Hãy thương quý mạng sống chúng sinh

Hãy thương quý mạng sống chúng sinh

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Dù biết rằng con người không ai thoát khỏi vòng sinh lão bệnh tử, ai cũng sẽ đối mặt với ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, nhưng nếu chúng ta làm lành, tránh dữ, tránh sát hại chúng sinh thì những rủi ro nó sẽ nhẹ đi một chút, hoặc khi mình đã từ giã cõi đời rồi cũng không còn phải mang nợ thân, mạng với chúng sinh.

Con người khi mất đi, vẫn còn nghiệp lực theo quy luật luân hồi, có những phong tục cúng vong linh bởi con người luôn phải tái sinh qua nhiều kiếp, thân mạng con người cũng sẽ trải qua nhiều hình hài khác nhau. Vốn dĩ con người được hợp lại từ bốn yếu tố lớn nên được gọi là thân tứ đại, là sự cấu hợp liên tục của ngũ uẩn, tức là những yếu tố sinh lý, tâm lý (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Vì thế con người khi mất đi mọi thứ chưa phải là hết mà tùy theo nghiệp lực để tái sinh và chịu vòng luân hồi sinh tử theo quy luật.

Đó là con người, còn con vật thì sao? Nhà Phật nhắc nhở chúng ta “tất cả chúng sinh đều quý trọng sự sống”, vì sự chuyển kiếp nên phải sinh ra và mang nhiều thân mạng khác nhau, khi mất đi thân mạng con vật cũng theo quy luật đó.

Tôi xin kể những câu chuyện sau đây, nó là câu chuyện thật từ những gì tôi đã nhìn thấy ở xung quanh mình, nó là bằng chứng cho thấy rằng “sát hại chúng sinh sẽ gieo tội lỗi rất lớn mà ngày nay quả báo không đợi đến kiếp sau”.

Câu chuyện cách đây khoảng 20 năm, ở gần nhà tôi có một người đàn ông chuyên bán chó, ông nuôi những con chó rồi bán đi, không kể là chó mẹ hay chó con, có khi bán cả đàn, có khi bán con chó đã lớn, thậm chí mới đẻ, có một chú chó đực, người chủ này không cho ăn, thế là mỗi ngày nó qua nhà tôi xin ăn, nhà tôi cho nó ăn xong thì nó chạy về nhà chủ. Một hôm, tôi không thấy nó chạy qua nhà tôi xin ăn nữa, hỏi ra thì mới biết người chủ đã bán nó cho những người thu mua chó rồi. Lúc đó tôi rất buồn, tôi cảm thấy người chủ đó thật độc ác, đã không cho ăn uống lại còn bán nó cho người ta giết thịt. Thế nhưng không bao lâu sau, khi ông vừa bước qua tuổi 40 thì ông bị đột quỵ, nghe vợ ông nói là ông bị nặng lắm, tưởng không qua khỏi, sau này đi lại được nhưng ông cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, không nói chuyện được nữa, người thì yếu ớt, cứ đi lang thang ngoài đường, người ta thấy và hỏi chuyện nhưng ông cũng không biết gì, cũng không trả lời được.

Người đàn ông thứ hai là anh trai của người này, cũng ở gần nhà tôi, mỗi buổi tối, ông thường mang vợt điện ra sông chích cá, người ta nói buổi tối cá tôm đang ngủ mà đi bắt giết nó thì mang tội, ông cũng hành nghề khá lâu, tuy nhiên cũng chỉ vừa bước qua tuổi 50 thì ông cũng bị đột quỵ không đi đứng bình thường được nữa, ông mất sau đó không lâu.

Người đàn ông thứ ba cũng ở trong làng tôi, ông hành nghề giết mổ lợn, thế nhưng một thời gian sau, khoảng ngoài 50 tuổi, tôi thấy ông ngồi xe lăn và đi bán vé số, hỏi ra mới biết là ông cũng bị bệnh không đi được nữa và phải ngồi trên xe lăn đến suốt cuộc đời.

Một người thứ tư, đó là người nuôi gà đá, ông thường cho người ta đến để đem những con gà trống đá độ với nhau, dân đá gà có một cái trò đó là họ gắn vào cựa con gà một mảnh sắt hay thiết bị gì đó rất nhọn để khi đá, nó có thể nhanh chóng sát thương và hạ gục đối thủ. Tuy nhiên một ngày, tôi nghe gia đình tôi kể lại là đêm đó ông bị lên cơn đau tim, không thở được dù trước đây ông rất khỏe mạnh, ông mới chỉ ngoài 40 tuổi, chưa từng có tiền sử tim mạch. Ông được đưa vô bệnh viện và bác sĩ chẩn đoán là bị tim nặng, phải mổ khẩn cấp. Lúc ông mổ và nằm trong phòng hồi sức đặc biệt, tôi có vào thăm ông vì thật ra khi còn khỏe, ông cũng thương quý gia đình tôi. Khi xuất viện về, ông có đến nhà tôi chơi và kể là người ta mổ mà ông tưởng chết đi sống lại, lúc đó ông nói “biết mổ đau như vậy thà chết còn sướng hơn” và nếu ca mổ kéo dài thêm một phút nữa là ông chết chứ không chịu nổi vì đau quá. Từ đó trở đi, ngày nào ông cũng phải uống thuốc trợ tim và cũng không còn nuôi gà đá nữa.

Đó là những câu chuyện có thật mà tôi đã tận mắt nhìn thấy, chứng kiến kết cuộc của những người sát sinh và có những việc làm không tốt với loài vật. Và vì sao tôi cho rằng loài vật có tâm thức, có linh cảm? Đó là câu chuyện xảy ra với chính bản thân tôi.

Nhà tôi có nuôi rất nhiều chó mèo, những con mèo con sinh ra thường nó sẽ hiền ngoan nhút nhát không dám rời khỏi ổ, tuy nhiên một hôm, khi tôi mở cái tấm che ổ mèo ra thì có một con mèo con nó vụt chạy thật nhanh, tôi cố sức chạy theo để bắt nó cũng vẫn không kịp, lúc đó nó chui ra hàng rào và chạy băng qua đường, nó chui vào bụi tre lớn phía trước nhà rồi mất hút. Tôi nhớ lúc đó là tầm 7 giờ tối, tôi vội chạy ra ngoài bụi tre, nhưng chỗ này nó có một vị trí rất khó khăn, đó là ngoài sau bụi tre là một nhánh rẽ con sông, sau này người ta ngăn nước lại và làm thành chỗ đổ rác rưới. Lá cây trên những tầng cây cao cùng với lá tre, qua nhiều năm đã rụng dày cộm bên dưới chỗ nhánh sông này, và những cây cỏ dại, cây khô, rác rưới quện vào nước mưa ẩm mục, lúc đó trời rất tối và cây cối xung quanh thì phủ như đám rừng, tôi lội xuống bên dưới đống rác rưới đó mà thật lòng tôi cũng không biết bên dưới nó có cái gì, rắn rết hay thứ gì người ta quăng xuống hay không, hơn 20 phút tôi bươi móc cái bụi tre cứng ngắt và đầy lá cây, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng nó kêu “meo meo”, tôi lần theo dấu vết để đào bới vẫn không thấy nó đâu và tôi đứng suốt bên dưới con sông ngập đầy lá cây và rác ẩm mục đó, tôi đào đến nỗi tay chân tôi bị trầy xước bởi mấy cái cây tre khô đâm vào nhưng rồi tôi vẫn không thể tìm ra được con mèo. Tôi đành quay trở vào nhà nhưng tôi không bỏ cuộc, và tôi quyết định sáng hôm sau tôi sẽ ra tìm lại nó.

Sáng hôm sau, tôi quay lại cái bụi tre vào lội xuống con rạch này lần thứ hai, lúc này tôi mới nhìn thấy những ổ kiến đủ loại nó bò tràn ngập dưới lớp rác và lá cây ẩm mục, tôi nghĩ nếu tôi đặt chân xuống chắc nó cắn nát chân tôi mất, nhưng tôi vẫn đánh liều bước xuống và cầu nguyện cho tôi tìm được con mèo. Đêm qua trời mưa rất lớn, tôi cũng không biết nó còn sống hay không, và nước mưa ngập bên dưới lớp lá, rác rưới nhơm nhớp. Tôi tiếp tục lấy cây đào bới, sau một hồi dọn hết đống cây mục và đào bới vào tận bên trong đám rễ tre, tôi mừng quýnh khi thấy con mèo con, nó vẫn còn sống và không hề bị ướt vì nó núp sâu bên trong lớp rễ. Lúc này tôi mới ẵm con mèo đi ra. Tôi đã đứng bên dưới lớp rác rưới, bùn sình đó khoảng gần 30 phút để đào bới, đứng dưới lớp kiến đen đặc, tôi nghĩ nó đã có từ đêm hôm qua, mà thật lạ là không có một con kiến nào bu lên chân tôi để cắn cả.

Tôi cảm thấy ngạc nhiên và tôi tin vào tâm linh cũng như cảm thức của loài vật, tôi nghĩ nếu mình làm điều thiện thì ngay cả con vật dù nhỏ bé nó cũng không làm hại đến mình, và đó là lý do vì sao mà từ đó trở đi, tôi không giết hại đến con kiến nào, trừ trường hợp bất khả kháng không thể cứu được.

Tôi có một chiếc bàn nhỏ trong phòng, trên đó tôi đặt một tượng Phật và ngồi đọc Kinh mỗi tối, có một điều kỳ lạ là những con vật nhỏ sống trong nhà tôi, khi nó vãnh sinh, nó lại bò lên trên bàn Phật, quay đầu về tượng Phật vãng sinh mặc dù bình thường nó bò và ẩn nấp trong hốc kẹt nào đó không ai nhìn thấy, tôi đã thấy điều này 2 lần. Chính vì những hiện tượng, câu chuyện đó, đã cho tôi một lòng tin rằng “con vật vẫn có cảm thức, có tâm linh” dù là con vật nhỏ nhoi đi nữa, vì thế chúng ta hãy luôn đối xử với loài vật bằng lòng từ bi, tôn trọng sự sống của loài vật để chính bản thân mình không gặp phải những chuyện đáng tiếc.

Mặc dù biết rằng con người ta không ai thoát khỏi vòng sinh lão bệnh tử, ai cũng sẽ đối mặt với ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình, nhưng nếu chúng ta làm lành, tránh dữ, tránh sát hại chúng sinh thì những rủi ro nó sẽ nhẹ đi một chút, hoặc khi mình đã từ giã cõi đời rồi cũng không còn phải mang nợ máu với chúng sinh.

Tôi cảm nhận rằng “nghiệp sát sinh và tàn phá đời sống, sinh mạng giống loài là hành vi ác nhất, nặng nghiệp nhất” vì cho dù chúng ta có làm phước bao nhiêu đi nữa, bằng hình thức nào đi nữa mà một khi chúng ta không có lòng thương với chúng sinh, chúng ta thản nhiên trước sự đau đớn của loài vật, sát hại loài vật thì bao nhiêu cái phước, cái thiện mình làm nó cũng tan biến hết bởi tôi nghĩ “một chúng sinh mang thân mạng loài vật tức là đang phải mang sự đau khổ, oan nghiệt nhất rồi”, mà chúng ta còn tiếp tay để hành hạ, sát hại trong sự bất lực, yếu thế của chúng là chúng ta đang gieo vào thân mạng của loài đó thêm những đau đớn, khốn khổ thì cái nghiệp đó mình mang sẽ rất nặng, nó có thể thiêu rụi hết mọi công đức mà mình tạo ra.

Có thể tôi không tin mọi thứ đều mang lại nhân quả nhưng hành vi gây tổn hại đến thân mạng chúng sinh là điều tôi tin nhân quả báo ứng là có thật và tôi chỉ có một mong ước, nguyện cầu là làm sao để mỗi người chúng ta hãy nuôi dưỡng được phật tính của mình bởi ngay cả loài côn trùng nó cũng còn yêu thích sự sống thì lẽ nào con người chúng ta lại nhẫn tâm, vô cảm trước sự sống của chúng sinh?!

Theo Võ Đào Phương Trâm

Tin cùng chuyên mục