Thượng tọa Thích Chân Quang (thứ 2 từ phải sang) nhận bằng tiến sĩ luật vào tháng 4/2022.

Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo khẩn vụ bằng tiến sĩ của Thượng toạ Thích Chân Quang

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 25/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn hoả tốc số 3136/BGDĐT-GDĐH gửi Trường Đại học Luật Hà Nội, về việc báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo đối với Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt - tức Thượng toạ Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Nội dung Công văn nêu rõ: Hiện nay, có nhiều thông tin trái chiều về việc tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tiến sĩ đối với ông Vương Tấn Việt tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Để có thông tin đầy đủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Trường Đại học Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo cụ thể về quá trình tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ (bao gồm cả việc nộp hồ sơ phản biện, bảo vệ luận án…) và có minh chứng kèm theo đối với hồ sơ của ông Vương Tấn Việt.

Trường Đại học Luật Hà Nội gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Đại học) trong ngày 26/6/2024 để tổng hợp.

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin liên quan đến việc ông Vương Tấn Việt - Thượng tọa Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tốt nghiệp cử nhân luật hệ tại chức năm 2019, thế nhưng năm 2021 đã nhận bằng tiến sĩ luật, cùng tại Trường đại học Luật Hà Nội.

Được biết, Thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ luật của Trường Đại học Luật Hà Nội vào tháng 4/2022. Có một số ý kiến thắc mắc Thượng tọa Thích Chân Quang lấy bằng tiến sĩ bằng cách nào chỉ trong 2 năm sau khi tốt nghiệp đại học.

Trao đổi với báo chí, ông Tô Văn Hòa - Phó hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội, cho biết theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối tượng học lên tiến sĩ bao gồm cử nhân, thạc sĩ.

Trong đó, đối tượng cử nhân phải tốt nghiệp từ loại giỏi trở lên được học thẳng lên tiến sĩ. "Thượng tọa Thích Chân Quang học cử nhân tốt nghiệp loại giỏi và học thẳng lên trình độ tiến sĩ ngành luật hiến pháp - hành chính", ông Hòa nói.

Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo khẩn vụ bằng tiến sĩ của Thượng toạ Thích Chân Quang ảnh 1

Quá trình tìm hiểu cho thấy, ngày 25/11/2019, Trường đại học Luật Hà Nội đăng tải kết quả xét tuyển nghiên cứu sinh luật đợt 2 năm 2019 trên web nhà trường. Trong danh sách trúng tuyển có tên ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) với ngành luật hiến pháp và luật hành chính. Thời gian từ lúc ông trúng tuyển đến lúc bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 12/2021 tương đương 2 năm (24 - 25 tháng) - Ảnh: Trường đại học Luật Hà Nội

Theo ông Hòa, khi học lên trình độ tiến sĩ, thượng tọa Thích Chân Quang đã phải học thêm các môn học của chương trình thạc sĩ thuộc chuyên ngành tương ứng, làm luận án và bảo vệ luận án tốt nghiệp.

Lý giải việc thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ sớm, ông Hòa cho rằng có hai lý do. Thứ nhất, thượng tọa Thích Chân Quang học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ; thứ hai, làm xong sớm luận án và bảo vệ luận án tiến sĩ sớm.

"Thượng tọa Thích Chân Quang đáp ứng được những điều kiện về thời gian đào tạo nên được bảo vệ luận án sớm. Tất cả các quy trình đều đầy đủ theo các bước theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo", ông Hòa khẳng định.

Trên thực tế, Thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng tốt nghiệp cử nhân ngành luật vào ngày 26/1/2019 và đến ngày 2/4/2022 nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ luật.

Lãnh đạo Trường đại học Luật Hà Nội cho biết nhà trường đang rà soát hồ sơ và sẽ có văn bản báo cáo chi tiết liên quan đến sự việc trên.

Một số chuyên gia bày tỏ, việc các cử nhân chính quy loại giỏi học thẳng lên tiến sĩ không hiếm, điều này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép và các trường thực hiện nhiều năm trở lại đây.

Tuy nhiên, việc một cử nhân hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức) học thẳng lên bậc tiến sĩ không nhiều, "có thể coi là hiếm". Chuyên gia cũng cho rằng, người học hệ vừa học vừa làm đa số đã lớn tuổi hoặc chỉ nhu cầu có bằng đại học để đáp ứng chuẩn yêu cầu nghề nghiệp, không theo hướng nghiên cứu học thuật.

Ngoài ra quy chế đào tạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ, thời gian để hoàn thành bậc tiến sĩ tiêu chuẩn là 3 - 4 năm. Chỉ nghiên cứu sinh nào đặc biệt xuất sắc, được hiệu trưởng trường đại học phê duyệt mới có thể rút ngắn thời gian hoàn thành xuống tối đa 36 tháng (3 năm). Trong khi đó, ông Thích Chân Quang lại chỉ cần 25 tháng (hơn 2 năm) để hoàn thành. Vị chuyên gia phân tích hai điểm bất thường trong trường hợp này.

Quy định tuyển sinh trình độ tiến sĩ của Trường đại học Luật Hà Nội thế nào?

Ngày 24/1/2019, hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội ban hành quy định chi tiết về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.

Trong đó, thời gian đào tạo đối với người có bằng thạc sĩ là 3 năm tập trung, với người có bằng đại học là 4 năm tập trung.

"Hiệu trưởng sẽ xem xét, quyết định cho phép nghiên cứu sinh được gia hạn hoặc rút ngắn thời gian đào tạo so với thời gian quy định. Thời gian gia hạn không quá 24 tháng", quy chế nêu rõ.

Đến ngày 16/8/2021, nhà trường ban hành quyết định về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, thay thế quyết định ngày 24/1/2019.

Theo đó, thời gian đào tạo tiêu chuẩn quy định đối với nghiên cứu sinh có bằng thạc sĩ cùng nhóm ngành là 3 năm (36 tháng), thời gian đào tạo tiêu chuẩn đối với nghiên cứu sinh có bằng đại học nhưng chưa có bằng thạc sĩ cùng nhóm ngành là 4 năm (48 tháng).

Thời gian trên được tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập hội đồng đánh giá luận án cấp trường.

Theo quy chế, hiệu trưởng được xem xét, quyết định cho nghiên cứu sinh được rút ngắn hoặc gia hạn thời gian đào tạo so với thời gian đào tạo tiêu chuẩn.

Cụ thể, nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 1 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn không vượt quá 6 năm (72 tháng).

Tin bài liên quan
Tin cùng chuyên mục