Đứng trên đỉnh Thăng Thiên ta nhìn thấy dòng Lam giang uốn lượn, phóng tầm mắt say ngắm toàn cảnh Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Vinh, Nghi Lộc và Hòn Ngư, Hòn Mắt, Hòn Mê ở biển Đông. Đứng ở sân chùa ta nhìn thấy vùng đất rộng lớn từ Đức Thọ, Hồng Linh, Nghi Xuân và ta sẽ được nhìn rõ hơn dãy Hồng Lĩnh, dãy Thiên Nhẫn. Do nhu cầu phục dựng ngôi chùa cổ Đại Tuệ, các Phật tử Nghệ An mời một số nhà tu hành am hiểu lịch sử Phật giáo đi điền dã khảo cứu và đi đến quyết định tạo lại pho tượng Phật Mẫu Bát Nhã (vào thời Bắc thuộc ở đây có một ngôi chùa cổ thờ Phật Mẫu Bát Nhã, tượng nay không còn).
Pho tượng Phật mẫu Đại Tuệ (Trí tuệ là mẹ sản sinh ra Phật, có nghĩa là nhờ vào trí tuệ sáng soi lộ trình tu tập giải thoát giác ngộ, nên có thể chứng đắc được quả vị Phật, hay còn gọi Phật mẫu Ma ha Bát nhã Ba la mật đa là trí tuê lớn đưa con người sang bờ giác ngộ giải thoát). Pho tượng được thực hiện dựa trên ý tưởng Đức Phật tuyên thuyết Kinh Đại thừa Phật mẫu.
Chùa cổ Đại Tuệ thờ Phật Bà Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiến, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật bà Đại Tuệ. Cấu trúc chùa gồm : bảo tháp Đại Tuệ cao chín tầng với chiều cao 32m thờ thất Phật thế tôn và Phật Mẫu Đại Tuệ, Phật Di Lặc, Đại hùng Bảo Điện 2 tầng với diện tích 1200m2, nhà Tổ đường diện tích 300m2, nhà thờ Ngũ đế diện tích 300m2, nhà kỷ niệm đường 250m2, Hồ Tiên (ao sen) diện tích 500m2 cùng với khu Tăng xá…
Pho tượng Phật Mẫu Đại Tuệ có tên đầy đủ là Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa đúc bằng chất liệu đồng đỏ chất lượng cao, cao 2,30m, bệ rộng 1,15m, nặng 1.100kg. Tượng được đúc tại xưởng Đoàn Kết – Nam Định tháng 7/2011 và rước lên thờ tại chùa Đại Tuệ ngày 8/12 âm lịch 2011 nhân ngày Đức Phật thành đạo.
Chùa hiện tại nằm trên khuôn viên khoảng 600m2, ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển trong một không gian tĩnh lặng, cảnh vật thơ mộng mang lại cảm giác thanh tịnh với những ai hành hương đến chùa.
Một số hình ảnh ghi lại chùa Đại Tuệ: