Chùa Thiên Mụ linh thiêng và cổ kính ở cố đô Huế

Chùa Thiên Mụ linh thiêng và cổ kính ở cố đô Huế

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chùa Thiên Mụ tọa lạc tại phường Kim Long cách trung tâm TP Huế 5km về phía thượng nguồn sông Hương, chùa được xây dựng năm 1601 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng.

Người khai sơn

Sử sách ghi lại rằng, một lần chúa Nguyễn Hoàng đi ngao du sơn thủy trên dòng sông Hương, đến làng Hà Khê thì thấy phong cảnh ở đây hữu tình; giữa cánh đồng rộng nổi lên một ngọn đồi tựa như con rồng ngoảnh đầu nhìn lại, phía trước là sông Hương êm đềm, phía sau có hồ nước trong xanh.

Dân làng ở đây tâu lại với ngài: Nghe đâu từ đời trước, tại ngọn đồi này thường có một vị nữ thần xuất hiện, có người trông thấy một bà lão mặc áo màu đỏ, quần lục, đầu tóc bạc phơ hiện lên báo với dân làng: Rồi đây sẽ có một vị chúa dựng trên đồi này một ngôi chùa, che chở cho dân làng làm ăn thịnh vượng và sống trong cảnh thanh bình.

Nghe xong câu chuyện, chúa Nguyễn Hoàng nghĩ chắc bà lão ban cho con cháu ta ngôi báu, bèn cho xây dựng ngay một ngôi chùa và lấy tên là chùa Thiên Mụ (bà lão trên trời). Hồ nước phía sau gọi là Bình Hồ, trên bờ hồ có một phiến đá lớn trông giống hình con rùa.

Chùa Thiên Mụ linh thiêng và cổ kính ở cố đô Huế ảnh 1

Cổng Tam Quan là điểm đầu tiên khi đặt chân tới Chùa Thiên Mụ Huế.

Kiến tạo ngôi chùa

Năm 1605 đời chúa Thái Tông, chùa được tu bổ. Đến đời chúa Hiếu Minh (1691-1725), một vị chúa hết sức tôn sùng đạo Phật, tất cả lâu đài, cung điện ở đây đều được xây mới, chùa trở nên nguy nga tráng lệ hơn bao giờ hết. Tháng 4 năm Canh Dần (1710), chúa cho đúc đại hồng chung nặng hơn 3 tấn, chánh điện được chạm trổ và khảm ngọc quý, mua nhiều kinh Phật về. Chúa Hiếu Minh thường ngoại triều tại đây để lễ Phật và dưỡng tâm trí.

Đến triều Gia Long (1802-1820), vua cho xây dựng thêm điện Di Lặc, điện Quan Âm. Đời vua Thiệu Trị, chùa Thiên Mụ được liệt vào 20 thắng cảnh đẹp nhất đất Thần Kinh, nhà vua còn làm thơ khắc trên bia đá, ca ngợi về đạo Phật và tháp Phước Duyên.

Tháp Phước Duyên được xây dựng năm 1884, nhà vua là người họa đồ ngôi tháp này. Tháp 7 tầng, cao 21m, hình bát giác, đường kính bên dưới là 12m, càng lên cao tháp thu nhỏ dần, mỗi tầng của tháp đều thờ Phật, bên ngoài được điêu khắc khá đẹp. Tháp Phước Duyên là công trình cốt yếu của chùa Thiên Mụ.

Chùa Thiên Mụ linh thiêng và cổ kính ở cố đô Huế ảnh 2
Tháp Phước Duyên gây ấn tượng với vẻ đẹp cổ kính cùng lối kiến trúc đậm chất Huế.

Phía trước tháp xây đình Hương Nguyên, hai bên tháp là hai nhà lục giác. Nhà bên trái treo đại hồng chung cao 2,5m, rộng 1,2m, được chạm trổ tinh xảo, khi đánh chuông, nhất là đêm khuya thanh vắng, chuông ngân vang xa cả 10 cây số. Nhà bên phải dựng bia đá cao 1,6m, rộng 1,2m, bia dựng trên lưng rùa đá và nằm trên bệ đá vuông cao 0,5m, ca ngợi về đạo Phật.

Từ xưa, chùa Thiên Mụ được xem là ngôi chùa cổ nhất xứ Huế, nơi có cảnh Bụt - chùa thiêng, các ngày lễ Vu Lan, Phật đản... đều được nhà vua tổ chức trọng thể tại đây, đôi khi kéo dài cả tuần. Đến đời vua Thành Thái (1904), một trận lũ lớn đã tàn phá kinh thành Huế, một số hạng mục công trình của chùa Thiên Mụ như đình Hương Nguyên... bị tàn phá, nhưng ngôi chùa vẫn thu hút du khách bốn phương về đây.

Chùa hiện nay nằm trên khu đất rộng 75m, sâu 250m, ba mặt tường bao, sát đường là bậc cấp đi lên, nơi có 4 trụ biểu cao rồi đến tháp Phước Duyên, phía sau tháp là cổng Tam Quan với ba lối đi vào.

Chùa Thiên Mụ linh thiêng và cổ kính ở cố đô Huế ảnh 3

Chùa hiện nay nằm trên khu đất rộng

Chánh điện Đại Hùng dài 30m, rộng 25m, bên ngoài có tượng Di Lặc, bên trong thờ Tam Bảo, tượng Quan Thế Âm... Một trong những cổ vật ở đây là cái khánh của chùa được chạm trổ tinh xảo hình mặt trời, mặt trăng và các tinh tú khác treo trên một giá gỗ dài 16m, rộng 0,8m. Trong khuôn viên chùa còn có nhiều ngôi bảo tháp cổ phủ màu sương gió, nhiều tiểu cảnh vườn hoa và các đền đài có kiến trúc rất đẹp.

Khi vua Tự Đức lên ngôi đã lâu mà vẫn không có con nối dõi tông đường, vua cho rằng điều đó do ý trời. Năm Tự Đức thứ 15, vua xuống chiếu cấm dùng hai chữ Thiên và Địa để tỏ ý thành kính đối với trời, đất nên chùa Thiên Mụ có tên mới là Linh Mụ. Nhưng sau đó 7 năm, việc kiêng dùng các chữ Thiên xét ra không linh nghiệm, vua vẫn không sinh được một hoàng tử hay công chúa nào nên chữ Thiên được dùng lại.

Cùng chuyên mục