Là một trong các ngôi chùa cổ nhất của Cao Bằng, được dựng lên để thờ phật với quy mô khá lớn so với các chùa, miếu trên địa bàn thành phố Cao Bằng. Đối diện chùa Viên Minh là đền Quan Triều thờ danh tướng Dương Tự Minh, tổng trấn Phú Lương thời Nhà Lý.
Chùa và Đền chung nhau một khuôn viên.Tương truyền, chùa Viên Minh được xây dựng từ thời Vua Lý Anh Tông (1138-1175) trên một vùng đất tựa con rồng, cảnh đẹp nổi danh thơ mộng, khí thiêng trong lành. Trải qua bao biến cố lịch sử, ngôi chùa bị mai một, hoang phế. Cuối thế kỷ XVI, Nhà Mạc lên Cao Bằng, đóng đô ở Cao Bình (nay thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) đã quan tâm trùng tu, tôn tạo, xây dựng lại trên nền đất xưa. Đến thời hậu Lê, Chùa lại được trùng tu, mở rộng tiền đường, sửa sang phật điện.
Viên Minh trở thành ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, thu hút bao khách lữ hành, vượt bao dặm trường về đây hương, bái, dự lễ chùa. Trong chùa có câu đối: Viên Minh thần tích hưng tiền Lý/Đà Quận thần chung chú hậu Lê (Tạm dịch là: Viên Minh xây dựng trước, từ thời Lý/Chuông thần Đà Quận đúc sau thời Lê (thời Nhà Lê sơ).
Chùa Viên Minh xưa có kiến trúc hình chữ “Đinh”, hướng phía Tây-Bắc, bao gồm: nhà đại bái, hay còn gọi là tiền đường, bên trong là trung đường và phật điện dài 5 gian.
Chùa Viên Minh (Viên Minh Tự), còn có tên gọi là Chùa Đà Quận |
Các cụ cao tuổi cho biết: ở gian tiền đường có hai bức tượng hộ pháp cao lớn uy nghi, bố trí hai bên tả hữu. Dọc hai bên hành lang gian trung đường có đặt hệ thống tượng thập bát la hán, bên trong là bệ tượng nghìn tay, nghìn mắt.
Tại nơi trung tâm chính điện có đặt bệ thờ tam cấp, vị trí cao nhất là ba bức tượng tam thế tượng trưng cho ba kiếp: quá khứ, hiện tại và tương lai; vị trí thứ hai là các tượng Thích ca với nhiều thế ngồi thiền; sau cùng là tượng Thích ca sơ sinh và tòa cửu long với 9 con rồng vây quanh. Trên bệ này có đặt bát hương lớn để dâng hương, tế lễ nơi cửa phật.Ngôi chùa Viên Minh hiện nay được đầu tư tôn tạo trên nền đất cổ xưa, có sự thay đổi vị trí đặt các bệ tượng.
Các gian tiền đường, trung đường xây bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, lưỡng long chầu nguyệt; trước cửa chùa có ghi ba chữ: “Viên Minh Tự”. Hiện vật trong Chùa gồm có: ba pho tượng phật, một tượng phật bà Quan thế âm Bồ tát ngồi thiền, một tượng nghìn tay, nghìn mắt. Hầu hết các loại tượng này đều nhỏ và mới được đưa vào chùa cùng với bốn câu đối.
Ngôi chùa đã được được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND, ngày 04 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.Đặc biệt, trong chùa có hai quả chuông đồng cổ đúc từ năm 1611, được xếp hạng di tích nghệ thuật cấp quốc gia, theo Quyết định số 2861-QĐ/BT, ngày 04/9/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin và được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg, ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Chuông chùa Đà Quận được coi là chuông thần, hay thần chuông thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam. Một chuông đặt ở Chùa Viên Minh, một đặt ở đền Quan Triều. Trên chuông có khắc bài minh chuông bằng chữ Hán, ngợi ca cảnh trí sơn thủy, hữu tình Châu Thạch Lâm, Đà Quận; vẻ đẹp trầm mặc chùa Viên Minh đối diện đền thờ Dương Tự Minh, ngân vang chuông thần ngày đêm và việc trùng tu, tôn tạo ngôi chùa; khắc ghi công lao Khanh hiền họ Lê đã giúp thánh chúa Nhà Mạc xây dựng, tôn tạo nhà chùa.
Chùa được rất nhiều Phật tử đến lễ |
Đặc biệt, trong chùa có hai quả chuông đồng cổ đúc từ năm 1611, được xếp hạng di tích nghệ thuật cấp quốc gia, theo Quyết định số 2861-QĐ/BT, ngày 04/9/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin và được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg, ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Một chuông đặt ở Chùa Viên Minh, một đặt ở đền Quan Triều. Chuông chùa Đà Quận được coi là chuông thần, hay thần chuông thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam.
Quả chuông đồng cổ đúc từ năm 1611 |
Trên chuông có khắc bài minh chuông bằng chữ Hán, ngợi ca cảnh trí sơn thủy, hữu tình Châu Thạch Lâm, Đà Quận.
Trên chuông ghi rõ niên đại đúc chuông: chỉ thập cửu niên Tân hợi cốc nhật năm 1611, niên hiệu Càn thống, triều vua Mạc Kính Cung. Nghiên cứu đặc điểm quả chuông và niên đại được khắc trên thân chuông cùng bài minh chuông, có thể khẳng định: đây là những di vật thời Nhà Mạc.
Đôi chuông “Thần chung” được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2016 |
Bài minh chuông như một áng thơ bốn chữ rất hay, một minh chứng sống động khắc họa vài nét quá khứ thời Nhà Mạc tại kinh đô Cao Bình, là nguồn tư liệu lịch sử quý báu để khai thác, nghiên cứu lịch sử địa phương và lịch sử quốc gia, dân tộc. Lễ hội chùa Viên Minh được tổ chức từ đêm mùng 8 đến ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Phần lễ dâng hương, cúng tế được tiến hành từ tối mùng 8. Phần hội cũng có những hoạt động phong phú, sôi nổi với các trò chơi dân gian như: tung còn, đánh đu,... và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao sinh động vui tươi trong những ngày đầu xuân. Hoạt động của nhà chùa đã thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và khách lữ hành du lịch đến dâng hương, cầu phúc, cầu lộc, cầu an, mọi sự thuận lợi, hanh thông, may mắn.
Đền Quan Triều
Đền Quan Triều ngự trên địa bàn xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, đối diện với chùa Viên Minh.
Ngôi đền thờ vị tướng tài ba, trung nghĩa Dương Tự Minh có công lớn bảo vệ giang sơn thời Nhà Lý. Từ xa xưa, đền Quan Triều có kiến trúc mặt bằng hình chữ “Nhị”, bao gồm: nhà bái đường và hậu cung.
Phía bên phải của đền có một gian thờ nhỏ, thờ công chúa Hồng Liên, người vợ của ông. Đền đã được phong mỹ tự: “Quan Triều-Hồng Liên (Thiều Dung) công chúa thông diệu linh cảm, trợ quốc trấn biên, hoài phục tuệ tĩnh, phụng công vĩ diệt Đại Vương”.
Đền Quan Triều |
Dương Tự Minh còn được nhân dân tôn sùng là Đức Thánh Đuổm, hay Cao Sơn Quý Minh. Ông là người dân tộc Tày, quê làng Bản Danh, xã Quan Triều, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Cha của ông từng làm quan châu mục lập nhiều chiến công chống quân Tống xâm lược trên phòng tuyến Sông Cầu.
Cụ thân sinh Dương Tự Minh vốn là người chính trực, giàu lòng nhân nghĩa, có bao nhiêu bổng lộc được triều đình ban đều chia cho dân nghèo, nên không có nhà cao cửa rộng như người khác. Mãi đến 70 tuổi, hai cụ mới sinh được cậu con trai kháu khỉnh, trong túp lều sáng lên lấp lánh ánh hào quang như tỏa ra từ đứa con. Vì thế, cụ ông thân sinh đặt tên cho con mình là Dương Tự Minh (tự sáng lên).
Lớn lên trong gia đình được cha mẹ nuôi dưỡng dạy bảo, Dương Tự Minh trưởng thành nhanh chóng, là một thanh niên khôi ngô, tuấn tú, cao lớn, sức vóc hơn người, đặc biệt là yêu kính mẹ cha, làng, nước, thương quý dân lành.
Năm 20 tuổi, trong vùng, bọn phỉ tặc nổi lên hoành hành, cướp phá, dân tình hoang mang khốn đốn, Dương Tự Minh đã tập hợp trai tráng nghĩa khí lập nên đội dân binh, quyết trừng trị bọn phỉ tặc, làng bản trở nên yên bình.
Năm Đinh mùi 1127, Vua Lý Nhân Tông cho mời Dương Tự Minh lên triều, ban thưởng nhiều vàng bạc châu báu và gả công chúa Diên Bình cho ông. Đồng thời, phong chức châu mục vùng thượng nguyên cho ông, trấn trị cả phủ Phú Lương, một địa bàn chiến lược có ý nghĩa bảo vệ vùng biên cương rộng lớn phía Bắc, gồm các châu: Thượng Nguyên, Vĩnh Thông, Quảng Nguyên, Cảm hóa, Vạn Nhai, Tư Nông, Tuyên Hóa; cai quản một vùng lãnh thổ rộng lớn (nay thuộc các tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, một phần Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn).
Mùa xuân năm Giáp tý (1144), nhà Lý lại gả công chúa Thiều Dung (Hồng Liên) cho Dương Tự Minh và phong làm Phò mã Đô úy. Mùa thu năm Ất sửu (1145), có kẻ yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng cầm đầu bọn giặc nhà Tống đánh chiếm châu Quảng Nguyên và vùng đất Thông Nông, cướp phá, nhũng nhiễu dân lành.
Được tin, nhà Lý xuống Chiếu giao Phò mã Đố úy Dương Tự Minh làm Chánh tướng cùng hai Văn thần Nguyễn Như Mai và Lý Nghĩa Vinh dẫn đầu 2.000 quân đi dẹp giặc. Quân sĩ do ông chỉ huy tiến công như vũ bão, quân giặc náo loạn, tan tác bỏ chạy về phía Bắc. Đàm Hữu Lượng chạy về đến Ung Châu thì bị chặt đầu.
Dẹp giặc xong, Dương Tự Minh ổn định lại vùng biên cương, trấn an dân tình và cùng đoàn quân chiến thẳng trở về kinh đô. Vua Lý Anh Tông sai các quan đại thần ra khỏi thành đô 10 dặm cùng nhân dân hân hoan nghênh đón. Ông còn là vị quan thanh liêm, chính trực dám đương đầu với những tên quan tham lộng hành, mưu mô xảo quyệt như Đỗ Anh Vũ, để cứu lấy triều đình.
Nhưng, sự việc không thành, ông trở về vùng núi Đuổm và mất tại đây. Thương tiếc ông, dân gian lưu truyền, rằng: về đến quê nhà, ông cởi bỏ quần áo xuống tắm mát dòng sông Phú Lương, trút bỏ hết bụi trần và mặc lên bộ quần áo chàm xanh người Tày, phi ngựa bay về trời.Nhân dân trong vùng thương xót, trân trọng, biết ơn công lao của ông, đã dựng Đền thờ Đức thánh Đuổm.
Nhà Lý, sau này truy phong ông làm Ủy Viễn Đôn Tỉnh Cao Sơn Quảng Độ Chi Thần, các triều đại phong kiến sắc phong: Thượng đẳng thần, nhân dân thì tôn ông là Đức Thánh. Ông là phò mã hai vị vua Nhà Lý, một danh tướng áo chàm nổi tiếng trung quân, ái quốc, thương dân bậc nhất trong lịch sử nước nhà.Trên miền đất Cao Bằng, ông đã có công lao dẹp giặc Đàm Hữu Lượng giải phóng một vùng đất rộng lớn, bảo vệ vững chắc dải biên cương phía Bắc của nước Đại Việt.
Thời kỳ làm thủ lĩnh phủ Phú Lương, Dương Tự Minh đã cùng công chúa Thiều Dung (Hồng Liên), thường xuyên đến vùng đất Quảng Nguyên an dân, dạy cho dân chúng biết trồng trọt, chăn nuôi, an cư lạc nghiệp. Khi ông mất, nhân dân xã Xuân Lĩnh, châu Thạch Lâm (nay là xã Hưng Đạo) đã quyên góp xây Đền thờ Quan triều để tưởng nhớ tới công lao, đức độ của ông. Ngôi Đền được xây dựng từ thời nhà Lý, trải qua bao biến cố thời gian, những dấu tích xưa gần như mất hết, chỉ còn lại phần móng nền khoảng 30m2, được xây bằng gạch vồ thời nhà Mạc.
Hiện nay đền đã được tu bổ, tôn tạo lại. Trong khu di tích, phía bên phải đền có một gác chuông rộng chừng 5m2, có quả chuông lớn, cao 178cm, thân cao 142 cm, quai cao 36 cm, đường kính miệng chuông rộng 106cm, cấu tạo, họa tiết giống như chuông chùa Viên Minh.
Chuông được đúc từ năm 1611 và cùng với chuông chùa Viên Minh được xếp hạng Di tích nghệ thuật cấp quốc gia, theo Quyết định số 2861-QĐ/BT, ngày 04/9/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin; được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22 tháng 12 năm 2016. Đền Quan Triều đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, theo Quyết định số 2487/QĐ-UBND, ngày 04 tháng 11 năm 2008, của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.Hằng năm, lễ hội Đền được tổ chức cùng thời gian với lễ hội chùa Viên Minh, tức ngày mùng 08 và ngày mùng 09 tháng giêng âm lịch.
Phần lễ được tổ chức vào tối mùng 08, bà con xóm Đà Quận chuẩn bị mâm lễ gồm: thủ lợn, gà, xôi, hoa quả để dâng hương, khấn bái. Ngày 09 là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian sôi nổi, vui tươi: đánh đu, tung còn, ...
Vào dịp đó, nhân dân thập phương, khách tham quan, du lịch lại nô nức trẩy hội mùa xuân về với Đền Quan Triều tham dự lễ hội, dâng hương cầu phúc, cầu lộc, cầu an, mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc.