Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Ánh Chức, Phó Trưởng ban BTGCP ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị của hai cơ quan.
Theo báo cáo tại Hội nghị, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có hơn 05 triệu người đang sinh sống, lao động, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung đông nhất ở Mỹ (khoảng 2,2 triệu người), tiếp đến là Pháp, Úc, Canada, Đài Loan, Nhật Bản….
Đại bộ phận kiều bào ở nước ngoài vẫn giữ truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam, trong đó có tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên. Một bộ phận lớn kiều bào, khoảng 2 triệu người, là tín đồ các tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài…
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hàng năm, BTGCP thành lập các đoàn đi công tác nước ngoài, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa gặp gỡ cộng đồng, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, trao đổi với chính quyền sở tại, đề nghị giúp đỡ cộng đồng người Việt trong sinh hoạt tôn giáo, tâm linh.
BTGCP phối hợp tích cực với các cơ quan liên quan, trong đó có Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài triển khai Đề án “Hỗ trợ cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và tham gia các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong nước”; đồng thời là cơ quan phối hợp, tổ chức gặp mặt chức sắc, tín đồ là kiều bào về Việt Nam đón Tết cổ truyền hoặc tham dự các sự kiện, lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng lớn (Giỗ Tổ Hùng Vương, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc của Phật giáo, Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài…).
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi mong muốn hai cơ quan sớm xây dựng, thông qua Quy chế phối hợp công tác |
Với các hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo trong nước, BTGCP đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các vụ chuyên môn của BTGCP thông tin chi tiết về thực trạng hoạt động và đời sống tôn giáo của cộng đồng chức sắc, tín đồ người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như đề xuất các chính sách công tác đặc thù với từng tôn giáo.
Ông Đinh Quang Tiến, Vụ trưởng vụ Cao Đài chia sẻ, số đông chức sắc Cao Đài hiện đang sinh sống và hoạt động tôn giáo ở nước ngoài đánh giá cao Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 cũng như các cơ chế, chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề tôn giáo. Các chức sắc khi trực tiếp tham dự các hoạt động, sự kiện, lễ hội tôn giáo trong nước đều có cảm nhận và đánh giá tích cực. Đây chính là những người có khả năng truyền đạt, chia sẻ thông tin trung thực và khách quan về chủ trương, chính sách của Nhà nước tới kiều bào và cộng đồng quốc tế.
Bà Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo cho biết, các tổ chức tôn giáo của người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu duy trì sinh hoạt và hoạt động tôn giáo thuần túy, chưa chú trọng việc truyền bá văn hóa, ngôn ngữ Việt trong cộng đồng. Do vậy, cần tạo điều kiện và ủng hộ cho các tổ chức tôn giáo trong nước, khi cử chức sắc, chức việc hoạt động tôn giáo ở nước ngoài, bên cạnh việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào; thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam thì cần đẩy mạnh việc phổ biến, quảng bá văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam trong cộng đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi đánh giá xu hướng chủ yếu trong đại bộ phận chức sắc, tín đồ người Việt Nam ở nước ngoài là đồng hành cùng dân tộc, mong muốn duy trì, phát triển vốn văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, cùng với đó, vẫn tồn tại các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để bôi nhọ, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gây mất đoàn kết, làm ảnh hưởng tổ chức tôn giáo trong nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ những vấn đề khó khăn trong thực tiễn công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, như: nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng cao, nhưng gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, thiếu thốn cơ sở thờ tự, thiếu chức sắc người Việt hướng dẫn việc đạo; một số quốc gia trên thế giới hiện có xu hướng thắt chặt chính sách tôn giáo do lo ngại vấn đề an ninh, khủng bố; mối quan hệ của cán bộ ngoại giao với chức sắc, tín đồ tôn giáo chưa sâu sắc, hiểu biết về tôn giáo còn nhiều hạn chế…
Do đó, ông Đặng Minh Khôi khẳng định, chăm lo tới cộng đồng người Việt Nam, ở nước ngoài, nhất là kiều bào theo tôn giáo, là nhiệm vụ chung của hai cơ quan. Ông mong muốn hai cơ quan sớm xây dựng, thông qua Quy chế phối hợp công tác nhằm tăng cường trao đổi thông tin, thúc đẩy hợp tác có hiệu quả trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đối với hoạt động của cộng đồng chức sắc, tín đồ người Việt Nam ở nước ngoài. Ông đề nghị BTGCP tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nhiều hơn các sự kiện, lễ hội, hoạt động tôn giáo trong nước; tham mưu cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động tôn giáo của chức sắc người Việt Nam được cử hoạt động ở nước ngoài, thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất trong chức sắc, chức việc và cộng đồng kiều bào theo tôn giáo, tạo cơ chế phù hợp để thúc đẩy và thắt chặt quan hệ của tổ chức tôn giáo trong nước với các tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức, hội đoàn tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài,…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng ban BTGCP Vũ Chiến Thắng khẳng định: cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có truyền thống văn hóa, tôn giáo sâu sắc. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận đều có quan hệ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Chính phủ quan tâm, Đại sứ quán Việt Nam ở các nước nỗ lực hướng dẫn, giúp đỡ, và tác động, đề nghị chính quyền nước sở tại tạo điều kiện cho các sinh hoạt tôn giáo của bà con kiều bào.
Trưởng ban Vũ Chiến Thắng đề cập những khó khăn trong công tác quản lý hoạt động tôn giáo của chức sắc, tín đồ người Việt Nam ở nước ngoài. Một mặt, các hoạt động tôn giáo diễn ra trong phạm vi quốc gia khác nên các cơ quan chức năng tại Việt Nam gặp khó khăn trong công tác hướng dẫn, quản lý. Mặt khác, tôn giáo luôn bị lợi dung để gây chia rẽ, mất đoàn kết tôn giáo và chống phá Nhà nước. Một số quy định của nước sở tại gây khó khăn cho việc xin công nhận tổ chức tôn giáo hợp pháp cho cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài và hoạt động của chức sắc, chức việc được công cử ra nước ngoài hoạt động tôn giáo.
Kết luận buổi làm việc, lãnh đạo hai cơ quan thống nhất giao các đơn vị chức năng trực thuộc xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài với Ban Tôn giáo Chính phủ. Đồng thời hai đồng chí lãnh đạo thống nhất xúc tiến hoàn thiện quy chế hoạt động của cơ quan thường trú toà thánh Vatican tại Việt Nam, thúc đẩy Vòng đàm phán thứ chín tại Hà Nội; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thủ tục pháp lý cho cơ sở tôn giáo của người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.