Nhân kỷ niệm 690 năm Ngày Thiền sư Pháp Loa - Đệ nhị tổ Trúc Lâm viên tịch, trường Đại học Quốc gia Hà Nội (đầu mối là Viện Trần Nhân Tông) và UBND tỉnh Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử từ ngày 10/12 - 12/12/2020.
Về dự Hội thảo có HT. Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS TƯ GHPGVN, HT. Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban TTTT TƯ GHPGVN, Viện trưởng Phân viện NCPH Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học, HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN; HT. Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS, trưởng Ban từ thiện xã hội GHPGVN, TT. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN.
Về phía Ban Tôn giáo Chính phủ có bà Trần Thị Minh Nga, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ. Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS, TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Trần Nhân Tông cùng đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử của trung ương và địa phương. Về phía tỉnh Quảng Ninh có bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan.
Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), tục danh là Đồng Kiên Cương, là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với 47 năm trụ thế, 26 năm tu đạo - hành đạo, Thiền sư Pháp Loa đã kế thừa và phát triển sự nghiệp mà Sơ tổ Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã tạo lập, góp phần quan trọng trong việc hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, có đóng góp to lớn không chỉ đối với Phật giáo Việt Nam, mà còn đối với lịch sử - văn hóa dân tộc Việt Nam.
Thiền sư đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo pháp và nhân sinh, góp phần xây dựng, phát triển mô hình Phật giáo Trúc Lâm mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Đồng thời, Thiền sư đã có những đóng góp quan trọng trong tổ chức Giáo hội Phật giáo một cách có hệ thống, lập sổ bộ Tăng Ni và tự viện trong cả nước, góp phần vào việc phát triển nhanh chóng đông đảo người xuất gia, quy y học đạo; chú trọng chăm lo việc mở giảng các lớp thuyết pháp về Phật giáo; chú giải nhiều kinh điển, viết nhiều sách giáo khoa Phật học, đặc biệt là ấn hành Đại Tạng Kinh, một tác phẩm quan trọng của Phật giáo tại Việt Nam.
Ngoài ra, Đệ Nhị tổ Pháp Loa đã quy tụ được nhiều Phật tử trong cả nước, đẩy mạnh phong trào tu học rộng rãi trong xã hội; nhiều chùa, tháp được xây dựng, trùng tu; đúc hàng nghìn tượng Phật là những di sản quý báu của nhân dân bao đời nay. Ngài đã để lại dấu ấn đặc biệt trong việc thành lập các trung tâm, học viện Phật giáo, các cơ sở Phật giáo tiêu biểu của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử…
Cuộc đời tu học và hành đạo của Thiền sư Pháp Loa
Hội thảo đã nhận được gần 100 bài tham luận từ các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà trí thức Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các đơn vị khoa học trên cả nước. Các bài tham luận đã đi sâu vào các nội dung thuộc chủ đề Hội thảo, cung cấp thêm những cách tiếp cận mới, tư liệu mới, nhận thức - đánh giá mới về sự nghiệp, di sản, vai trò, ảnh hưởng của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Thiền phái Trúc Lâm nói chung đối với quá khứ, hiện tại và định hướng tương lai. Nhiều bài tham luận không chỉ đề xuất quan điểm, giải pháp bảo tồn, quảng bá các di sản, di tích liên quan đến Thiền sư Pháp Loa, các giá trị di sản tư tưởng - văn hóa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mà còn tư vấn, kiến nghị chính sách khai thác, phát huy nguồn lực lịch sử - văn hóa đặc sắc, phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hóa - con người của địa phương.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Trần Nhân Tông cho biết, Thiền sư Pháp Loa quê quán tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, bên sông Nam Sách nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tục danh của Thiền sư là Đồng Kiên Cương. Tên của Thiền sư gắn với những tình tiết thần kỳ còn truyền lại về việc bà mẹ sinh hạ ông. Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), Sư 21 tuổi. Năm này Thiền sư có nhân duyên được gặp Nhân Tông Điều Ngự khi xa giá Điều Ngự đến sông Nam Sách và trở thành đại đệ tử của Ngài. Sư được Điều Ngự Trần Nhân Tông đặt hiệu là Thiện Lai, chỉ dạy, khai ngộ và sau truyền y bát cho Thiền sư.
Nói tới Thiền sư Pháp Loa, người ta nhắc tới một nhà tu hành chứng đắc, có tổng kết và truyền thụ kinh nghiệm tu tập cho các thế hệ học trò. Thiền sư là một biểu tượng quy tụ, truyền đăng tục diệm, phát triển Phật giáo Trúc Lâm, một khâu truyền thừa quan trọng và xuất sắc làm phát triển Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam nói chung, góp phần làm nên những đỉnh cao của Phật giáo đời Trần. Đồng thời, kế thừa và phát triển Thiền Trần Nhân Tông, làm cho những tinh thần và ý tưởng của Trần Nhân Tông rạng tỏa và phát triển, cả hai phương diện kế khai đều xuất sắc.
Thiền sư Pháp Loa là một nhà tổ chức tài năng của giáo đoàn Trúc Lâm, nhà hoằng pháp rất hiệu quả và có ảnh hưởng xã hội sâu rộng, một nhà hoạt động xã hội rất có ảnh hưởng đời Trần. Thiền sư là học giả, người chủ trì việc soạn sách, in kinh, dịch kinh, giảng kinh. Thiền sư là một nhà tư tưởng có nhiều đóng góp cho sự tiếp nối tư tưởng Phật giáo Việt Nam giai đoạn rực rỡ nhất, phát triển tư tưởng Thiền, dung hợp Thiền Mật... Trong Thiền phái Trúc Lâm, Thiền sư có vai trò rất nổi bật.
Tôn giả Pháp Loa: Nhị tổ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, Hội thảo được tổ chức tại thị xã Đông Triều - vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi thánh địa của Nhà Trần, một trong những triều đại rực rỡ nhất, cũng là nơi ghi dấu những sự kiện gắn liền với sự ra đời, phát triển của Thiền phái Trúc Lâm.
Quần thể khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là một trong năm di tích cấp quốc gia đặc biệt, nằm trong 632 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; thuộc không gian linh thiêng của 14 di tích với quần thể kiến trúc, văn hóa rộng lớn trải khắp sườn đông và tây Yên Tử đang được tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang tích cực triển khai xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích danh thắng Yên Tử để trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản văn hóa thế giới.