"Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong Đông viên, giảng đường Lộc tử mẫu. Bấy giờ Thế Tôn vào lúc xế trưa, từ tĩnh tọa dậy, bước xuống giảng đường, nói với Tôn giả A-nan rằng:
- Bây giờ Ta và ngươi đến sông A-di-la-bà-đề để tắm.
Tôn giả A-nan bạch rằng:
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Rồi Tôn giả A-nan cầm then cửa tản bộ đi đến khắp các cốc, gặp Tỳ-kheo nào cũng nói rằng:
- Chư Hiền, hãy đi đến nhà Phạm chí La-ma.
Các Tỳ-kheo nghe nói, bèn cùng nhau đến nhà Phạm chí La-ma.
Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan đi đến sông A-di-la-bà-đề, cởi y để trên bờ, rồi xuống nước tắm. Tắm xong, trở lên lau mình, mặc y. Bấy giờ Tôn giả A-nan đứng sau Thế Tôn, cầm quạt quạt Phật. Rồi Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn, nhà của Phạm chí La-ma rất tốt, ngăn nắp, rất khả ái. Cúi mong Thế Tôn vì lòng từ bi mẫn đi đến nhà của Phạm chí La-ma.
Thế Tôn im lặng nhận lời của Tôn giả A-nan. Rồi Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan đi đến nhà Phạm chí La-ma. Bấy giờ tại nhà của Phạm chí La-ma một số đông Tỳ-kheo đã tụ tập ngồi lại để thuyết pháp. Đức Phật đứng ngoài cửa, đợi các Tỳ-kheo nói pháp xong. Khi số đông các Tỳ-kheo đã nói pháp xong, các ngài ngồi im lặng. Thế Tôn biết rồi bèn tằng hắng và gõ cửa.
Các Tỳ-kheo nghe, tức thì đi ra mở cửa. Thế Tôn bước vào nhà Phạm chí La-ma, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo mà ngồi và hỏi:
- Các Tỳ-kheo vừa rồi nói những câu chuyện gì vậy? Vì công việc gì mà tụ tập ngồi ở đây?
Lúc ấy các Tỳ-kheo đáp rằng:
- Bạch Thế Tôn, vừa rồi, chúng con thuyết pháp. Do pháp sự này mà tụ tập ngồi tại đây.
Thế Tôn khen rằng:
- Lành thay! Lành thay, Tỳ-kheo khi tụ tập ngồi lại nên làm hai việc; một là thuyết pháp, hai là im lặng".
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bô-đa-lợi, kinh La-ma, số 204 [trích])
Ảnh minh họa. |
Lời Thế Tôn dạy “Tỳ-kheo khi tụ tập ngồi lại nên làm hai việc; một là thuyết pháp, hai là im lặng” tuy đơn giản mà thâm diệu, chẳng phải dễ làm. Lẽ thường, mỗi khi tụ tập thì những câu chuyện phiếm, tạp thoại bắt đầu khởi lên. Thoạt nhìn, việc buôn chuyện cũng không phải tội lỗi gì to tát nhưng thực sự nó mang đến hậu quả loạn tâm, chướng ngại thiền định.
Với người tu, nhờ thiền định tâm được an tịnh, phiền não cấu uế tạm thời lắng xuống. Những câu chuyện tạp sẽ khiến cho cấu uế bị khuấy động, phiền não dấy khởi, đó là chưa kể đến họa thị phi, nói lỗi người luôn chờ chực. Thế nên, thuyết pháp hay thảo luận về giáo pháp, chia sẻ kinh nghiệm tu học là cách hay nhất mỗi khi tụ tập.
Khi không thuyết pháp thì im lặng, nhiếp tâm vào đề mục quen thuộc. Kinh Phật thường gọi những hội chúng buôn chuyện sôi nổi, ồn ào, không nhiếp tâm thanh tịnh là Bà-la-môn. Trong không khí chuyện trò râm ran vui vẻ mà im lặng giữ vững chánh niệm là điều không dễ. Đây cũng là cơ hội quý báu để xem lại tâm mình, khi sự phóng tâm và loạn động được trợ duyên để bùng phát mà vẫn im lặng chánh niệm là người thực sự vững chãi.
Ngày nay, các Tỳ-kheo mỗi khi tụ hội cũng bàn luận về nhiều vấn đề. Ngoài một số vị còn giữ được phận sự “thuyết pháp hoặc im lặng” thì những câu chuyện liên quan đến chức vụ, xây chùa, nuôi chúng, giá đất, xe cộ, thời sự, thể thao… cũng được các Tỳ-kheo bàn luận. Dĩ nhiên huynh đệ gặp nhau là quý hóa, thăm hỏi và động viên nhau là điều rất cần nhưng nên tránh sa đà vào tạp thoại, thị phi, nói lỗi người… chỉ mang đến phóng dật, loạn tâm.