Đó là bởi vì, ta dành quá nhiều thời gian để "thương" người đó, để tập trung vào đối tượng đó trong vô thức. Thương họ nhưng ta chưa tỉnh thức, nên mỗi một niệm, một cảm xúc "thương" ta gửi tới họ, ta lại ngầm "đính kèm" theo những mong muốn của ta vào đó.
Mỗi một hành động người đó làm vụng về, vì thương họ thua thiệt với cuộc đời, ta lại ngầm ép họ tinh nhanh. Mỗi một lần nhìn người đó khóc vì đau khổ, ta lại ngầm mong họ được mạnh mẽ. Mỗi một lần thấy họ vất vả, bị bắt nạn, ta lại mong được chở che, gánh đỡ giùm. Hay là khi nhìn họ ốm đau, ta lại xót xa mong sao họ thật mau khỏe lại...
Những mong muốn đó nhìn tưởng rất bình thường, dưới góc nhìn của thế gian, bởi lẽ thương, cho nên mới mong điều tốt đẹp cho người mình thương. Nhưng ta lại chưa thấy được, ngay khi phát khởi những niệm thương đó mạnh mẽ, thì chính ta cũng đang chưa đủ đầy, chưa đủ rộng lớn để ôm ấp yêu thương và ôm ấp cả người mình thương, đặc biệt là khi họ không làm như ý ta muốn.
Vì chưa đủ không gian trong mình, nên ta cũng không đủ kiên nhẫn để cho người thương được "từ từ" trải nghiệm và học bài học của chính họ. Ta luôn ngầm mong họ nhanh chóng được như ta kỳ vọng. Hoặc ta có thể cho họ một khoảng thời gian nhất định, nhưng lại nghĩ đó là đủ và như vậy là mình đã kiên nhẫn và bao dung lắm rồi.
Thay vì tập trung vào đối tượng và mong muốn "độ" cho họ, thì ta hãy "độ" chính niệm thương trong mình.
"Độ" là cứu giúp, nhưng cũng là đưa đi qua, vượt qua, từ bờ bên này qua bờ bên kia. Vậy thì ở đây, ta có thể hiểu "độ" là cho từng ý niệm "thương" đó của mình thêm không gian, để đưa chính ý niệm thương đó của ta từ "bờ" giận quay trở lại "bến" thương.
Khi có đủ không gian để quán chiếu từng niệm "thương" ẩn thật sâu trong từng cảm xúc sân giận, hành động né tránh, hơn thua, lời nói bực dọc, cãi vã, đòi hỏi, ta sẽ thấy rằng, ta đã từng vô thức gửi đi không biết bao nhiêu niệm "thương" có "đính kèm", có điều kiện như vậy mỗi khi tương tác với người.
Khi không còn tập trung vào đối tượng ta thương, mà chỉ còn thấy niệm "thương", ta sẽ lui về không gian trong ta, tự nhiên lúc đó người thương cũng sẽ có thêm nhiều không gian của riêng họ. Đó mới là khi họ hoàn toàn được quyền tự do thoải mái trải nghiệm, học và hành tiếp những bài học của họ.
Trong không gian bình an của chính mình, ta tiếp tục nuôi dưỡng lòng kiên nhẫn và định lực, để "chờ" người thương, dù không còn tập trung vào họ, nhưng ta cũng vẫn hoàn toàn nhạy bén đủ để nghe được dấu hiệu khi nào họ cần sự hỗ trợ từ ta hay ai đó khác, hay là họ đã đủ lực tự đi thật vững chãi bằng chính những trải nghiệm tự thân.
Sân giận chỉ có thể chuyển hóa bằng yêu thương. Và sự kiên nhẫn chính là biểu hiện tột cùng của tình thương.
Sự kiên nhẫn chỉ có thể xuất hiện, khi ta nuôi dưỡng thật nhiều không gian cho mình - là những khoảng không một mình và an lành - cả bên trong lẫn bên ngoài tâm .
Thương người ta nhớ thương ta
Người - ta không khác, chưa xa khi nào
Tỏ rõ ta rồi, thương ta đủ
Tình thương đích thực mới dần hiện ra