Di tích quốc gia đặc biệt chùa Phổ Minh nằm tại phường Lộc Vượng (TP. Nam Định, tỉnh Nam Định).

Chiêm ngưỡng Bộ tượng Trúc Lâm tam tổ hơn 300 năm tuổi tại chùa Phổ Minh

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bộ tượng Trúc Lâm tam tổ tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia ngày 30/1/2023. Ngôi chùa cổ xây thời Lý, mở rộng thời Trần, sau đó được trùng tu nhiều lần, nhất là thời Mạc thế kỷ 16.

Bộ tượng Trúc Lâm tam tổ gồm Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang được làm bằng gỗ, sơn son, thếp vàng, nguyên vẹn sau 300 năm.

Bộ tượng tạc ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm. Đệ nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông sinh năm 1258, từ nhỏ đam mê Phật giáo, có lúc tự rời kinh thành vào núi Yên Tử tu. Năm 20 tuổi, Trần Nhân Tông lên ngôi vua, thi hành nhiều chính sách khoan hòa, thân dân, giảm thuế.

Sau hai cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thắng lợi, năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm thái thượng hoàng. Cuối năm 1299, ông đến núi Yên Tử tu, lấy pháp hiệu là Trúc Lâm đại sĩ, xưng Hương Vân đại đầu đà (tu theo 12 hạnh đầu đà, tức phạm hạnh dùng để trị thân tâm, trừ phiền não). Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Đại Việt ra đời.

Chiêm ngưỡng Bộ tượng Trúc Lâm tam tổ hơn 300 năm tuổi tại chùa Phổ Minh ảnh 1

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Phổ Minh.

Để truyền bá Phật giáo, thượng hoàng Trần Nhân Tông và vua Trần Anh Tông khắc in bộ Kinh Đại tạng vào cuối thế kỷ 13, góp phần quan trọng phát triển Phật học các thế kỷ sau. Trần Nhân Tông đi khắp nơi, sang nước láng giềng như Chiêm Thành giảng Phật pháp. Ông dạy dân thực hành 10 điều thiện.

Thiền phái Trúc Lâm phát triển mạnh, mọi người đều có thể tu học, không phân biệt xuất gia hay tại nhà. "Con người có Nam có Bắc, còn Phật không phân biệt Nam Bắc", Trần Nhân Tông thường nói. Cuối năm 1308, Trần Nhân Tông viên tịch theo thế sư tử tại đỉnh Ngọa Vân, núi Yên Tử.

Vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa (Đồng Kiên Cương), được Trần Nhân Tông truyền thừa tổ vị tại chùa Báo Ân đầu năm 1308. Trước đó mấy năm, Trần Nhân Tông đi phát thuốc cho người nghèo, lần đầu thấy Đồng Kiên Cương liền nói "người này có đạo nhãn, sau này hẳn là bậc pháp khí".

Đồng Kiên Cương thấy Trần Nhân Tông thì xin xuất gia. Ông bắt đầu tu theo mười hai hạnh đầu đà như Trần Nhân Tông. Pháp Loa có nhiều công thuyết pháp, giảng kinh, xây dựng, tu bổ chùa, độ tăng, đúc tượng Phật.

Chiêm ngưỡng Bộ tượng Trúc Lâm tam tổ hơn 300 năm tuổi tại chùa Phổ Minh ảnh 2

Tượng Pháp Loa thiền sư.

Vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm là Huyền Quang (Lý Đạo Tái), có tài văn chương, học vấn uyên bác. Năm 1305, Lý Đạo Tái dâng biểu từ chức để xuất gia học đạo tu hành. Ông học tại chùa Vũ Ninh, do Bảo Phúc - học trò xuất sắc của Pháp Loa chỉ dẫn. "Phàm sách đã qua tay Huyền Quang hiệu khảo thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa", Trần Nhân Tông viết.

Làm theo lời dặn của Trần Nhân Tông trước khi qua đời, Lý Đạo Tái theo học Pháp Loa, sau đó làm trụ trì chùa Vân Yên, trung tâm phật giáo lớn đương thời trên núi Yên Tử. Năm 1317, Lý Đạo Tái được Pháp Loa truyền ngôi vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm, đặt pháp hiệu Huyền Quang.

Bộ tượng Trúc Lâm tam tổ được làm từ thế kỷ 17, bằng gỗ, sơn son, thếp vàng, đến nay còn nguyên vẹn. Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông dài 1,6 m, tạc liền khối, tư thế nhập niết bàn, đặt trong khám thờ chính giữa thượng điện chùa Phổ Minh. Mặt tượng vuông, sống mũi thẳng, mắt nhắm, miệng mỉm cười, tai to dài, tóc xoắn ốc tròn. Tay trái chống đầu, tay phải duỗi thẳng. Thân tượng mặc áo Phật, chùm sát chân. Hai cánh tay, một phần vai và thân để trần.

Bên phải tượng Trần Nhân Tông là tượng Pháp Loa ngồi thiền, tóc cạo, mặt cân đối, mắt hơi nhìn xuống, mũi cao, tay dài, thần thái từ bi, phúc hậu. Thân tượng khoác áo cà sa. Chân áo xếp cánh hoa sen.

Bên trái là tượng Huyền Quang ngồi, chân đi hài, tóc cạo, mặt vuông, mũi cao, lông mày lưỡi mác, mắt nhìn thẳng, miệng mỉm cười, tai to nhưng không chảy.

Chiêm ngưỡng Bộ tượng Trúc Lâm tam tổ hơn 300 năm tuổi tại chùa Phổ Minh ảnh 3

Tượng Huyền Quang thiền sư.

Văn bia chùa Phổ Minh ghi, năm 1668, đại hòa thượng Chân Tĩnh khắc tượng sư tử vàng trang nghiêm và tượng tòa sen. TS Nguyễn Xuân Năm dẫn sách Tam tổ thực lục đã chứng minh tượng sư tử vàng trong văn bia là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Cục Di sản văn hóa đồng tình với nhận định này.

Tượng Pháp Loa và Huyền Quang không được nhắc trong văn bia, nhưng căn cứ phong cách, đặc điểm, Cục Di sản văn hóa cho rằng cùng được tạc thế kỷ 17.

Tượng Phật nhập niết bàn thường quay đầu về hướng Bắc, mặt ngoảnh hướng Tây. Riêng tượng Trần Nhân Tông chùa Phổ Minh đầu quay hướng Đông, nơi có đền Trần thờ thủy tổ và 14 vị hoàng đế triều Trần với ý nghĩa hướng về cội nguồn. "Đây là điểm độc đáo nhất của tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông chùa Phổ Minh", hồ sơ Cục Di sản văn hóa nêu.

Bộ tượng cho thấy vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống chính trị, văn hóa và dân gian dưới triều Trần. Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập đã chứng minh Đại Việt có hệ tư tưởng tôn giáo độc lập, đỉnh cao của tư tưởng Việt Nam suốt hai thế kỷ 13-14. Điều này cũng khẳng định địa vị quốc gia Đại Việt với các nước xung quanh, đặc biệt là thế lực thống trị phương Bắc cách đây hơn 700 năm, Cục Di sản văn hóa nhận định.

Tin cùng chuyên mục