Chiêm ngưỡng ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nội, với kiến trúc được ví như 'sen nở trên nước'

Chiêm ngưỡng ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nội, với kiến trúc được ví như 'sen nở trên nước'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chùa Một Cột được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như chùa Mật, Liên Hoa Đài hay chùa Diên Hựu. Chùa Một Cột nằm tại quận Ba Đình, không chỉ có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam cũng như châu Á mà còn là một điểm tựa tâm linh và biểu tượng đặc sắc văn hóa của Thủ đô.

Kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam và châu Á

Ngày 28/4/1962, chùa Một Cột được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng xác lập kỷ lục Việt Nam và đề cử tới Tổ chức Kỷ lục châu Á. Đến 10/10/2012 tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á: "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất" cho chùa Một Cột.

Tại sao chùa Một Cột lại được vinh danh có kiến trúc độc đáo như vậy, có lẽ phải nhắc đến lịch sử xây dựng ngôi chùa.

Chiêm ngưỡng ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nội, với kiến trúc được ví như 'sen nở trên nước' ảnh 1

Mái chùa được lợp bằng ngói vảy rồng đã bị phủ lớp rêu phong của thời gian. Sự kỳ công và điêu luyện khi lợp ngói khít nhau, không hở kẽ và giữ được kết cấu chắc chắn qua bao năm tháng. Các mối mộng của bốn cạnh mái chùa được ghép rất khéo léo thể hiện được sự tinh xảo của kiến trúc ngôi chùa..

Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Mùa đông tháng mười năm Sùng Hưng Đại Bảo 1 (1049) đời Lý Thái Tông, dựng chùa Diên Hựu. Trước đấy vua chiêm bao thấy Phật Quán Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Tỉnh dậy, vua đem việc ấy kể lại với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ làm tòa sen của Phật Quan Âm ở trên cột, giống như đã từng thấy ở trong mộng. Chùa dựng xong, cho các sư đi lượn quanh hồ tụng kinh cầu cho vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu".

Trong cuốn Lịch sử Hà Nội của Philippe Papin, tác giả viết rằng: "Có thể coi chùa Một Cột là một công trình độc đáo nhất nước. Chùa được xây dựng vào mùa đông năm 1049 theo nguyện vọng của Lý Thái Tông. Vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm nắm tay ông đưa lên ngai vàng có hình một đoá hoa sen mọc giữa hồ. Sáng hôm sau, một nhà sư khuyên ông nên xây một ngôi chùa có hình hoa sen trên một chiếc cột bằng đá tượng trưng cho cuống hoa".

Chiêm ngưỡng ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nội, với kiến trúc được ví như 'sen nở trên nước' ảnh 2

Đường kính cột đá khoảng 1,2m, cao khoảng 4m chưa tính phần chìm dưới đất. Đài Liên Hoa hình vuông mỗi cạnh 3m, được nâng đỡ bằng hệ thống dầm gỗ ghép mộng trực tiếp vào cột đá nên kết cấu vô cùng vững chắc.

Chùa Diên Hựu được xây dựng vào thời vua Lý Thái Tông vào mùa đông năm 1049 nay đã không còn. Chùa Một Cột của hiện tại là phiên bản đã được trùng tu nhiều lần, đã kinh qua bao thăng trầm. Chiếc cột đá ban đầu được làm bằng hai khối đá hình trụ đặt chồng khít lên nhau và được gắn với nhau bằng mộng đục trực tiếp trên đá. Đã từng có thời gian trong quá khứ, cụ thể là tháng 9 năm 1954, ngôi chùa Một Cột đã bị đánh sập trơ cả khung gỗ. Với những nỗ lực hết mình, ta đã cố gắng tái hiện ngôi chùa sát với bản gốc nhất có thể.

Chùa Một Cột như đóa sen nở từ dĩ vãngCũng giống như tháp Báo Thiên, chuông đồng chùa Một Cột được coi là một trong "tứ đại khí" của đất nước. Hai kỳ quan khác là bức tượng Phật ở chùa Quỳnh Lâm và vạc ở chùa Phổ Minh. Cả hai đều được đúc theo lệnh của Lý quốc sư. Cả tứ đại khí hiện nay đều không còn.

Chiêm ngưỡng ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nội, với kiến trúc được ví như 'sen nở trên nước' ảnh 3

Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn cũng có nhắc tới chùa Một Cột thế này: "Phía sau cổng bên phủ Toàn quyền, tức là ngay bên ngoài Cửa Tây cũ, giáp với phía Nam vườn Bách Thảo có một di tích lịch sử lâu đời được xây dựng từ sau khi có thành Thăng Long được ít lâu, đó là chùa Một Cột".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn còn cung cấp thêm thông tin về chùa Một Cột những ngày tháng dưới triều Lý, chùa được tu bổ, mở mang thêm nhiều lần. Chẳng hạn như sử chép năm 1080 đúc chuông lớn, năm 1105 Lý Nhân Tông xây hai tòa tháp lợp ngói sứ men trắng.

Chiêm ngưỡng ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nội, với kiến trúc được ví như 'sen nở trên nước' ảnh 4

Chùa Một Cột xưa (trái) và chùa Một Cột bị phá vào năm 1954 (phải). Ảnh: Tư liệu

Theo thông tin từ Hà Nội nghìn xưa, chuông chùa Diên Hựu lớn và nặng, gác chuông không chịu nổi được lâu, chuông rơi nằm dưới ruộng lúa qua bao nhiêu năm, rùa vào làm tổ cả ở trong, nên còn gọi là chuông Quy Điền. Chuông đã bị giặc Minh phá hoại năm 1424 lấy đồng đúc vũ khí chống nghĩa quân Lam Sơn.

Chưa hết, còn một sử liệu xưa cũng nhắc về chùa Một Cột, chính là văn bia chùa Đọi. Bia khắc năm 1121, đại ý nói rằng, chùa Một Cột dựng phía Tây Cấm Thành trong một vườn cây rộng, giữa một hồ nước gọi là hồ Linh Chiểu. Xung quanh chùa có hành lang, lại đào thêm hồ Bích Trì và bắc cầu vồng để qua lại. Phía trước và phía sau chùa đều có bảo tháp lưu ly. Hằng tháng vua đều ra đây làm lễ dâng hương hoa cầu trường thọ.

Chiêm ngưỡng ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nội, với kiến trúc được ví như 'sen nở trên nước' ảnh 5
Chiêm ngưỡng ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nội, với kiến trúc được ví như 'sen nở trên nước' ảnh 6

Bên trong Đài Liên Hoa có một ban thờ đặt tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay mạ vàng. Bên cạnh có nhiều đồ thờ như đôi lục bình gốm sứ, bình hoa cắm sen, lư hương đồng. Án thờ được trang trí nhiều họa tiết vân mây nổi bật. Phía trong cùng có tấm hoành phi nhỏ đề ba chữ" Liên Hoa Đài".

Theo sử sách, chùa Diên Hựu khi xưa quy mô có đồ sộ và rộng lớn hơn nhiều so với bây giờ. Thời gian qua đi, khó có thể níu giữ được vẻ đẹp nguyên sơ trước những biến đổi của lịch sử và những lần tu sửa cũng đã làm thay đổi ít nhiều.

Phía sau chùa Một Cột có một cây bồ đề vươn cao, cây do Tổng thống Ấn Độ Prasat tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Chủ tịch sang thăm Ấn Độ. Cây đề này đặc biệt ở chỗ gốc lấy ở nơi mà Phật Thích Ca tu thành đạo.

"Đóa sen nở hoa trên nước"

Chùa Một Cột của hiện tại chỉ là một ngôi chùa nhỏ, có diện tích rất khiêm tốn nhưng bề dày văn hóa và lịch sử thì không khiếm tốn chút nào. Không chỉ là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất Việt Nam, Chùa Một Cột còn là biểu tượng văn hóa mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa của cả một dân tộc.

Chiêm ngưỡng ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nội, với kiến trúc được ví như 'sen nở trên nước' ảnh 7
Bốn mái cong đầu đao được đỡ bằng thanh bẩy ôm sát phía dưới. Đỉnh mái chùa là họa tiết "lưỡng long chầu nguyệt" - mô típ điển hình trong các chùa chiền, đình miếu của Việt Nam. Nghệ thuật kiến trúc độc đáo có sự pha trộn của nghệ thuật cân bằng âm dương. Chẳng hạn họa tiết lưỡng long chầu nguyệt, long tượng trưng cho dương, nguyệt tượng trưng cho âm. Lưỡng long đều hướng về mặt nguyệt tượng trưng cho sự sinh sôi, âm dương hài hòa. Cũng có ý kiến cho rằng, trụ đá chùa Một Cột tượng trưng cho dương, nằm trên hồ nước tượng trưng cho âm cũng là sự cân bằng âm dương.

Trong cuốn Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện (Vân Bồng Đỗ Tử Mân, 1862) có ghi, đến bấy giờ (tức năm 1826) “tại hai xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ ở phía Tây Bắc huyện Gia Viễn vẫn còn thấy rõ cấu trúc nội thành ngoại thành cùng dấu tích và tên gọi của Cáp Môn, Cầu Đông, Cầu Dền, Cầu Mống, Đình Ngang, Trường Tiền, Chùa Tháp, Chùa Một Cột".

Thêm nữa là “còn một cái cột đá vừa cao vừa to, khắc kinh Phật, rêu phủ không thể đọc hết, có lẽ là di tích của chùa Một Cột”. Nhiều nhà nghiên cứu đặt câu hỏi rằng, phải chăng khi dời đô ra Thăng Long, nhà Lý vì "nhớ quê cũ" mà mô phỏng kiến trúc chùa để hướng vọng biết ơn?

Chiêm ngưỡng ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nội, với kiến trúc được ví như 'sen nở trên nước' ảnh 8

Tại TP. Thủ Đức có ngôi chùa Nam thiên Nhất Trụ Tự được dựng năm 1958 phỏng theo kiến trúc chùa Một Cột. Hình ảnh của chùa còn được thấy ở mặt sau tiền kim loại 5000 đồng của nước ta trước kia.

Trong bài thơ của Thiền sư Huyền Quang, trích Thơ văn Lý Trần (tập II), Nxb Khoa học xã hội, 1988 viết về Diên Hựu tự rằng:

"Thượng phương du dạ nhất chung lan,

Nguyệt sắc như ba phong thụ đan.

Si vẫn đảo miên phương kính lãng,

Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn.

Vạn duyên bất nhiễu thành già tục,

Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan.

Tham thấu thị phi bình đẳng tướng,

Ma cung Phật quốc hảo sinh quan."

Bản dịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh:

"Đêm thu chùa vắng, tiếng chuông ngân

Sóng ánh mầu trăng, lá rụng hồng

Cánh đảo chim âu trời lạnh ngủ

Tháp vương đỉnh bạc sáng từng không

Thành ngăn tục luỵ trần không vướng

Cửa ngỏ vô ưu mắt rộng tầm

Thấy được thị phi cùng một tướng

Ma cung Phật quốc cũng ngồi chung."

Chùa Một Cột xưa hay nay, dù tráng lệ hay mộc mạc, thu liễm bên hồ nhỏ thì vẫn là biểu tượng của sự hướng thượng, vượt qua mọi thăng trầm thời gian và biến cố lịch sử để là một biểu tượng tự hào của sự nhân văn của người xưa - luôn như đóa sen thơm nở rộ, tâm trong sáng không nhiễm tạp niệm từ chốn nhân gian...

Tin cùng chuyên mục