Đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn

Đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sáng ngày 9/12/2023, chư Tôn đức Tăng Ni GHPGVN TP. Hà Nội trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn.

Thực hiện Thông bạch của HĐTS GHPGVN về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, đồng thời thực hiện Nghị quyết của Thường trực BTS GHPGVN TP. Hà Nội, sáng ngày 9/12/2023, tức ngày 27/10/Quý Mão, tại Trường trung cấp Phật học Hà Nội (chùa Đại Từ Ân, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội), chư Tôn đức Tăng Ni GHPGVN TP.Hà Nội trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn.

Chứng minh buổi lễ có: Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN Tp. Hà Nội; Hoà thượng Thích Thanh Chính – Uỷ viên thường trực HĐTS, Phó trưởng ban thường trực BTS GHPGVN Tp. Hà Nội; cùng chư Tôn đức thường trực Ban trị sự và chư Tôn đức đại diện cho 30 quận huyện thị trong toàn thành phố, chư Tôn đức Ban giám hiệu văn phòng và Tăng Ni sinh trường Trung cấp Phật học tp. Hà Nội.

Về phía khách mời có ông Đinh Văn Khoá – Phó trưởng Ban dân vận Thành uỷ; bà Phạm Bảo Khánh – Phó trưởng Ban tôn giáo tp. Hà Nội; ông Dương Ngọc Kiên - Trưởng phòng Phật giáo Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội; ông Ngô Trí Dược - Trưởng phòng PA02 Công an thành phố Hà Nội cùng quý vị đại diện cho các cơ quan chức năng tp. Hà Nội.

Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Đạo Phong - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN Tp. Hà Nội đã ôn lại Tiểu sử Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nhắc mỗi người con Phật khắc ghi hình ảnh vị Hoàng đế anh hùng, người đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông (1258 và 1288), đưa lại độc lập hòa bình cho đất nước.

Sau khi hoàn thành trách nhiệm vẻ vang với dân tộc, năm 1299 Ngài đã về Yên Tử xuất gia tu Phật, thống nhất 3 thiền phái Phật giáo Việt Nam, sáng lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử – nền Phật giáo thống nhất của người Việt với tư tưởng “Hòa quang đồng trần”, “Cư trần lạc đạo”; xây dựng một nền Phật giáo nhập thế yêu nước, tư tưởng đó đã trở thành sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam cho đến tận ngày nay.

Trước khi nhập Niết bàn, Ngài đã để lại bài kệ Pháp Thân Thường Trụ qua sự trả lời cho thị giả hầu cận bên Ngài là Bảo Sát: “Tất cả pháp không sinh. Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vậy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi” (Nhất thiết pháp bất sinh. Nhất thiết pháp bất diệt. Nhược năng như thị giải. Chư Phật thường tại tiền. Hà khứ lai chi hữu).

Tin cùng chuyên mục