Quang lâm chứng minh, tham dự có Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Tài, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; chư tôn giáo phẩm Thành viên Hội đồng Chứng minh: Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Dũng, Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Thành; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hỷ; Trưởng lão Hòa thượng Chau Sưng;
Niệm Phật cầu gia hộ. |
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự T.Ư; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư; Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, Trưởng ban Tổ chức; Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II T.Ư; cùng chư tôn đức Hội đồng Trị sự, Văn phòng II T.Ư; chư vị giáo phẩm chứng minh, thành viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang, chư tôn giáo phẩm các hệ phái và chư Tăng Ni các thành phố, huyện, thị đồng tham dự.
Về phía khách mời có ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang; ông Võ Nguyên Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Nguyễn Tiếc Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Lê Phú Thạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh; ông Nguyễn Phú, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh và lãnh đạo chính quyền các cấp, đại diện tôn giáo bạn...
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Thiện Thống đã nói lên ý nghĩa của lễ kỷ niệm. “Với niềm tin cộng đồng trách nhiệm, Ban Trị sự tỉnh tin tưởng rằng, các hệ phái thành viên, luôn xem những thành quả đạt được trong 30 năm qua là nền tảng, là sức mạnh, là động lực để tất cả chúng ta viết tiếp những trang sử vẻ vang của Phật giáo tỉnh nhà”, Hòa thượng Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, chư tôn đức và các đại biểu đã được xem video báo cáo tổng kết toàn diện thành tựu hoạt động Phật sự của Phật giáo An Giang trong 30 năm qua.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. |
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Năm 1984, Phật giáo An Giang thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo tỉnh có 9 thành viên, do gặp nhiều khó khăn về nhân sự, đến năm 1993, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh An Giang lần thứ I nhiệm kỳ 1993-1997 mới được tiến hành tại chùa Viên Quang, Châu Đốc. Đại hội suy cử Hòa thượng Thích Chánh Đạo làm Trưởng ban Ban Trị sự.
Qua 30 năm hoạt động, số lượng tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử tăng theo từng nhiệm kỳ. Hiện nay, Phật giáo tỉnh An Giang có 322 cơ sở tự viện; trong đó, có 205 cơ sở Bắc tông, 66 cở sở Nam tông Khmer, 27 tịnh xá, 21 tịnh thất; có 4 tự viện thuộc di tích cấp quốc gia, 4 tự viện thuộc di tích cấp tỉnh.
Tăng Ni Phật giáo tỉnh An Giang hiện nay có 1.311 vị; trong đó Bắc tông có 610 vị, Nam tông Khmer có 538 vị, Khất sĩ có 163 vị. Tín đồ Phật tử người Kinh có 924.500 người/2.155.000 dân An Giang, tín đồ Phật tử dân tộc Khmer có 94.579 người.
Ban Trị sự tỉnh đang xúc tiến thủ tục xin phép xây dựng Trung tâm sinh hoạt cộng đồng, gồm các phân khu chức năng: Trường Trung cấp Phật học (học nội trú – Tăng xá và Ni xá), hội trường có sức chứa 2.000 người, quảng trường có sức chứa 10.000 người để phục vụ các lễ hội tập trung của Phật giáo tỉnh nhà, một tu viện Quan Âm có sức chứa 1.000 người, dự kiến diện tích đất sử dụng khoảng 90 hecta. Hiện đang xin phép xây dựng Trường Trung cấp Phật học, tu viện Quan Âm, hội trường trên phần diện tích có sẵn của chùa Tây An hiến cúng khoảng 4 hecta.
Quang cảnh buổi lễ. |
Từ khi thành lập đến nay, Ban Trị sự đã tổ chức được 14 Đại giới đàn (2 năm/lần). Đại giới đàn năm 1993, 1995 có khoảng 1.000 Tăng Ni giới tử trong và ngoài tỉnh thọ giới; Đại giới đàn từ năm 1997 đến nay, mỗi lần tổ chức có khoảng từ 150 đến 200 Tăng Ni giới tử trong tỉnh thọ giới.
Công tác bồi dưỡng trụ trì, hành chánh Giáo hội cũng được Ban Trị sự đặc biệt quan tâm. Từ năm 1995 đến nay, Ban Trị sự đã tổ chức được 27 khóa bồi dưỡng trụ trì.
Công tác đào tạo Tăng Ni luôn được quan tâm, nhiều Tăng Ni được gửi đi đào tạo tại các trường Phật học như Trường Cao cấp Phật học (nay là Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM), Trường Cơ bản Phật học ở TP.HCM (nay là Trường Trung cấp Phật học), Đại học New Delhi (Ấn Độ).
Tại nhiệm kỳ III, Ban Trị sự mới thành lập được Trường Trung cấp Phật học, có 1 Phân hiệu Nam tông Khmer với 8 điểm học. Qua 4 khóa đào tạo, nhà trường đã đào tạo trên 100 Tăng Ni Bắc tông và hàng trăm Sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer.
Trong 30 năm, công tác từ thiện xã hội đã được các tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử thực hiện như xây cất nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xây cầu đường, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn trong thiên tai bão lũ, ủng hộ các trung tâm bảo trợ trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật, người già neo đơn… với số tiền trên 1.000 tỷ đồng.
Qua từng nhiệm kỳ, từng thành viên Giáo hội với những cương vị khác nhau luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí huệ, truyền thống đoàn kết, hòa hợp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Ghi nhận đóng góp của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang, T.ƯGH đã tặng Bằng tuyên dương công đức cho 1 tập thể, 12 cá nhân; UBND tỉnh An Giang trao Bằng khen cho 1 tập thể, 12 cá nhân.
Lãnh đạo chính quyền tham dự. |
Đại diện chính quyền, bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết trong 30 năm hình thành và phát triển, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết nội bộ, góp phần phát triển Phật giáo tỉnh nhà vững mạnh, ổn định, có chiều rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.
"Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang đã luôn đổi mới tư duy, nhận thức, phong cách điều hành, lãnh đạo theo sự phát triển đổi mới của xu hướng hiện đại hóa; đồng thời đã kế thừa và phát huy những kinh nghiệm của các bậc tiền nhân, giá trị cốt lõi của văn hóa đặc trưng bản địa, đoàn kết đạo đời góp phần công sức vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc và quê hương An Giang ngày càng phồn vinh, thịnh vượng", Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định.
Dịp này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang đã công bố quyết định của Hội đồng Chứng minh, trao giáo chỉ tấn phong giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng và Ni sư cho 78 Tăng Ni tỉnh An Giang đã nỗ lực tu tập và cống hiến.
Tiếp nối chương trình lễ, thay mặt Ban Thư ký, Thượng tọa Thích Viên Quang, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang đã báo cáo về công tác tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chánh trụ trì lần thứ 26.
Ban đạo từ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ niềm hoan hỷ và chúc mừng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang đã trải qua 30 năm thành lập.
Trung ương Giáo hội tặng bằng Tuyên dương công đức đến 1 tập thể và 12 cá nhân. |
Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã nêu bật 10 công đức của Ban Trị sự trong suốt quá trình 30 năm hình thành và phát triển của Phật giáo tỉnh An Giang. Đặc biệt, An Giang là tỉnh đa tôn giáo, đa sắc tộc và còn là vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nhưng bằng sự đoàn kết, hoà hợp, các tổ chức, hệ phái, Tăng Ni và tín đồ Phật giáo tỉnh An Giang đã giữ gìn được sự hài hòa, duy trì sự ổn định, phát triển toàn diện mọi hoạt động Phật sự, khẳng định vị thế của một tỉnh thành trong ngôi nhà chung của GHPGVN.
Chiều cùng ngày, hơn 300 chư Tăng Ni là trụ trì các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh đã chính thức buổi học đầu tiên tại khóa bồi dưỡng trụ trì lần thứ 26, do Hòa thượng Thích Thiện Thống thuyết giảng. Sau đó, chư tôn đức Tăng Ni sẽ tiếp tục tham gia khóa học liên tục trong 4 ngày, từ ngày 11 đến 14/4/2023 tại chùa Bình An do chư tôn giáo phẩm và lãnh đạo chính quyền thuyết trình với các đề tài quan trọng về công tác hành chánh giáo hội, quản lý tự viện, pháp luật Nhà nước...