Khoảnh khắc Phạm Quốc Việt, Đội trưởng đội FAS Angel hỗ trợ cứu người trên sân thượng chung cư mini Khương Hạ lúc 7h10 ngày 13/9/2023 sau khi vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra

Đội trưởng FAS được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Dũng cảm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê ở Nam Định), vừa được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký Quyết định số 1604/QĐ-CTN thưởng Huân chương Dũng cảm.

Giải thưởng vinh danh Phạm Quốc Việt vì đã có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân trong vụ cháy tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Được biết, FAS Angel - Hỗ trợ sơ cứu là đội tình nguyện do Phạm Quốc Việt - một tài xế lái xe ôm công nghệ sáng lập từ tháng 9/2019. Mỗi vụ tai nạn trong Thủ đô, FAS Angel luôn có mặt kịp thời để sơ cứu.

Nói về nhân duyên thành lập FAS Angel, Quốc Việt cho biết, bản thân từng bị tai nạn khá nặng vào năm 2016. Bấy giờ, trong suốt 15 phút, người đi đường không ai dừng lại để giúp đỡ.

"Tôi phải dùng mọi ý chí, mọi nỗ lực của bản thân để thoát khỏi tình cảnh đổ lỗi", Việt cho biết.

Theo anh, nhiều người sau tai nạn giao thông sẽ có hai triệu chứng: một là sợ hãi không dám ra đường sợ mình sẽ chết một lần nữa; hai là thù oán người đâm vào mình, hờn trách người đi đường.

"Tôi lại ở dạng thứ 3 - không chọn thù oán mà nghĩ ngược lại cho họ - có thể họ sợ bị đổ oan hoặc rất sợ máu chứ không phải con người vô cảm đến mức nhìn thấy đồng loại nằm ở đường không cứu", Phạm Quốc Việt chia sẻ.

Nhiều năm, chứng kiến nhiều vụ tai nạn nên anh quyết định phải làm một cái gì đó. FAS Angel - Hỗ trợ sơ cứu ra đời từ thôi thúc ấy.

Phạm Quốc Việt giải thích, FAS là viết tắt của First Aid Support. FAS Angel (Hỗ trợ sơ cứu ban đầu). Nhóm Việt chọn tiếng Anh vì muốn có một chút khiêm tốn trong đó.

"Chúng mình cũng không tự nhận mình là thiên thần. Ở đây, chúng mình muốn nói với mọi người rằng dù tôn giáo nào hay người bình thường cũng thế, những ai không may gặp nạn được người nào đó sẵn sàng giúp đỡ thì họ sẽ coi người đó như một người bảo vệ, một thiên thần hộ mệnh để giúp đỡ họ trong lúc gặp khó", Đội trưởng của FAS Angel bày tỏ.

Theo Quốc Việt, để truyền nhiệt huyết và tinh thần dấn thân cho thành viên FAS Angel, cả đội nằm lòng tôn chỉ: “Hãy coi nạn nhân như người thân của mình để cứu họ”, “Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn, vì một ngày kia khi tôi gặp nạn sẽ có người giúp tôi”.

Điều gì làm nên một FAS Angel phát triển, theo đội trưởng Việt, xuất từ ba lý do. Trước tiên, thành viên trong FAS Angel coi nạn nhân như người thân của mình. Thứ hai, FAS Angel ý thức được đây là công việc cần thiết cho xã hội và cộng đồng, đặc biệt là người bị tai nạn. Và điều thứ ba, rất nhiều người hỏi “Nếu như các bạn cứ làm miễn phí như vậy thì lấy gì để sống?”. Mình chỉ suy nghĩ đơn giản: Chúng mình là người bình thường, không phải là anh hùng, dù không thu phí nhưng việc chúng mình làm phải thực sự hiệu quả.

Được biết, hiện FAS Angel có tới 130 tình nguyện viên, dù khó khăn trong kinh phí hoạt động, vấn đề pháp lý... nhưng ước nguyện của Việt, Hỗ trợ sơ cứu không chỉ dừng lại ở Việt Nam.

Trung bình 1 ngày, FAS Angel tiếp nhận 8-10 vụ tai nạn, đặc biệt trong khung giờ từ 20h45 đến 1h30 sáng. Việc tổ chức thực hiện của FAS Angel khá bài bản, với 5 ban: Ban kế hoạch, Ban hành chính, Ban hiện trường, Ban vận tải, Ban truyền thông.

"Mục tiêu của FAS Angel là xây dựng tất cả mọi thứ có thể cho người Việt nam trước, sau đó mới vươn xa", Phạm Quốc Việt hoan hỷ cho biết. Theo thống kê, FAS Angel đã tham gia hỗ trợ sơ cứu hơn 17.000 vụ việc với hơn 10.000 người được cứu sống và chi phí cứu nạn là 0 đồng.

Tin cùng chuyên mục