Cung nghinh Đức Pháp chủ và chư vị giáo phẩm Hội đồng Chứng minh GHPGVN quang lâm lễ đường Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ.

Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sáng ngày 26/4, tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (khu vực 12, P.Châu Văn Liêm, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) đã trang nghiêm tổ chức lễ khánh thành trai đường sau 4 năm xây dựng thành tựu.

Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã quang lâm tham dự và đạo từ; Hiện diện tại buổi lễ còn có Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ GHPGVN, cùng chư tôn đức Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; chư vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Đào Như, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Thượng tọa Thích Thanh Phong; cùng chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện T.Ư; Ban Trị sự Phật giáo TP.Cần Thơ, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước, chư Tăng Nam tông Khmer, cùng các hệ phái Khất sĩ, Nam tông kinh các tỉnh thành Nam bộ, và chư Tăng đến từ các nước châu Á.

Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ ảnh 1

Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ GHPGVN tặng hoa chúc mừng của Hội đồng Chứng minh.

Về phía chính quyền có sự tham dự của ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ; ông Lê Minh Khánh, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ; cùng lãnh đạo T.Ư, TP.Cần Thơ và địa phương sở tại.

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trưởng ban Tổ chức cho biết Học viện được Chính phủ cho phép thành lập năm 2006, được UBND TP.Cần Thơ cấp đất 6,7 ha tọa lạc tại khu vực 12, P.Châu Văn Liêm, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ.

Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ ảnh 2

Hòa thượng Đào Như phát biểu khai mạc.

Năm 2016, Học viện đã nhận 4,5 ha; được UBND thành phố giao cho Viện Kiến trúc xây dựng hỗ trợ thiết kế mô hình, bảng vẽ tổng thể công trình kiến trúc, theo đó gồm có 14 hạng mục, hài hòa trong mật độ cây xanh, cầu lộ trong khuôn viên Học viện theo quy hoạch.

Ngày 25-3-2017, Học viện tổ chức lễ đặt đá đầu tiên được xem là mốc quan trọng trong việc mở đầu xây dựng Học viện là cơ sở đào tạo Tăng sinh. Dưới sự vận động xã hội hóa, sự tài trợ của T.Ư GHPGVN vận động Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup cúng dường công đức xây dựng đến nay đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng Khu hiệu bộ.

Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ ảnh 3

Chư Tăng, lãnh đạo Trung ương và TP.Cần Thơ tham dự buổi lễ.

Công trình trai đường và nhà bếp đến nay đã hoàn thành như ý nguyện. Theo đó, trai đường có tổng diện tích khuôn viên là 3.600 m2. Kết cấu xây dựng do Viện Kiến trúc xây dựng TP.Cần Thơ đảm trách. Mỹ thuật hoa văn do nghệ nhân Lý Lết chịu trách nhiệm; phụ trách thi công là nhóm thợ nội bộ cùng chư Tăng và Phật tử Ô Môn.

Được biết kinh phí xây dựng do T.Ư GHPGVN và một số Phật tử phát tâm cúng dường tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng, Phật tử Lê Thị Giàu cúng dường thêm 2.000 m2 đá granite.

Hòa thượng Đào Như cho biết trong thời gian tới, Hội đồng Điều hành Học viện sẽ tiếp tục hoàn thiện công trình chánh điện, và bày tỏ mong muốn nhận được sự phát tâm ủng hộ của chư tôn đức và các nhà hảo tâm để công trình xây dựng sớm được hoàn thành.

Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ ảnh 4

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu tại buổi lễ.

Dịp này, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng đã trao tặng Bằng tuyên dương công đức cho 3 tập thể và 17 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong các Phật sự Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ.

Phát biểu đại diện chính quyền, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đánh giá qua 17 năm thành lập và phát triển, Học viện đã không ngừng nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục chuyên nghiệp trong lĩnh vực Phật học, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng Tăng tài và hơn hết là đáp ứng nguyện vọng của Sư sãi, chư Tăng và đồng bào dân tộc Khmer, đồng thời góp phần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer.

Ông Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ ghi nhận những đóng góp quan trọng của GHPGVN, các Tăng Ni, Phật tử các nhà hảo tâm, chư Sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, đặc biệt là sự nỗ lực của Hòa thượng Đào Như cho các thành tựu về kiến thiết cơ sở của Học viện.

Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ ảnh 5

Đức Pháp chủ GHPGVN ban đạo từ tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Thực Hiện bày tỏ, sau lễ khánh thành, GHPGVN, chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer, cùng các cấp, các ngành sẽ tiếp tục quan tâm về mặt vật chất lẫn tinh thần để hoạt động học viện ngày một phát triển, đào tạo được nhiều vị Tăng tài, công dân giỏi của đất nước.

Ban đạo từ tại buổi lễ, Đức Pháp chủ GHPGVN nhấn mạnh giáo dục là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của GHPGVN và cũng được Đức Phật đặt lên hàng đầu lúc ngài tại thế.

Đức Pháp chủ đã dẫn lại câu chuyện thời Phật, ngài đã có những lời khuyên đối với vua Tần-bà-sa-la của xứ Ma-kiệt-đà về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức và xem đó là điều quan trọng nhất trong việc xây dựng đời sống hạnh phúc, xã hội ổn định và đất nước thanh bình.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục Phật giáo bắt đầu từ chư Tăng, là người sống kiểu mẫu, phạm hạnh, không có tài sản riêng chỉ một lòng hướng về xây dựng xã hội lành mạnh, an bình. “Và từ đó nhiều vị vua ở vùng này đều quy y và xây dựng xã hội theo tinh thần đạo đức mà đức Phật đã dạy”, ngài nói.

Ngài cũng nhắc lại lịch sử 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam, theo đó nhận định Phật giáo đã hòa nhập, gắn bó mật thiết với đời sống xã hội ở nước ta một cách sâu sắc, có những thời kỳ Phật giáo hưng thịnh và tương ứng với sự phát triển của đạo đức trong xã hội.

Trong bối cảnh mới thống nhất, GHPGVN ra đời, Đức Đệ tứ Pháp chủ nhắc lại những đề nghị của Đức Đệ nhất Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận trực tiếp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong đó có việc cho Phật giáo được mở trường Phật học và đó là nhân duyên cho Trường Cao cấp Phật học Việt Nam ra đời, sau này trở thành các Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội, Huế và TP.HCM; sau này có thêm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ.

Đức Đệ tứ Pháp chủ truy tán công đức của cố Đại lão Hòa thượng Danh Nhưỡng, Phó Pháp chủ GHPGVN trong những ngày đầu sáng lập và đặt nền móng cho Học viện Nam tông Khmer tại vùng đất Ô Môn của TP.Cần Thơ. Ngài cũng tán thán sự tiếp nối xuất sắc của Hòa thượng Đào Như và chư vị giáo phẩm Hội đồng Điều hành để Học viện Phật giáo Nam tông Khmer có một diện mạo như hôm nay.

“Tôi kỳ vọng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ không chỉ đào tạo chư Tăng Nam tông Khmer tại miền Tây Nam Bộ mà còn kết nối với tất cả các nước ở trên thế giới, trong hệ thống giáo dục tiếng Pali”, ngài nói.

Đức Pháp chủ GHPGVN cho biết ngài vừa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu tại New Delhi, Ấn Độ; trong phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có đề nghị trường đại học Nalanda của Ấn sẽ kết nối với tất cả các trường Phật giáo trên thế giới cùng nhau hợp tác nghiên cứu, để xây dựng một nền đạo đức cho nhân loại.

Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ ảnh 6

Chư tăng tham dự.

“Tôi nghĩ Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ chắc chắn có điều kiện tốt để kết nối với các tổ chức trên thế giới, nếu trường nâng cấp lên chư Tăng có trình độ Pali và Anh ngữ thì mối quan hệ giữa ta và quốc tế sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho Phật giáo và cho đất nước”, Đức Pháp chủ - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng gửi gắm.

Dịp này, Đức Pháp chủ GHPGVN cũng đã cúng tịnh tài 100 triệu đồng góp phần đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Nam tông Khmer. Hòa thượng Đào Như thay mặt trân trọng đón nhận.

Buổi lễ kết thúc với cảm tạ của Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ; sau đó chư vị giáo phẩm cao cấp Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và lãnh đạo TP.Cần Thơ… đã cùng cắt băng khánh thành trai đường trong niềm hoan hỷ chung.

Trước đó, Học viện lần đầu tiên tổ chức pháp hội đặt bát theo truyền thống Nam tông với sự tham dự của 3.000 vị sư Việt Nam và từ nhiều quốc gia trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục