Để chuẩn bị cho Hội thảo khoa học về “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Thống nhất trong đa dạng” vào tháng 4/2023, Ban Văn hoá TƯ GHPGVN phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Bảo tồn Di tích…cùng các cơ quan nghiên cứu đã đến khảo sát Kiến trúc Phật giáo tại chùa Âng (Trà Vinh), đây ngôi chùa tiêu biểu của hệ phái Nam tông Khmer nhằm nghiên cứu, đánh giá thực trạng kiến trúc Phật giáo, di sản kiến trúc Phật giáo; Tìm hiểu, nghiên cứu đặc trưng kiến trúc Phật giáo, sự thống nhất và đa dạng trong kiến trúc Phật giáo ở các vùng miền, hệ phái… làm cơ sở xây dựng kế hoạch, định hướng bảo tồn, phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đoàn khảo sát do: TT. Thích Thọ Lạc – UV Thư ký HĐTS, Trưởng Ban Văn hóa TƯ GHPGVN làm Trưởng đoàn cùng chư Tôn đức Tăng, Ni trong Ban Văn hoá TƯ và các tỉnh thành cùng các nhà khoa học: PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXHVN); TS. Tạ Quốc Khánh – Trưởng phòng Nghiên cứu Di tích và Bảo tồn Di tích (Viện Bảo tồn Di tích); Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan – PGĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN; Ths. KTS Nguyễn Minh Quang – Giám đốc CTCP Văn hoá Truyền thống Kim Liên; PGS.TS Vương Ngọc Lưu – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương – Nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Tôn giáo cùng các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học.
Nếu như mỗi ngôi chùa Khmer đều là một công trình kiến trúc đặc sắc, là đỉnh cao của sự tập hợp những tinh túy, toàn vẹn của các giá trị văn hóa tạo hình thẩm mỹ trong kiến trúc, những yếu tố kết chặt quyện vào nhau, hài hòa từ màu sắc đến kích thước, cách bày trí …tạo nên sự thống nhất một mặt mang đỉnh cao của giá trị nghệ thuật và một mặt mang giá trị tinh thần hướng đến cái thiêng niềm tin trong tôn giáo của người Khmer nơi đây.
Chùa Âng (tên Khmer là Angkorajaborey) là một ngôi chùa cổ trong hệ thống chùa Khmer của tỉnh Trà Vinh. Ngôi chùa nằm trong cụm danh lam thắng cảnh Ao Bà Om và bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer đã đáp ừng được cả hai điều kiện về giá trị nghệ thuật và tâm linh.
Chùa được xây dựng vào cuối thế kỉ X (khoảng năm 990), bên cạnh Ao Bà Dol One (Ao Bà Om), Cách quốc lộ 53 khoảng 500m về hướng Tây Nam, thuộc khóm 4, phường 8, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Đến năm 1994 chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia và cho đến nay vẫn luôn là một ngôi chùa cổ nổi bật nhất của người Khmer tại tỉnh Trà Vinh.
Chánh điện được xây dựng 1695, bằng mây tre lá, được trùng tu lại vào năm 1842, nền chánh điện có hình chữ nhật dài 36m, rộng 24m quay mặt về hướng Đông, nằm trên nền cao 2m. Trải qua nhiều đợt trùng tu với quy mô nhỏ mang lối kiến trúc cổ kính, được khắc họa, tô điểm bởi những tác phẩm nghệ thuật như tượng thần, chim thần, sự tích về Đức Phật Thích Ca… với những đường nét, hoa văn mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer Nam bộ.
Mái chùa Âng được lợp ngói gồm có 3 tầng, bộ mái được chống đỡ bởi 12 cây cột bằng gỗ, phía trên mỗi cột đều được chạm khắc tượng tiên nữ và chim thần đang chấp tay xá hay chống đỡ mái cổng là tượng Keynor vừa khoe sắc uyển chuyển với sức lực phi thường. Ngoài ngôi chánh điện, còn có các công trình khác như Sala (nhà hội) cũng quay mặt về hướng đông như chánh điện. Chùa Âng có tháp, hàng rào v.v cũng đều được trang trí rất tuyệt xảo bằng biểu tượng thần Maha Prum (thần bốn mặt), tượng chim thần (Krud), tượng tiên nữ – linh thú như rắn Nagar…
Nhìn chung, ngôi chùa Âng tại Trà Vinh của người Khmer cũng giống như người Hoa khi xây dựng một công trình kiến trúc tôn giáo luôn quan tâm đến việc chọn lựa cảnh quan phù hợp. Trước nhất là chọn công trình phải nằm trên vùng đất sạch, cao ráo, ánh sáng, không khí phù hợp. Nơi có sức sống mãnh liệt, yên ổn, sảng khoái để người tu nơi này luôn nhận được năng lượng tốt.
Chùa Âng là niềm tự hào của người Khmer về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Đây là công trình thế kỷ lâu dài biểu hiện cho nền văn hóa Khmer những năm phát triển cực thịnh. Ngoài ra, ngôi chùa còn là nơi tu hành của nhiều nhà sư và người dân Khmer, là nơi thực hiện những nghi lễ tôn giáo và truyền lại các giá trị văn hóa cho những thế hệ về sau.