, tượng Văn Thù, Phổ Hiền, Chuẩn Đề Bồ-tát… Đây là những tượng có kiểu dáng đương đại nhưng lại gần gũi vì hầu như các chùa theo Phật giáo Bắc tông đều thờ những tượng này. Các tượng đều được đúc bằng xi-măng, sơn son, thếp vàng và mang nhiều ý nghĩa trong việc độ sinh cũng như độ tử của Phật giáo.

Tin cùng chuyên mục