Ảnh minh họa.

Chân lý của cuộc sống Tứ chánh cần

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tu Tứ chánh cần, việc thiện chưa sanh phải làm cho sanh, người chưa tốt phải làm họ tốt. Họ là bạn tốt rồi, mình ráng nuôi tình bạn tốt này vì họ là Bồ-đề quyến thuộc của mình. Không có bạn tốt, không làm được gì.

Nhìn cuộc sống hiện tại biết được quá khứ của mình

Giữ tâm yên tĩnh tu, không bị thực tế quấy rầy là vào thiền định. Trước hết, vào Diệt tận định là cắt bỏ nghiệp chướng, phiền não, trần lao, không nghĩ đến sinh mạng của mình nhưng mình vẫn có, không nghĩ gì nhưng cái nghĩ vẫn còn. Đó là con người thật của mình là con người không nghĩ gì hết thì từ con người thật, mình mới chứng được Túc mạng thông, Túc mạng thông là biết đời trước và nhiều đời trước nữa, thậm chí A-la-hán biết đến 500 kiếp của họ. Tu biết được quá khứ dễ, biết vị lai thì khó hơn nhiều.

Biết quá khứ là biết ngày hôm qua, biết những năm tháng trước và biết lần lần đến nhiều kiếp trước của mình sống như thế nào, cũng như biết mối quan hệ hỗ tương giữa mình và mọi người, mọi loài.

Muốn biết được một phần của quá khứ, Phật nói nhìn hiện tại để biết quá khứ của mình. Tu hành, tâm yên tĩnh rồi sẽ biết được quá khứ đời trước mình đã tạo thiện nghiệp, ác nghiệp nào. Người ta thường nói là trái đất tròn gặp lại nhau. Trong sáu nẻo luân hồi quay vòng tròn thì ta gặp lại người thương hay người thù. Và với tâm yên tĩnh, ta nhìn người, biết tại sao họ thương hay ghét mình, đó là nhìn cách xử sự hiện tại của người đối với mình mà biết được mối liên hệ hỗ tương giữa mình và họ đã có từ đời quá khứ.

Điển hình Phật nói Đề Bà Đạt Đa nhiều kiếp trước đã hại Ngài rồi. Thật vậy, trong một kiếp, cả hai đều mang thân rận rệp hoặc làm khỉ thì trong những kiếp quá khứ đó, Đề Bà Đạt Đa đã hại Phật, cho đến kiếp hiện tại, ông vẫn tiếp tục hại Phật.

Trên bước đường tu, tâm định tĩnh giúp chúng ta sáng lần, nhìn cuộc sống hiện tại biết luôn quá khứ của mình khiến tham vọng chúng ta tự biến mất. Đa số người khổ vì tham. Tu theo Phật, biết tham mang họa, ta không tham. Người ta thường nghĩ những gì tốt đẹp trong hiện tại do may mắn mà có. Nhưng Phổ Hiền Bồ-tát nói rằng thực sự do phước đời trước nên hiện đời được sanh trong dòng họ cao quý, ngoại hình dễ coi, sức khỏe tốt, trí sáng. Tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống hiện tại này có được là nhờ nghiệp duyên từ quá khứ đã tạo. Biết những điều kiện tốt mình có rồi thì việc tốt tìm ta, ta không phải tìm, nên cuộc sống ung dung tự tại.

Đạo Nho nói tại sao người khờ khạo, ngu dốt lại giàu có, người khôn ngoan, tính toán lại bị khổ chồng chất khổ. Phật nói không có gì phải thắc mắc, vì ông chỉ nhìn hiện tại không thể đúng, phải thấy nghiệp duyên quá khứ của họ. Đời trước không tu phước, chỉ tu huệ, nên đời này thông minh nhưng nghèo khổ. Hay ngược lại, đời trước từng bố thí, giúp đỡ nhiều người, nhưng không học hành, không mở mang trí tuệ, nên đời này giàu có mà ngu dốt.

Hoặc có người tốt với mình một cách lạ lùng, dù mình không làm gì cho họ. Cũng có người mình tốt với họ nhưng họ vẫn xấu với mình. Tôi thấy điều này trong cuộc sống. Ông nhà giàu nuôi người ở mướn mà ông chửi mắng hành hạ, họ vẫn hết lòng trung thành với ông. Đến lúc nghĩ lại thấy xử sự của mình quá đáng, ông liền sống tốt với họ, nhưng họ bỏ đi. Ông hỏi tôi tại sao như vậy. Tôi nói họ nợ ông đời trước nên tìm ông trả hết nợ rồi đi. Đạo Nho không giải thích được nhân quả ba đời xuất hiện trong hiện tại.

Chân lý của cuộc sống Tứ chánh cần ảnh 1

Ảnh minh họa.

Tứ chánh cần

Đức Phật dạy chân lý phổ biến là sự sống của muôn loài, muôn vật. Vì vậy, chúng ta sống làm sao cho thích hợp với cuộc sống hiện tại, đó là việc tu hành của chúng ta, sống cho có ý nghĩa.

Muốn cuộc sống có ý nghĩa và tu hành, biết nhân quả, ta bỏ nghiệp ác, tạo nghiệp thiện hiện tại, lần lần nghiệp thiện sẽ tới trong hiện tại và trong tương lai. Lý này được Phật dạy về Tứ chánh cần rằng việc ác chưa sanh thì không cho sanh, việc ác đã sanh phải giải quyết dứt điểm, như thiếu nợ đời trước, đời này họ đòi, mình trả nợ xong là hết nghiệp nợ. Nếu không trả nợ cũ, còn vay thêm nợ mới nữa, tức không trả nợ còn chửi mắng là nghiệp cũ tạo nghiệp mới. Vì nghiệp cũ họ đòi nhưng mình khó chịu. Điều này cho thấy trả nghiệp rất khó.

Phật khuyên trả nợ cũ, nghiệp sẽ nhẹ lần. Trong kiếp luân hồi, bây giờ không trả, mai kia gặp lại cũng phải trả, mà nợ càng để lâu thì trả lãi càng nhiều!

Ác nghiệp mới đừng tạo, vì tạo thì đời sau sẽ khổ. Thí dụ có người tốt giúp mình, nếu thấy không cần, đừng nhận sự giúp đỡ của họ, vì thực sự đời trước họ đã nợ mình, nên đời này, họ tốt với mình. Vì vậy, mình không cho họ trả ơn, tức không nhận sự giúp đỡ, thì họ vẫn nghĩ tốt về mình. Nhưng họ giúp được mình là họ trả xong hết nợ đời trước rồi, mà mình còn lợi dụng lòng tốt của họ nữa, họ sẽ trở thành xấu với mình. Như vậy, điều tốt đã có, không làm tốt thêm, lại làm cho cạn kiệt.

Thực tế cuộc sống cho thấy rõ ý này. Người làm nên sự nghiệp nhờ bạn tốt hết lòng, từ việc làm ăn, làm chính trị, làm vua, làm tướng đều nhờ biết bao nhiêu người giúp đỡ, họ mới thành công. Thật vậy, nhứt tướng công thành, vạn cốt khô, nghĩa là một ông tướng đánh trận thành công, thì đằng sau chất cả vạn đầu lâu, nên họ hận, đời sau không tốt với mình nữa. Vì vậy, họ tốt với mình, mình phải bảo vệ họ thì mình sẽ có bạn tốt nhiều hơn. Đó là thể hiện điều Phật dạy rằng việc thiện đã sanh cần phải nuôi lớn. Tu đúng có bạn tốt nhiều hơn, tu sai thì bạn tốt mất lần.

Tu Tứ chánh cần, việc thiện chưa sanh phải làm cho sanh, người chưa tốt phải làm họ tốt. Họ là bạn tốt rồi, mình ráng nuôi tình bạn tốt này vì họ là Bồ-đề quyến thuộc của mình. Không có bạn tốt, không làm được gì. Người đời nói giàu nhờ bạn. Nhờ bạn tốt làm giàu chính đáng, họ chỉ cách làm ăn lương thiện giúp mình ăn nên làm ra dễ dàng. Nhưng gặp bạn xấu hợp tác, họ thường làm việc không chính đáng sẽ đưa mình vào tù.

Và với người chưa tốt, tranh thủ làm cho họ tốt với mình, họ chưa thương thì đừng để họ ghét mình. Phật nói người tu đến chỗ nào cảm hóa chỗ đó, nghĩa là tới chỗ lập nghiệp, tìm bạn tốt để họ giúp mình dựng nghiệp và mình cũng phải quan tâm giúp đỡ người chưa có việc làm, thì họ sẽ tốt với mình.

Thuở nhỏ, tôi ở trọ với một cư sĩ rất tốt, siêng năng tụng niệm, lễ bái, đặc biệt ông được cả xóm thương mến ông. Ông trồng một giàn bầu có nhiều trái mà chỉ có hai thầy trò, làm sao ăn hết. Ông gánh xuống xóm và nói nhờ dân làng ăn phụ giùm, thể hiện đức tánh khiêm tốn trong việc cho tặng và cả trong cách nói nhẹ nhàng. Như vậy, tu là người tốt, không phải là mặc áo tu. Ông tu làm cả xóm thương quý, nói ông hiền tốt, họ có gì lại đem lên cốc cho ông, đó là tình người.

Trong cuộc sống, từ chỗ họ không biết mình cho đến họ thương quý. Và trái đất tròn, đời sau sanh lại, họ và mình tốt với nhau hơn nữa. Người tốt với mình, ráng giữ đừng cho mất. Và khi có được nhiều người thương quý mình, bấy giờ, người chưa tốt cũng không dám nói xấu mình, vì nói cũng không ai tin, buộc họ phải nghe theo mình.

Còn người nói xấu, biết mình còn nghiệp, đời trước mình đã tạo nghiệp với họ. Tu hành, xóa bỏ nghiệp bằng cách niệm Phật, tụng kinh, lễ sám…

Phật tử thực hành pháp Tứ chánh cần, có kết quả tốt đẹp trong cuộc sống. Việc tốt, người tốt ráng giữ, đừng cho mất. Việc chưa tốt, cố gắng làm cho tốt. Người xấu, việc xấu thì vô hiệu hóa. Đây là chân lý của cuộc sống. Phật dạy chúng ta thực tập pháp này, cuộc đời mình sẽ đi lên. Việc tốt hay xấu trên cuộc đời này đều do ta tạo, nên ta biết thì chỉ tạo việc tốt.

Vì vậy, kinh Hoa nghiêm dạy bài kệ rằng “Nhược nhơn dục liễu tri. Tam thế nhứt thiết Phật. Ưng quán Pháp giới tánh. Nhứt thiết do tâm tạo”. Nếu muốn biết đời trước các Đức Phật tu thế nào, nên nhớ rằng ba đời các Đức Phật tu Tứ chánh cần, tất cả việc do tâm tạo. Phật chỉ tạo nghiệp thiện, nên việc thiện của Ngài đầy đủ, rộng lớn đến mức độ người người cung kính Ngài là Phật. Ác ma tạo toàn nghiệp ác. Con đường thiện ác, tốt xấu do tâm chúng ta tốt hay xấu mà dẫn đến việc làm tốt hay xấu và cũng nhờ đời trước mà chúng ta biết đời này, nên thay đổi cuộc sống cho được tốt đẹp trong đời này và cho muôn kiếp về sau đến ngày thành tựu quả vị Phật.

Tin cùng chuyên mục