Nhàn hạ đích thực là thế nào?

Nhàn hạ đích thực là thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sau khi chấp tác Phật sự, mọi người có thể tự do chọn cho mình cách hưởng thụ những giây phút thư nhàn khác nhau như đọc kinh, lễ Phật, ngồi thiền…, đó cũng có thể gọi là phương thuốc điều hòa cuộc sống.

Truyền thống văn hóa Trung Quốc thích ca tụng người siêng năng cần cù, phê bình kẻ lười biếng. Vì thế, phần lớn người Trung Quốc dường như chưa từng được hưởng giây phút thư nhàn nào, nhất là trong đời sống kinh tế thị trường hiện nay.

Một số người quan niệm rằng, hưởng thụ tức là ăn ngon, mặc đẹp, đi xe đắt tiền. Thực ra hưởng thụ cuộc sống một cách đúng nghĩa, đích thực nhất đó là hưởng thụ sự thư thái, an nhàn cho thân thể lẫn tâm hồn chứ không phải chỉ đơn thuần là sự hưởng thụ vật chất. Hưởng thụ một cách thích hợp giúp thân tâm an lạc, thoải mái. Hít thở không khí trong lành, sống trong môi trường thanh thản, nhẹ nhàng, điều hòa cân đối nhịp sống là sự hưởng thụ đích thực.

Hồi nhỏ, tôi ở Thượng Hải sau mới đến Đài Bắc, Tokyo, New York và một số thành phố của các nước châu Âu khác. Kinh nghiệm trong những chuyến đi đó đã giúp tôi hiểu được đời sống của nông dân Trung Quốc mới đích thực là cuộc sống lí tưởng. Sáng ra đồng làm ruộng nương, chiều về nhà xem ti vi, mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ dưới ngọn đèn hoặc bà con lối xóm quây quần lại uống trà, nói chuyện. Nếu vào mùa hạ, mọi người thưởng thức các loại trái cây mát như dưa hấu, mùa đông có lạc, hoa quả khô, mọi người vừa ăn vừa nói chuyện để thưởng thức cuộc sống nông nhàn rồi đi ngủ. Hôm sau, họ lại tiếp tục công việc như thế. Cuộc sống của họ, tuy về mặt vật chất có phần thiếu thốn nhưng về đời sống tinh thần thật là phong phú và lành mạnh.

Cuộc sống ở thành phố không thể có được như thế, vì mọi người luôn luôn để sự so đo, tính toán ngự trị lòng mình, so sánh về xe cộ, áo quần, món ăn, công việc, thu nhập… Đời sống của họ là lao mình vào việc kiếm tiền, kiếm mệt rồi ngủ, ngủ dậy tiếp tục lao vào việc kiếm tiền, họ cho rằng nếu không làm thế thì không phải là hưởng thụ cuộc sống. Vòng tròn bất tận giữa ngủ và kiếm tiền khiến họ tất bật, vất vả, căng thẳng, họ mang sự căng thẳng vào trong cả giấc mơ của mình, sống cuộc sống như thế thực ra là một nỗi thống khổ!

Khi tôi đến nước ngoài giảng pháp, người nghe đều rất chăm chú, thường đặt câu hỏi, nếu câu hỏi cần trả lời dài và có quá nhiều câu hỏi nhưng đã hết giờ giảng pháp thì người phụ trách sẽ mời tôi cùng người đưa ra câu hỏi đến một quán cà phê hoặc một nơi yên tĩnh bất kì nào đó để tiếp tục giải đáp.

Tôi nhận thấy người dân ở các nước đó biết cách điều phối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, trong bận rộn có sự nhàn rỗi, thư thái, trong lúc thư thái cũng có công việc cần giải quyết! Tôi thấy đời sống của người dân các nước châu Âu có rất nhiều điều để chúng ta học hỏi: Khi làm việc làm hết mình, làm rất căng thẳng, nhưng khi về đến nhà tất cả phiền muộn, bực dọc trong công việc họ biết gác lại trước khi vào nhà.

Nếp sống trong các tự viện, tu viện cũng theo tinh thần đó, tuy bận rộn nhưng mọi người đều biết điều chỉnh hợp lí. Sau khi chấp tác Phật sự, mọi người có thể tự do chọn cho mình cách hưởng thụ những giây phút thư nhàn khác nhau như đọc kinh, lễ Phật, ngồi thiền…, đó cũng có thể gọi là phương thuốc điều hòa cuộc sống.

Chúng ta biết cách sắp xếp đời sống vật chất, tinh thần hợp lí, không căng thẳng, mệt nhọc quá cũng không nhàn rỗi thư thái quá, điều chỉnh thích hợp vừa phải giữa làm việc và nghỉ ngơi đấy chính là đời sống của người tu sĩ trong thời đại ngày nay, có thể người khác thấy tôi vô cùng bận rộn nhưng thực ra “trong bận rộn có sự thanh nhàn”!

Tin cùng chuyên mục