Nơi đây từng nuôi giấu chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa hiện là nơi diễn ra các lễ hội lớn của người Khmer ở Bình Phước và cũng là nơi thu hút đông đảo Phật tử khắp nơi tìm về.
Người Khmer quan niệm, đức Phật luôn bên họ để che chở và ban phúc lành nên ở hầu hết ấp, sóc, người dân đều tự nguyện đóng góp để xây dựng ngôi chùa riêng cho địa phương mình. Tùy mỗi khu vực và quan niệm của trụ trì, chùa mang màu sắc riêng, nhưng tựu chung đều là những công trình kiến trúc độc đáo, đậm màu sắc và tính thẩm mỹ cao. Tổng thể ngôi chùa gồm nhiều công trình, nhưng nổi bật và quan trọng nhất là chính điện được xây dựng ở vị trí trung tâm, có nền cao hơn các hạng mục khác. Chính điện quay về hướng Đông theo hướng mặt trời mọc, vì theo quan niệm của người Khmer, đức Phật ngự ở hướng Tây, nhìn về hướng Đông để cứu độ chúng sinh.
Được xây dựng cách đây hàng trăm năm với lối kiến trúc tinh xảo, chùa Sóc Lớn trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người Khmer ở Bình Phước.
Bên trong chính điện được thiết kế, trạm khắc hoa văn tinh xảo, nhiều màu sắc. |
Hoa văn chủ đạo ở các mái hiên của chùa là hình tượng tiên nữ, chim thần Krut nâng đỡ mái chùa được lấy từ văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Khmer. Các dãy hành lang được xây dựng thoáng mát, điêu khắc các hình tượng rắn Naga, là đại diện cho những thế lực tà ác đã bị đức Phật quy phục.
Đối với người Khmer, chùa có vị trí rất quan trọng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, xã hội và các lễ hội truyền thống của người dân. Đây cũng là biểu tượng văn hóa, tinh thần, vật chất của đồng bào. Từ bố cục không gian với sự kết hợp hài hòa các hạng mục, chùa là công trình kiến trúc nghệ thuật sáng tạo, mang tính giáo dục và tính dân tộc cao. Với nét đẹp từ kiến trúc đến tư tưởng, chùa là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu góp phần tô điểm những gam màu tích cực và ý nghĩa cho không gian văn hóa Phật giáo tại Bình Phước.
Kiến trúc bên ngoài của chùa Sóc Lớn. |
Không chỉ là điểm đến tâm linh, chùa còn gắn liền với một giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Gần 20 năm trước, chùa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Gần đây, chùa Sóc Lớn là nơi diễn ra các hoạt động vui đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Tết diễn ra từ 14-16/4. Theo quan niệm của đồng bào Khmer, lúc giáp nắng và mùa mưa, là thời điểm trời đất giao hòa, muôn cây tươi tốt, đâm chồi nảy lộc, được người Khmer quan niệm là sự khởi đầu cho một năm mới gọi là Chôl Chnăm Thmây (vào năm mới).