Đời sống tâm linh làm nên giá trị người tu

Đời sống tâm linh làm nên giá trị người tu

0:00 / 0:00
0:00
Có một Tăng sinh nọ thường hay nhìn lỗi của người khác rồi nhận xét, phê bình, đánh giá với thái độ bất mãn.

Vị ấy nói nhiều người khác cũng khuyên như vậy, nhưng thú thật là vị ấy không biết tu từ đâu, tu như thế nào. Đây có lẽ cũng là trường hợp của một số Tăng Ni trẻ khác, nói đi tu nhưng không biết rõ tu là làm cái gì.

Dù người mới đi tu hay người đã vào đạo lâu, điều cốt lõi nhất là phải biết đường lối tu tập, cách thức hay phương pháp mà mình sẽ hành trì trong suốt cuộc đời. Nói cách khác, mình phải xác định được mục tiêu đi tu của mình và tu cách nào để đạt đến mục tiêu đó. Đối với một người xuất gia, mục tiêu đó chính là giác ngộ và giải thoát. Nói như vậy chắc sẽ có người hỏi rằng hiện nay thấy Phật giáo làm rất nhiều thứ không liên quan đến giác ngộ và giải thoát thì tại sao nói giác ngộ và giải thoát là mục tiêu duy nhất.

Vâng, Phật giáo hiện nay làm rất nhiều thứ không liên quan đến giác ngộ và giải thoát như từ thiện, phóng sinh, lập trại dưỡng lão, nuôi trẻ mồ côi, mở lớp mầm non..., nhưng phải hiểu rằng đó chỉ là những việc phụ, tùy duyên góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, chứ đó không phải là mục tiêu của người xuất gia. Nếu người tu mà không biết đường lối tu tập, không biết tu là làm gì thì sao gọi là người tu. Và theo lời Đức Phật dạy thì muốn giác ngộ và giải thoát, chứng nhập Niết-bàn, “con đường độc nhất” là quay trở lại thân tâm của mình để mà tu tập.

Nói con đường độc nhất tức là không có con đường khác, không có con đường nào ngoài việc quay trở lại tâm mình. Thông thường người ta chỉ sống với hai thứ là lý trí và tình cảm, đồng thời cho rằng đó là tất cả thế giới tinh thần của con người. Ngoài lý trí và tình cảm ra không còn gì nữa. Nhưng theo đạo Phật thì lý trí và tình cảm chỉ là bề nổi của tâm mà thôi, như sóng là bề nổi của nước vậy. Tu là bỏ qua cái bề nổi đó để trở về và sống với biển cả chân tâm.

Chúng ta thực hiện điều này qua hai hình thức. Một là vẫn hoạt động với lý trí và tình cảm nhưng ta vẫn nhận biết đó chỉ là biểu hiện của chân tâm, như sóng là biểu hiện của nước vậy. Trong khi để cho lý trí và tình cảm hoạt động, ta vẫn không rời chân tâm của mình. Hình thức thứ hai sâu hơn, là ta sống hẳn với chân tâm của mình, sống trực tiếp với nước mà không cần phải thông qua sóng, bởi vì chân tâm của con người đã có đầy đủ tất cả trong đó rồi, bao gồm cả lý trí và tình cảm. Tất nhiên, cái gọi là lý trí và tình cảm trong chân tâm không giống như lý trí và tình cảm thông thường mà mọi người đang sống. Trong chân tâm, con người vẫn có tình cảm, nhưng đó là lòng từ bi.

Trong chân tâm, con người vẫn biết mọi thứ, nhưng đó không phải là cái biết do học hỏi từ bên ngoài mà là cái biết tự thân. Cái biết từ bên ngoài của lý trí chỉ biết hình thức của đối tượng và theo nghĩa quy ước, còn cái biết của chân tâm là biết bản chất của đối tượng như chính bản thân sự vật đang là. Cũng giống như trường hợp của ngài A-na-luật, tuy mù cả hai mắt nhưng vì đã chứng được thiên nhãn thông nên vẫn thấy như người sáng mắt, hay như Lục tổ Huệ Năng tuy không biết chữ mà không có cái gì lại không biết. Đó là cái thấy, cái biết từ chân tâm vậy.

Người tu quý ở cái gì? Không phải ở cái giàu có, nhiều bằng cấp hay địa vị cao mà là đời sống tâm linh. Cái giá trị của người tu là ở đời sống tâm linh, là ở chỗ dám buông bỏ tham sân si và mọi sở hữu thế gian.

Thật ra đây cũng chính là giá trị làm nên một người tu đích thực, tức là sự tu tập tâm linh. Nói đến tôn giáo là nói đến tâm linh. Tâm linh là linh hồn của tôn giáo. Tôn giáo mà không có tâm linh hay không còn tâm linh thì đó chỉ là cái xác không hồn. Tâm linh ở đây không hiểu theo nghĩa tôn thờ một vị thần linh hay thượng đế để cầu nguyện ngài che chở ban ơn và rước về sau khi chết. Tâm linh ở đây là chỉ cho cái tánh linh sẵn có trong mỗi chúng sinh, cái mà chúng ta thường gọi là Phật tánh, chân tâm, bản lai diện mục...

Có người nhận định rằng Phật giáo không phải là tôn giáo, do vậy không nên nói đến tâm linh. Thật ra tất cả cũng chỉ là khái niệm. Điều quan trọng là chúng ta có hiểu rõ vấn đề hay không mà thôi. Nếu hiểu rõ thì không chấp nơi khái niệm, còn không hiểu thì có nói hay làm gì thì cũng là mê tín mà thôi. Chữ tâm linh mà người viết dùng ở đây là chỉ cho sự tu tập để tiến sâu vào cõi tâm với mục tiêu là đạt đến sự giác ngộ. Những ai tu tập về tâm với mục đích giác ngộ đều gọi là những người theo đuổi con đường tâm linh.

Khi nói tâm linh là để phân biệt với những thứ không phải tâm linh. Người nào mà những việc làm có xu hướng hướng vào tâm, khám phá tâm và phát triển năng lực bên trong của tâm thì người đó được gọi là người có đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh thấp hay cao tùy thuộc vào họ đi trên con đường đó bao xa. Còn những thứ không phải tâm linh thường hướng ra và tìm kiếm ở bên ngoài, có được từ bên ngoài, như tri thức, khoa học, công nghệ...

Những thành tựu từ bên ngoài này chỉ có thể đáp ứng nhu cầu đời sống bình thường của con người như ăn, mặc, ở, làm việc, giải trí và không thể giúp con người giải thoát khỏi khổ đau. Trong khi đó người có đời sống tâm linh sẽ phát huy được những năng lực siêu nhiên mà trong kinh Phật gọi là Tam minh và Lục thông, có thể giải thoát khỏi những ràng buộc, khổ đau do đoạn trừ hết phiền não. Xin lưu ý rằng, ở đây tôi không hề đề cao hay ca tụng các năng lực siêu nhiên. Những năng lực này chỉ là hệ quả tất yếu của sự tu tập tâm linh, là dấu hiệu cho biết hành giả đã có thành tựu trong sự tu tập của mình.

Người tu quý ở cái gì? Không phải ở cái giàu có, nhiều bằng cấp hay địa vị cao mà là đời sống tâm linh. Cái giá trị của người tu là ở đời sống tâm linh, là ở chỗ dám buông bỏ tham sân si và mọi sở hữu thế gian. Nếu người đời làm giám đốc ta cũng làm giám đốc, người đời làm tiến sĩ ta cũng làm tiến sĩ, người đời làm chức nọ chức kia ta cũng chức kia chức nọ thì ta đâu có hơn họ cái gì. Đó là chưa kể những thứ đó ai ban cho ta, phải chăng là người thế gian?

Và như vậy hóa ra ta còn thua họ nữa. Nói như vậy không có nghĩa là những thứ này là sai trái mà chỉ là, nếu ta cho rằng đó là mục đích cứu cánh của đời tu, và nhất là phải đạt cho được những thứ đó bằng mọi giá thì không nên. Chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật của chúng ta là bậc thầy của trời người. Chúng ta tuy không phải là thầy của trời người như Đức Phật nhưng cũng là hàng Chúng trung tôn, là một trong ba ngôi quý báu ở thế gian. Đã thế mà ta lại khúm núm trước người thế gian, xin họ ban cho ta cái này cái kia thì chẳng phải là hạ thấp mình quá lắm sao?

Có người hỏi Thiền sư Ajahn Chah, rằng “có nên đọc thật nhiều và nghiên cứu kinh điển như một phần của việc hành thiền?”. Ajahn Chah đáp: “Chúng ta không thể tìm thấy Phật pháp trong kinh sách. Nếu bạn thật sự muốn tự mình thấy được những gì Đức Phật đã thuyết giảng, bạn không cần phải bận tâm nhiều đến kinh sách. Hãy quan sát tâm của bạn. Quan sát để thấy cảm thọ sinh diệt như thế nào, các niệm sinh diệt như thế nào. Đừng dính mắc với bất cứ cái gì. Chỉ cần tỉnh giác về bất cứ điều gì đang xảy ra. Đây là con đường đi đến chân lý của Đức Phật” (Hỏi đáp với nhà sư Ajahn Chah – Jack Kornfield – Hoang Phong chuyển ngữ).

Vâng, nếu bạn chưa biết tu là như thế nào, thì đây, hãy trở về sống với chân tâm của mình, với tánh biết sáng suốt và sẵn có nơi mình. Đó là việc mà bạn có thể làm suốt đời, và cũng là con đường độc nhất để giác ngộ mà Đức Phật đã dạy. Và hãy nhớ rằng chỉ có đời sống tâm linh này thôi mới làm cho một người tu có giá trị thật sự.

Tin cùng chuyên mục