Ngôi cổ tự huyền bí bậc nhất trấn Sơn Nam

Ngôi cổ tự huyền bí bậc nhất trấn Sơn Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hiện nay cả hai chùa Keo đều lưu giữ nhiều di vật quý giá chứa đựng những điều huyền bí gắn liền với cuộc đời Thiền sư Không Lộ.

Không chỉ là một danh tích gắn liền với cuộc đời tu Phật của vị thiền sư nổi tiếng Dương Không Lộ, chùa Keo còn là nơi nắm giữ hai bảo vật hiếm có của nước Nam.

Chùa Keo Thái Bình gọi là 'Keo trên' để phân biệt với 'Keo dưới' là chùa Keo Nam Định.

Vì sao có hai chùa Keo?

Nói tới chùa Keo, thường giới Phật tử sẽ băn khoăn tự hỏi là chùa Keo nào? Bởi ở Việt Nam có tới hai chùa Keo, mà hai chùa Keo đều thuộc hàng linh tích hiếm có, đều gắn liền với sự tích thiền sư Dương Không Lộ và đều nằm trên dải đất của trấn Sơn Nam xưa.

Đại đức Thích Tâm Hiệp (nhà nghiên cứu Phật giáo) cho biết, thiền sư Dương Không Lộ quê làng Giao Thủy, phủ Hải Thanh (sau lại đổi là Thiên Trường), Nam Định. Ông sinh tại quê mẹ là làng Hán Lý, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vào niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) đời Lý Thái Tổ.

Gia đình Dương Không Lộ sống ở làng Giao Thủy, chuyên nghề chài lưới ven sông. Khi lớn lên, ông lấy việc câu cá, quăng chài làm vui và thường du ngoạn nhiều nơi, tùy hứng ngâm vịnh thi ca. Năm Giáp Thân (1044) triều Lý Thái Tông, ông 29 tuổi đã bỏ nghề đánh cá để theo học đạo thiền và trở thành tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông.

Năm Đinh Dậu (1057) ông chuyển sang theo học thiền phái Thảo Đường và được nhận xét là “có cốt cách phi phàm, sau này tất làm pháp tự”. Quả nhiên về sau, Không Lộ trở thành tổ đời thứ 3 thiền phái Thảo Đường.

Năm 1060, Dương Không Lộ cùng các thiền sư Đạo Hạnh, Giác Hải sang Tây Trúc, được Phật Tổ giác ngộ và truyền cho phép lạ. Năm sau, ông về nước dựng chùa Nghiêm Quang ở địa phận huyện Xuân Trường (Nam Định ngày nay).

Năm Nhâm Tý (1072), Không Lộ cùng Giác Hải chữa khỏi bệnh sợ tắc kè kêu cho vua Lý Nhân Tông. Chuyện kể rằng vua Lý Nhân Tông thường ngự tại điện Liên Mộng, chợt có hai con tắc kè kêu trên xà nhà làm vua sợ hãi thành bệnh, thuốc gì cũng không khỏi.

Vua sai sứ đi đón Không Lộ và Giác Hải. Hai vị thiền sư vào yết kiến vua, Không Lộ đọc 3 câu chú, tắc kè không kêu nữa. Giác Hải lấy tràng hạt gõ vào cột điện, hai con tắc kè liền rơi xuống, bệnh vua khỏi ngay. Vua ban Quốc tính cho Giác Hải, phong Không Lộ làm Quốc sư.

Năm Giáp Tuất (1094), Không Lộ viên tịch ở tuổi 79. Năm sau, Giác Hải thu thập xá lị của Không Lộ, xây tháp để chôn cất, tạc tượng để thờ tại chùa Nghiêm Quang - nơi Không Lộ trụ trì.

Chùa Nghiêm Quang về sau bị lở đất xuống sông Hồng, dân ấp Keo cũ phải dời đi 2 nơi, một chuyển về hữu ngạn sông Hồng thuộc làng Hành Thiện (Xuân Trường - Nam Định), một chuyển sang tả ngạn sông Hồng thuộc xã Duy Nhất (Vũ Thư - Thái Bình).

Sau sự kiện chuyển cư, làng Keo được chia làm hai làng, và sau đó cả hai làng đều xây dựng lại chùa và đều gọi theo tên Nôm là “chùa Keo”. Chùa Keo Thái Bình gọi là “Keo trên”, chùa Keo Nam Định gọi là “Keo dưới” theo hướng dòng chảy thượng - hạ của sông Hồng. Đó cũng là đáp án cho câu hỏi vì sao có hai chùa Keo.

Ngôi cổ tự huyền bí bậc nhất trấn Sơn Nam ảnh 1

Tháp chuông chùa Keo Thái Bình

Bảo vật trong chùa cổ

Truyền thuyết dân gian còn được lưu lại nơi chùa Keo Thái Bình kể rằng, trước khi viên tịch, thiền sư Không Lộ hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng.

Thánh tượng ngày nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa. Cứ 12 năm một lần, làng Keo lại cử ra một người hội chủ và bốn viên chấp sự để làm lễ trang hoàng tượng thánh.

Những người này phải ăn chay, mặc quần áo mới, rước thánh tượng từ cấm cung ra rồi dùng nước dừa pha tinh bưởi để tắm và tô son lại cho tượng. Công việc này phải làm theo một nghi thức được quy định rất nghiêm ngặt, những người chấp sự phải tuyệt đối giữ kín những gì đã thấy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay cả hai chùa Keo đều lưu giữ nhiều di vật quý giá chứa đựng những điều huyền bí gắn liền với cuộc đời thiền sư Không Lộ.

“Nơi đây, vẫn còn những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của thiền sư như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà người ta kể lại rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành”, Đại đức Thích Tâm Hiệp cho hay.

Ngoài những di vật trực tiếp liên quan tới thiền sư Không Lộ, chùa Keo Thái Bình còn bộ hương án được công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 10, năm 2021), có kích thước đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ với vẻ đẹp hiếm có, chứa đựng ý nghĩa sâu sắc tín ngưỡng Việt Nam.

Hương án là một kiệt tác nghệ thuật gỗ được chạm khắc tinh xảo tứ diện. Ông Nguyễn Văn Khánh - người trông coi chùa Keo cho biết, hương án này vẫn được sử dụng làm nơi đặt lễ phẩm, hương hoa cúng Phật. Ngay cả khi chưa được công nhận bảo vật, đã có nhiều nhà nghiên cứu đến tìm hiểu về một kiệt tác điêu khắc gỗ.

Hương án có dạng hình hộp chữ nhật, kích thước dài 227cm, rộng 156cm, cao 153cm. Hình dáng đặc biệt “chân quỳ dạ cá” được trang trí hoa văn dầy đặc với các họa tiết lưỡng long chầu nguyệt, long ẩn vân, long giáng cùng 550 cánh sen, 435 bông cúc, 24 hoa dây lá và linh thú, mây lửa, ngọc báu...

Theo các chuyên gia, người xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm bong - kênh - lộng, trổ thủng để tạo khối nổi khối chìm, tạo nên tầng lớp hoa văn. Sau đó sơn son, thếp vàng để hoàn thành một hương án sang trọng.

Hương án chùa Keo là hiện vật độc bản, có kích thước lớn và nặng nên dưới chân có bánh xe để khi cần có thể di chuyển. Sự sáng tạo này vừa bảo vệ hương án không chịu tác động xấu do quá trình khiêng vác, vừa tránh được hơi ẩm từ nền đất ngấm lên.

Có lẽ chính nhờ sự sáng tạo này mà trải qua thời gian mấy trăm năm, hương án chùa Keo vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Từ hương án chùa Keo, giới khảo cổ khẳng định hương án gỗ thế kỷ 17 không còn nhiều, nhưng đủ để nhận biết giá trị nghệ thuật trang trí thời kỳ này đặc sắc và đạt đến trình độ cao.

Bảo vật thứ hai của chùa Keo được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017 chính là bộ cửa gỗ chạm rồng - kiệt tác chạm khắc gỗ đỉnh cao thế kỷ 17. Mỗi cánh cửa cao 2,2m, rộng 1,3m, dày 7cm được ghép từ bốn tấm gỗ nhỏ hơn, 2 cánh ghép lại thành một bức phù điêu “nhị long hí châu”.

Theo hồ sơ bảo vật, bộ cửa chạm rồng chính là bộ cửa của tam quan nội chùa Keo. Sau đuôi và dưới bụng mỗi con rồng lớn là một con rồng nhỏ, một con nghê đang hướng đầu lên. Hình thức chạm trổ, trang trí cửa đền, chùa, đình, miếu này là đặc trưng ở trấn Sơn Nam xưa. Miệng mỗi con rồng ngậm một hạt ngọc nhỏ. Đầu rồng vươn lên hướng vào phía viên ngọc lớn.

Đặc biệt, thế uốn cong của đôi rồng lớn trên hai cánh cửa kết hợp lại, tạo thành hình lá đề. Đôi rồng dáng dấp dũng mãnh, uy quyền, dữ tợn, có sừng của hươu, đầu của trâu, thân của rắn, vảy của cá, móng của chim ưng.

Mỗi con rồng có bốn chân. Hai chân trước để lộ, một chân sau nắm hạt ngọc báu tạo hình âm dương, chân còn lại chỉ lộ ra bốn móng đang túm bờm bốc ra từ trước trán. Các tia sáng tỏa ra từ những viên ngọc, râu tóc và bờm rồng đều được cách điệu, biến hóa thành các dải mây lưỡi mác.

Ngôi cổ tự huyền bí bậc nhất trấn Sơn Nam ảnh 2

Chùa Keo Thái Bình gọi là 'Keo trên' để phân biệt với 'Keo dưới' là chùa Keo Nam Định

Danh tích xưa, di sản nay

Sau hàng nghìn năm được lập bởi thiền sư Không Lộ và sau 400 năm kể từ khi ngôi chùa được xây dựng lại, cả chùa Keo trên và Keo dưới đã trở thành những danh tích bậc nhất trấn Sơn Nam.

Tại văn bia khắc năm 1632 tại chùa Keo Thái Bình có bài phú ca tụng: “Phía trước dòng Xà Giang chầu vào bao la vạn khoảnh. Phía sau, sông Hoàng Giang vòng lại bát ngát ngàn tầm. Bể Nam Hải uốn quanh từng khúc phô hình dải lụa xanh lam. Dãy rừng cây tua tủa vươn cao như búi tóc mây sắc lục”.

Thế nhưng ít ai biết rằng, để xây dựng được ngôi chùa này, chúa Trịnh Giang đã vận động cả nước góp công, góp của xây dựng theo phác thảo kiến trúc Cường Dũng hầu Nguyễn Văn Trụ.

Qua 19 năm chuẩn bị, 28 tháng thi công, đến tháng 11 năm Nhâm Thân (1632), chùa Keo được hoàn tất. Toàn cảnh chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình với 157 gian trên khu đất rộng 58.000m2.

Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê. Trong chùa còn một giếng nước được xếp bằng 33 chiếc cối đá thủng. Người dân làng Keo nói rằng, đây chính là 33 chiếc cối giã gạo nuôi thợ, nuôi thầy để xây dựng chùa Keo.

Hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa Keo gồm 17 công trình với 128 gian, phân bố trên diện tích 2.022m2. Quần thể kiến trúc chùa theo kiểu “nội công ngoại quốc” với những cụm kiến trúc đăng đối, xứng đáng là một công trình quy mô, kỳ vĩ thời xưa.

Lễ hội chùa Keo Thái Bình được tổ chức mỗi năm hai kỳ Xuân - Thu. Trong đó, hội Thu được mở vào tháng 9 âm lịch và là hội chính, vừa mang tính lễ hội nông nghiệp, vừa mang tính chất của lễ hội lịch sử gắn với cuộc đời của thiền sư Không Lộ. Đặc biệt, cuối lễ hội có nghi lễ chầu thánh chỉ có ở chùa Keo với điệu múa chèo cạn và ếch vồ.

“Với giá trị tiêu biểu và đặc sắc của lễ hội chùa Keo, năm 2017 Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã đưa lễ hội này vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, trong dân gian vẫn còn truyền tụng câu ca: “Dù cho cha đánh mẹ treo/ Em cũng chẳng bỏ chùa Keo hôm Rằm/ Dù cho cha đánh mẹ vằm/ Em cũng chẳng bỏ hôm Rằm chùa Keo”.

Đến chùa Keo, du khách không chỉ thưởng lãm một danh tích cổ, mà còn thấy rõ những dấu tích huyền bí của thiền sư Không Lộ cùng những giai thoại “hóa thánh”.

Tin cùng chuyên mục