Chùa Báo Quốc được xây dựng giữa năm 1747, và được mang tên là chùa Báo Quốc vào năm 1824. Tọa lạc trên đồi Hàm Long, đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế, chùa là một quần thể tôn giáo lớn và được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa thích.
Hình ảnh Chùa Báo Quốc trước khi được tu sửa lại luôn mang vẻ đẹp cổ kính của thời gian |
Đến với chùa Báo Quốc, ta có thể chiêm ngưỡng những nét tinh hoa trong kiến trúc chùa, được nghe sư thầy tụng kinh và tận hưởng sự thanh thản, thư giãn trong tâm hồn
Vào thời Nguyễn, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Năm 1808, Hoàng hậu Hiếu Khương cho tái thiết ngôi chùa, xây tam quan, đúc đại hồng chung (nặng 836 cân), bảo khánh... và đổi tên là chùa Thiên Thọ. Thiền sư Phổ Tịnh được cử làm trụ trì trong thời gian này.
Chùa Báo Quốc là ngôi chùa cổ linh thiêng ở xứ Huế |
Năm 1824, Vua Minh Mạng ngự thăm chùa và sắc lấy tên "Báo Quốc Tự". Nhà vua đã tổ chức đại giới đàn tại chùa nhân lễ tứ tuần khánh thọ vào năm 1830.
Đến năm 1858, do chùa bị hư hỏng nhiều, Vua Tự Đức và Hoàng Thái hậu Từ Dũ đã ban tiền trùng tu ngôi chánh điện và các công trình khác. Chùa đã được liên tiếp trùng tu, mở rộng đến thế kỷ XIX.
Chùa Báo Quốc là nơi ghé đến của nhiều tăng ni phật tử |
Ngôi chánh điện xây trùng lương trùng thiềm, là kiểu kiến trúc truyền thống của Việt Nam, xây nhà kép hai mái trên một nền; nóc chùa có hai rồng chầu vào một mặt rồng đội pháp luân ở giữa có chữ “vạn”. Tiền đường có 4 trụ đắp rồng nổi, ở thành bậc tam cấp cũng có đôi rồng, vách tường hai bên trang trí hoa văn bằng mảnh sành rất đẹp.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Các tượng thờ đều đặt trong khung kính. Án giữa thờ tượng Phật Tam Thế, đức Phật Thích Ca và hai tôn giả Ca Diếp, A Nan. Án hai bên thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng.
Khu Chánh Điện của chùa Báo Quốc |
Năm 1935, Trường sơ đẳng Phật học được mở tại chùa. Đến năm 1940, Trường cao đẳng Phật học cũng lại được mở tại đây. Chùa trở thành một trung tâm đào tạo Tăng Ni cho đến ngày nay.
Một góc khuôn viên tươi mát của chùa |
Năm 1957, Giáo hội Tăng già Thừa Thiên và Ban Quản trị chùa đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Hòa thượng Thích Trí Thủ, vừa là Giám đốc Phật học đường, vừa là trụ trì chùa, đã có những đóng góp to lớn cho Phật giáo nói chung và cho việc tái thiết ngôi tổ đình trang nghiêm với nét kiến trúc cổ kính nói riêng.
Giếng Hàm Long ngày nay ở chùa Báo Quốc |
Chùa được xây dựng kiểu chữ “khẩu” trong khuôn viên rộng khoảng 2 hecta. Nhiều ngôi tổ đình ở Huế xây theo kiểu này: mặt trước là ngôi chánh điện, phía sau ngôi chánh điện hai bên có hai dãy nhà là nhà khách và tăng xá, sau cùng là nhà hậu.
Về chùa Báo Quốc nghe câu chuyện cổ |
Các dãy nhà khép kín thành hình vuông trông giống chữ “khẩu” trong chữ Hán. Không gian ở giữa là vườn cây cảnh. Kiểu kiến trúc này đã tạo ra một không gian yên tĩnh, thoáng mát, có được ánh sáng lẫn hương vị hoa trái đến các dãy nhà.
Dưới chân đồi có giếng Hàm Long nổi tiếng. Ở đây có tấm bia dựng năm Ất Dậu (2005) ghi chữ quốc ngữ: “Giếng Hàm Long có tên chữ Hán là Hàm Long Tĩnh. Theo bộ Hàm Long Sơn Chí: “Giếng xuất hiện cùng thời với việc khai sơn chùa Báo Quốc khoảng năm 1674”.
Tấm bia đá ở giếng Hàm Long ghi lại khái quát lịch sử hình thành |
Đáy giếng có đá như hàm rồng, nước trong đá tuôn ra mát lạnh có vị ngọt nên ngạn ngữ có câu: “Giếng Hàm Long trong lại ngọt; Anh thương em rày có Bụt chứng tri”. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí: “Buổi đầu khai quốc, các quan lại triều đình thường lấy nước giếng này để Vua dùng nên lại có tên là Giếng Cấm”.
Chùa là ngôi tổ đình danh tiếng ở Huế xưa nay.