Chùa Sùng Phúc - Ngôi cổ tự ở huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng

Chùa Sùng Phúc - Ngôi cổ tự ở huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chùa Sùng Phúc có quả chuông rất to, khoảng năm Vĩnh Tộ (1619 - 1628), chuông rơi xuống đầm cạnh chùa, vì thế đầm ấy gọi là Đầm Chuông. Năm Chính Hòa (1680 - 1705), có người trong xã tìm thấy chiếc chuông ấy ở châu Thái Bình (Trung Quốc) và lấy lại được.

Chùa Sùng Phúc có tên là Sùng Phúc tự, thuộc xã Lệnh Cấm, tổng Lệnh Cấm, châu Hạ Lang, nay thuộc thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.

Ban đầu, ngôi chùa có tên là chùa Sùng Khánh được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293) trên đỉnh núi Pò Kiền (tiếng Tày, Nùng địa phương gọi là Pò Kén), phía sau làng Nà Én, xã Lệnh Cấm. Thời Trần, đạo Phật hưng thịnh, vua Trần cho xây dựng chùa ở nơi biên ải xa xôi để thờ Phật và thờ một số nhân vật có công trấn ải vùng biên giới; đồng thời cũng là để khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong một đất nước Đại Việt thống nhất thịnh trị, thái bình sau khi đại thắng quân Nguyên.

Đến đời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) thời nhà Lê, chùa được di dời từ trên cao xuống cánh đồng bản Huyền Du như vị trí hiện tại. Năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782) chùa được trùng tu và đổi tên thành chùa Sùng Phúc với hàm nghĩa sâu xa là suy tôn, sùng bái, quý trọng phúc đức, hướng mọi người tới chân thiện, tránh xa tà ác. Trải qua bao biến thiên lịch sử của các triều đại, chùa Sùng Phúc được tu tạo nhiều lần và bổ sung thêm nội dung thờ tự của các nhân vật lịch sử có công với đất nước.

Khuôn viên chùa hình chữ nhật theo hướng Bắc - Nam, cổng khuôn viên hướng Nam. Trong khuôn viên có chùa Sùng Phúc, hai miếu thờ và một bia đá. Chùa có kiến trúc hình chữ Nhị, được xây dựng bằng gạch, mái lợp ngói máng, hoa văn trang trí đơn giản mang dấu ấn nhà Lê.

Chùa thờ đức Phật Quan Âm Bồ Tát, gian hậu cung có tượng Phật Bà. Bên trái thờ vị Thành hoàng là ông Nghĩa Thành Vương tức Nguyễn Đình Bá (1678) tri châu Tư Lang. Ông quê ở thôn Bình Dân, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, sau làm Đốc đồng ở Cao Bằng. Ông có công chiêu dân khẩn hoang, lập bản làng được dân suy tôn là Tiên Công Thành hoàng làng.

Chùa Sùng Phúc - Ngôi cổ tự ở huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng ảnh 1
Chùa thờ đức Phật Quan Âm Bồ Tát

Sách Hoàng Lê nhất thống chí cũng có chép việc dẹp loạn ở Cao Bằng hồi trước, viên quan đại thần là Nguyễn Đình Bá, vâng lệnh trên đã làm quan ở Tư Lang được bảy năm, nhân dân các bản đều mến phục. Sau ông mất tại đó, nhân dân địa phương vì thương tiếc mà nghỉ mấy phiên chợ liền, lại dựng đền thờ ông; được triều đình phong sắc Đai vương, trung đẳng thần.

Gian tiền đường chùa Sùng Phúc thờ thần Vi Đồ là bà Nguyễn Thị Duệ, quê làng Kiệt Đặc (nay là xã Văn An), huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thời gian này con cháu nhà Mạc đã rút lên Cao Bằng (từ thời Mạc Kính Cung, 1593 - 1625).

Năm 10 tuổi, bà Nguyễn Thị Duệ theo cha lên Cao Bằng lánh nạn. Là người thông minh, ham học, bà đã giả trai, đổi tên là Du theo học Trường Quốc học Bản Thảnh, Cao Bình (Hòa An). Khoa thi Hội của nhà Mạc tổ chức ở Cao Bằng năm Bính Thìn (1616), bà ra ứng thí và đỗ đầu, lúc 20 tuổi.

Trong buổi tiệc mừng các vị tân khoa, vua Mạc ngạc nhiên khi thấy chàng Du kia lại có nhan sắc diễm lệ như thiếu nữ, bèn gọi tới gặng hỏi. Không thể không nói thật, bà quỳ xuống tâu rõ sự tình. Nhà vua hỏi về kinh sử, bà đáp làu làu, nhà vua rất hài lòng. Bà là nữ Tiến sĩ duy nhất của khoa bảng phong kiến Việt Nam.

Sau đó, bà Nguyễn Thị Duệ được vua Mạc Kính Cung mời vào triều đình để dạy các phi tần, cung nữ. Khi quân Trịnh - Lê tiến đánh Cao Bằng, nhà Mạc thất thủ, Nguyễn Thị Duệ vào chùa Sùng Phúc ẩn náu, lấy pháp danh là Diệu Huyền, tên húy là Du, tên bản Huyền Du cũng được đặt theo tên bà. Tại đây, bà giảng dạy kinh thư, truyền bá đạo lý nhà Phật cho dân chúng, có công lớn với nhà chùa và được nhân dân mến mộ kính phục.

Đến năm Tân Mùi (1631) khi phát hiện ra bà, quân lính đưa bà về Thăng Long, trước phẩm chất và sự khí khái của bà, triều đình nhà Lê rất trân trọng và mời vào cung đình làm quản giáo, truyền dạy đạo lý cho con cháu các bậc vương giả. Vua Lê Thần Tông (1619 - 1643) phong cho bà chức Chiêu Nghi làm Lễ sư để tiếp tục dạy trong cung. Mỗi khi vua Lê nỏi ý kiến về một vấn đề gì thì bà đều dẫn kinh sử và sự tích xưa nay để giải đáp rành mạch nên nhà vua rất hài lòng, thán phục. Bà còn là một người có tâm đức, khoan dung, sống thọ đến 80 xuân.

Chùa Sùng Phúc - Ngôi cổ tự ở huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng ảnh 2

Lối vào chùa Sùng Phúc

Ngôi miếu dựng ở góc Đông Bắc của khuôn viên Thành hoàng chính thờ tù trưởng Hoàng Nghệ, người có công lớn chỉ huy quân chặn đánh tướng giặc Thoát Hoan và A Nhai đang trốn theo đường bộ qua châu Tư Lang (Hạ Lang ngày nay), sau khi bị nhà Trần đánh bại.

Chùa Sùng Phúc có quả chuông rất to, khoảng năm Vĩnh Tộ (1619 - 1628), chuông rơi xuống đầm cạnh chùa, vì thế đầm ấy gọi là Đầm Chuông. Năm Chính Hòa (1680 - 1705), có người trong xã tìm thấy chiếc chuông ấy ở châu Thái Bình (Trung Quốc) và lấy lại được.

Đến nay, chùa Sùng Phúc còn lưu giữ được 2 tấm bia đá, 1 tấm có niên đại Cảnh Hưng năm thứ 43 (1782) và 1 tấm có niên đại Thành Thái Ất Tỵ năm 1905. Nội dung 2 tấm bia nêu khái quát lịch sử hình thành ngôi chùa và danh sách những địa phương, cá nhân có công đức xây dựng, tu sửa chùa. Chùa còn có 3 sắc phong của 3 đời vua triều Nguyễn, đó là Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định.

Hiện nay, chùa còn một tấm bia đá có nội dung bằng chứ Hán, khắc năm Cảnh Hưng thứ 43 thời Lê, ngày mùng một tháng Tư, ghi lại lịch sử và việc trùng tu chùa, truyền thống bảo vệ Tổ quốc cùng sự linh hiển chở che của vị thần bảo hộ đã đem lại cuộc sống ấm no, thái bình cho nhân dân. Văn bia chùa có nội dung như sau (dịch từ chữ Hán):

"Mưa thuận gió hòa - A di đà Phật lời chào trong sáng và thân mật. Sự lưu truyền sâu sắc bảo vệ Tổ quốc và hạnh phúc đem lại sự trong sáng và ước vọng theo ý nguyện nhà Phật, bảo hộ dân chúng. Trải qua bao thăng trầm của thời đại có lời truyền từ thời thượng cổ.

Trên đỉnh núi Pò Kiền có ngôi chủa cổ Sùng Khánh vô cùng anh linh, hiển hách phù trì mạch máu của Tổ quốc mà các triều vua đã tặng. Phỏng theo sự tích để lại, chùa có hai quả chuông vàng ngự tọa, sau đó dời đi châu Thái Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đến thời Lê, đổi thành chùa Sùng Phúc, bên trong thờ Quan Âm Bồ Tát, bên ngoài thờ Thiên Vương đại thần rất linh nghiệm, bảo vệ nhân dân ba tổng được yên vui thịnh vượng, không kém gì đất trung nguyên.

Đến thời Lê Cảnh Hưng, năm Sửu đất nước thanh bình triều đình đã phong sắc cho khu liên phụng này. Nhân dân ba tổng quyên góp tạc bia gồm tổng Lệnh Cấm, Vĩnh Thọ, Phong Đằng, các xã Dương Áng, Phúc Áng, Mạnh Hẩu, thôn Lũng Vèn quyên góp được 4 lạng 3 đồng cân bạc để trùng tu miếu này. Bia khắc năm Cảnh Hưng thời Lê thứ 43 ngày mùng 1 tháng 4".

Như trên đã nói, chùa Sùng Phúc có ba sắc phong của ba đời vua Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định. Đặc biệt, nội dung sắc chỉ đời vua Duy Tân viết:

"Sắc chỉ Cao Bằng tỉnh Hạ Lang châu. Ba tổng Vĩnh Thọ, Lệnh Cấm, Phong Đằng, ba tổng nối gót đời xưa thờ phụng sự trong sáng, chính trực, huyền diệu tiếng tăm lừng lẫy thay trời cai trị. Đến nay đời vua Duy Tân trị vì mở lễ Long đăng, hội thảo nhớ tới công ơn các vị thần"...

Hàng năm, lễ hội chùa Sùng Phúc diễn ra trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng Giêng âm lịch, nhân dân gọi là đi trẩy hội Tam Tổng, với các hoạt động dâng hương, tổ chức rước kiệu Phật Bà Quan Âm, kiệu Thành Hoàng, múa rồng, múa lân, các môn thể thao, văn nghệ, trò chơi dân gian, cờ tướng, thi tung còn, trình diễn trang phục dân tộc, ẩm thực, chương trình hát giao duyên...

Lễ hội chùa Sùng Phúc là một trong những lễ hội truyền thống và lâu đời nhất của huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Lễ hội không những mang tính văn hóa, nhân văn mà còn có ý nghĩa tâm linh, là món ăn tinh thần của mỗi người dân địa phương và du khách trong mỗi dịp đón mừng Xuân mới.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, ngày 29/1/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quyết định số 68/VH-QĐ xếp hạng chùa Sùng Phúc là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Cùng chuyên mục