Khi tâm của hành giả đã đạt được hạnh phúc đích thực nhờ vào chánh niệm và trí tuệ, thấy rõ Tứ diệu đế, không ai sẽ quay trở lại để tìm kiếm dục lạc ở vật chất thế gian. Bởi vì pháp hỷ là loại hạnh phúc lâu dài, bền vững, tinh tế và thực sự thanh tịnh. Nếu so sánh giữa lạc thú của thế gian và hạnh phúc do việc thực hành pháp mang lại, thì bạn sẽ thấy rằng lạc thú không hề có chút nào là hạnh phúc thực sự. Nó không thể mang lại được gì ngoài sự căng thẳng, khổ đau và trống rỗng. Vậy tại sao chúng ta lại nghĩ đó là hạnh phúc? Bởi vì khổ đau khiến chúng ta bị bỏng quá nặng, nên chúng ta tìm đến lạc thú để xoa dịu bớt nỗi đau do vết bỏng kia gây ra, thế nhưng nỗi đau này sẽ biến mất một thời gian rồi sẽ quay trở lại.
Chẳng hạn, Đức Phật dạy rằng sinh là khổ, nhưng người bình thường lại xem đó là hạnh phúc. Chúng ta không nhận ra những khổ đau liên quan đến tái sinh. Tuy nhiên, một khi tâm đã đạt được pháp lạc, thì chúng ta sẽ thấy rằng việc tái sinh thực sự rất căng thẳng và đau khổ, đúng như những gì Đức Phật đã dạy. Sở dĩ chúng ta phải tự lo liệu và chăm sóc bản thân, nhưng vẫn không tìm thấy được bình an, đó chính là vì những thứ đã sinh ra này luôn chờ sẵn để đến quấy nhiễu chúng ta. Chúng ta ngồi xuống và cảm thấy thoải mái, dễ chịu ngay tức thì, nhưng sau một thời gian, chúng ta lại thấy mỏi mệt. Hay nằm xuống khiến chúng ta dễ chịu, nhưng sau một thời gian nó lại trở nên đau đớn.
Vì vậy, chúng ta phải liên tục đổi tư thế để được dễ chịu và thoải mái hơn. Ta tìm kiếm từ thứ này đến thứ khác, nhưng ngay khi mới có được chút niềm vui từ chúng, thì căng thẳng, khó chịu và đau đớn lại ập đến. Niềm vui và lạc thú đến từ những thứ bên ngoài và vật chất không bao giờ là đủ. Tâm trí cứ dần bị chúng bào mòn và một ngày khiến chúng ta kiệt sức mà hầu như không thực sự có được bất kỳ thứ gì. Đây là lý do tại sao những người đã nếm được pháp lạc sẽ không trở lại thế giới đầy đau khổ và hỗn loạn này.
Và đây cũng là lý do tại sao tôi muốn bạn nỗ lực thực hành thiền định, và quán chiếu mọi vật mọi việc theo Chánh pháp. Ngay cả khi bạn chưa thâm nhập được giáo pháp, thì ít nhất hãy lấy những lời của Đức Phật dạy làm nguyên tắc của chính bản thân mình. Ví dụ, khi Đức Phật dạy về ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã, chúng ta nên rèn luyện tâm mình, suy nghĩ và hành động phù hợp với những điều mà Ngài đã dạy. Hãy thử làm như vậy!
Chẳng hạn Ngài nói rằng thân thể này của chúng ta chứa đầy những thứ bất tịnh, chúng ta có thể không đồng ý, nhưng ít nhất hãy thử xem điều gì sẽ xảy ra khi bạn nhìn thân này theo đúng những gì mà Ngài đã dạy. Đừng vội bác bỏ những lời dạy của Ngài, mà hãy nhìn xem thân ta có thực sự bất tịnh hay không. Bởi vì khi tập trung quan sát, tâm trí sẽ càng vững chãi và an tĩnh, và những điều này lại càng hiện ra rõ hơn. Niềm tin sẽ phát khởi sau khi ta thực hành giáo pháp và cảm thấy lợi lạc. Năng lượng sẽ sinh khởi khi chúng ta muốn giác ngộ được nhiều điều hơn. Một khi nhận thức càng được phát triển thì tâm trí sẽ trở nên sáng suốt và tĩnh lặng hơn. Hãy nhớ nguyên tắc đơn giản này: Thực hành thiền bằng cách quan sát cơ thể và tâm trí bạn.
Sử dụng chánh niệm để theo dõi cơ thể từ trong ra ngoài và nhận biết đúng sự thật như nó đang là. Nếu không nhìn vào cơ thể thì hãy quan sát tâm trí, khi thấy được những chuyển động của cơ thể và niềm vui nỗi buồn phát khởi trong tâm thì bạn sẽ phát triển được kỹ năng chánh niệm; từ đó, bạn sẽ học cách giải quyết mọi việc phù hợp với những lời dạy của Đức Phật. Thấy được thân này là bất tịnh, nhưng bạn phải giữ gìn tâm trí của mình cho thật sáng suốt để phân biệt rõ ràng rằng bất tịnh là chuyện của cơ thể, chứ không phải của tâm trí.
Cơ thể vốn bất tịnh. Chúng ta đã sống với nó suốt thời gian qua nên không cần phải sợ sệt hay chối bỏ nó. Ta có thể quán sát thân để phát sinh cảm giác an tĩnh. Đừng chán ghét thân để khiến cho tâm bất an, dao động, và không thể đi sâu vào thiền định. Sự nhàm chán như thế là sai lầm. Khi chúng ta nhìn vào những thứ mà chúng ta không thích, chẳng hạn như vô thường, khổ và bất tịnh, hãy nhớ rằng chúng cũng là một phần trong những chân lý cao quý mà Đức Phật đã dạy. Ngài đã khẳng định rằng suy ngẫm về những điều này sẽ mang lại lợi ích cho công phu tu tập.
Vì vậy, hãy bám chặt vào những đề mục này và tiếp tục quán chiếu về chúng, bất kể tâm trí có đang yên tĩnh hay không. Khi bạn có thời gian rảnh, hãy quán chiếu chúng. Và bạn cũng có thể làm vậy ngay cả khi đang làm việc. Hãy quán chiếu sâu sắc cho đến khi bạn đi đến tận cũng từng chi tiết nhỏ nhặt nhất và sau đó dừng lại để tâm được an tĩnh và thoải mái.
Tương tự như khi chúng ta làm việc chân tay, chúng ta sẽ nhận được tiền lương cho mỗi giờ làm việc. Càng làm nhiều giờ, tiền lương càng nhiều. Nhưng nếu tham lam và làm việc không ngừng nghỉ thì cơ thể sẽ kiệt sức, tinh thần suy yếu và không thể làm việc được nữa. Vì vậy, bạn phải nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ để lấy lại sức khỏe thể chất và tinh thần bị tiêu hao trong khi làm việc. Dù không được trả lương cho thời gian nghỉ ngơi, nhưng bạn vẫn phải sẵn sàng chấp nhận điều đó để hồi phục lại thể chất và tinh thần cho công việc về lâu dài.
Khi bạn hành thiền cũng vậy, nếu bạn cứ tiếp tục quán chiếu và tìm hiểu thì chẳng bao lâu tâm trí sẽ trở nên bất an và dao động. Vì thế, bạn phải đưa tâm vào trạng thái tĩnh lặng để nó không bị lung lay. Nếu tâm bồn chồn, nó sẽ trở nên rối rắm và mệt mỏi khi hành thiền. Vì vậy, hãy quán chiếu cho đến khi bạn cảm nhận được rằng tâm muốn dừng lại và nghỉ ngơi, sau đó, hãy tập trung trở lại vào hơi thở, dần dần buông bỏ sự trầm tư để tâm trí lắng xuống. Cũng giống như khi bạn nghỉ ngơi sau một giờ lao động chân tay, mặc dù ông chủ của bạn không cho bạn bất cứ thứ gì, nhưng bạn vẫn làm vậy để phục hồi năng lượng cho cơ thể. Và trong trường hợp hành thiền, thì năng lượng này là sức mạnh tinh thần.
Đây là lý do tại sao các vị Thánh đệ tử không ngừng tu tập thiền định. Bởi sau khi quán sát đến mức mệt mỏi, họ sẽ để cho tâm tĩnh lặng. Sau khi đủ tĩnh lặng, họ lại trầm tư quán xét. Đây cũng là phương pháp mà chúng ta nên thực hành theo, tâm sẽ có được năng lượng và trí tuệ sáng suốt, có thể thấy được tận cùng của mọi sự mọi vật như chúng thực sự đang là.