Mới đây, tài khoản Facebook có tên G.N.N đã đăng tải lên mạng xã hội một bài viết có nội dung cảnh báo các bậc phụ huynh cần phải cân nhắc kỹ nếu có ý định đăng ký cho con theo khóa tu ở chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Bởi lẽ, con trai của chị G.N.N đã có "trải nghiệm kinh hoàng" tại khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà.
Theo đó, chị N.T.G.N. (ngụ tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) – chủ nhân Facebook G.N.N cho biết, chị có đăng ký cho con trai 11 tuổi của mình tham dự khóa tu kéo dài trong 5 ngày tại chùa Cự Đà. Khóa tu này có gần 600 tu sinh, gồm cả nam và nữ ở độ tuổi từ 9 - 16. Những ngày cháu P - con trai chị N. mới vào chùa, ban tổ chức có dặn chị N. chỉ nên cho cháu mang theo 6 - 8 bộ quần áo để thay rồi mang về nhà giặt; đồng thời yêu cầu gia đình không được liên lạc hay gọi điện thoại để tránh việc các cháu nhỏ sẽ nhớ nhà khi tham gia khoá tu.
|
Đến ngày thứ 5 tới đón con về, chị N. đã rất sốc và vô cùng bất ngờ, hốt hoảng bởi nhìn quần áo trên người con trai bẩn thỉu, hôi hám; chân tay cháu bé bị muỗi đốt chi chít. Gặng hỏi con, chị N. được biết do khoá tu ở chùa quá đông người nên những người tắm sau là sẽ bị hết nước, vì thế cháu P. không tắm được. Thêm vào đó, do không gian tại chùa chật hẹp lại tập trung quá đông người nên lúc ngủ thì các cháu nhỏ tham gia khoá tu sẽ phải ngủ dưới nền đất có trải chiếu; vì trước đó trời mưa gió, ẩm thấp nên bên trong chùa có rất nhiều muỗi, cháu P. bị muỗi đốt nhiều nên không ngủ được.
“Khu vệ sinh tạm thường xuyên tắc bồn cầu bẩn lắm con không dám đi vệ sinh. Ngủ thì ngủ dưới nền đất trải chiếu, mấy hôm mưa gió ẩm thấp nhiều muỗi không ngủ được. Tuy nhiên, tôi cũng "tặc lưỡi" cho qua vì nghĩ 5 ngày sinh hoạt khổ thế để con thấy "thấm" mà thương bố mẹ nhiều hơn. Nhưng đến chiều cùng ngày, tôi phát hiện tay trái của con sưng to chỗ khuỷu tay và tay cứ còng còng, tôi truy hỏi thì con mới nói thật là con ở chùa có xô xát và bị bạn dùng ghế gỗ ngồi đập mạnh vào đầu và tay, nhưng các anh chị phụ trách bảo con không được nói bị đánh mà là bị ngã, nếu không nghe lời thì bị phạt quỳ 2 tiếng”, chị N. cho biết.
Theo chị N., sau khi xảy ra xô xát, ban tổ chức khoá tu tại chùa Cự Đà đã đưa con trai chị đi khám tạị Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Tuy nhiên, những người phụ trách dặn cháu P. về nhà không được nói với gia đình là bị đánh mà phải nói là bị ngã, nếu không nghe lời thì cháu sẽ bị phạt quỳ hương trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Mặc dù cháu bé bị như vậy, nhưng ban tổ chức khoá tu không hề thông báo cho gia đình chị N. về sự việc này; ngay cả khi chị N. đến chùa Cự Đà ký nhận để đón con về thì phía ban tổ chức khoá cũng tuyệt nhiên không thông tin sự việc cho chị N.
Nội quy về khóa tu mùa hè năm 2023 tại chùa Cự Đà. |
Bức xúc trước sự việc xảy ra với con mình, chị N. đã gọi điện cho bà Phạm Thị Thu (ngụ tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) - trưởng ban tổ chức khóa tu tại chùa Cự Đà thì người này trả lời quanh co, rồi nhắn tin cho chị N. ngỏ ý xin lỗi và muốn tới thăm cháu bé. Sau đó, chị N. và gia đình đã tức tốc đưa con trai vào bệnh viện để kiểm tra lại.
Cũng trong bài viết trên mạng xã hội, chị G.N.N cho rằng ban tổ chức chùa Cự Đà đã làm ăn tắc trách, thiếu trách nhiệm với các tu sinh khi cho gần 600 con người tu tập trong không gian nhỏ; điều kiện tắm rửa, sinh hoạt thiếu thốn. Trong khi đó, để xảy ra đánh nhau đến mức phải đi bệnh viện mà vẫn muốn giấu.
Trao đổi với PV Ngày Nay, chị N. cho biết: “Lúc đăng ký khóa tu, cô Thu trưởng ban tổ chức nói con tôi sẽ được tu tập, học đạo hiếu với cha mẹ, học điều đúng sai, để con hiểu chuyện, thương cha mẹ hơn. Phí "cúng dường" tùy tâm không bắt buộc, nhưng ít nhất là 1 triệu. Nếu phụ huynh nào đóng 500 nghìn đồng thì phải trình bày hoàn cảnh khó khăn. Tất cả phí “cúng dường” đều được chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của cô Thu. Con tôi hiện tại có dấu hiệu tinh thần hoảng loạn, cháu thường ngủ mơ bị đánh, thường khóc vì tủi thân và sợ hãi mỗi khi có ai đó nhắc đến khoá tu tại chùa”.
Liên quan tới sự việc này, sáng ngày 17/6, UBND huyện Thanh Oai đã cử đoàn công tác xuống chùa Cự Đà để kiểm tra, xác minh sự việc. Theo lãnh đạo UBND xã Cự Khê, sau khi kiểm tra, đoàn công tác đã yêu cầu phía chùa Cự Đà báo cáo rõ sự việc. Đồng thời, kiểm tra lại toàn bộ cơ sở vật chất của nhà chùa liên quan tới nội dung mà bài viết của phụ huynh nêu.
"Trước mắt, chúng tôi đã yêu cầu nhà chùa dừng tổ chức các khóa tu, sau đó chúng tôi sẽ báo cáo UBND huyện, nếu cho tổ chức thì sẽ chấn chỉnh lại, nếu không thì sẽ cho dừng hẳn" - vị lãnh đạo trên thông tin.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Cự Khê, sau kiểm tra, cơ sở vật chất tại chùa Cự Đà "cơ bản đảm bảo"; không gian sạch sẽ, thoáng mát và phân khu nam nữ riêng biệt; có quạt tại các phòng, một số phòng có thêm điều hòa; chất lượng nước cũng đảm bảo. Tuy nhiên, những ngày vừa rồi cũng có thời điểm khu vực này bị cúp nước, nên không thể tránh khỏi được việc bị thiếu nước sinh hoạt.
Khuôn viên sinh hoạt của các em nhỏ khi đến tham gia khóa tu mùa hè tại chùa Cự Đà. |
Quá trình ghi nhận thực tế cho thấy, chùa Cự Đà có khuôn viên khá hẹp, cơ sở vật chất tại chùa cũng khá sơ sài. Khi chùa tổ chức các khoá tu có số lượng vài trăm trẻ lưu trú, phần nhà ngang tại chùa được tận dụng làm nơi ở cho trẻ. Một số tình nguyện viên tham gia hỗ trợ khóa tu cho hay đã có lần phải ngủ ghế đá, sân khấu để nhường chỗ cho các em. Do số lượng trẻ tham gia khóa tu quá lớn khiến quá tải, mặc dù các tình nguyện viên liên tục nhắc nhở, hỗ trợ các bé tắm, giặt, chơi đùa... nhưng cũng không tránh khỏi sơ sót.
Theo ông Đặng Anh Phương - Chủ tịch UBND xã Cự Khê, chính quyền địa phương đang phối hợp với lực lượng Công an xã Cự Khê và các ban, ngành làm việc với đại diện nhà chùa để xác minh, làm rõ thông tin do chị N.T.G.N. đăng tải lên mạng xã hội.
"Hàng năm, phía nhà chùa đều có khóa tu cho các cháu và đã có tờ trình gửi UBND xã, trong đó nêu rõ kế hoạch tổ chức khóa tu và cam kết nhiều nội dung. Theo kế hoạch, mỗi khóa sẽ có khoảng 300 cháu tham gia. Đối với thông tin được chị N. đăng tải, chính quyền sở tại đang phối hợp với các bên xác minh và sẽ có báo cáo gửi UBND huyện", ông Phương cho hay.
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin!