Chùa Côn Sơn nằm dưới chân núi Thiên Nhẫn ở xã Sơn Tiến, cách ngọn Hoàng Tâm - địa điểm chính của thành Lục Niên (huyện Nam Đàn - Nghệ An) di tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn khoảng 2km. Nơi đây thuộc hệ thống di tích, thành lũy khu căn cứ Đỗ Gia của khởi nghĩa Lam Sơn, trên đất Hương Sơn ngày nay. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XV, tương truyền có tên Côn Sơn là do Nguyễn Trãi đặt cho để tưởng nhớ đến quê hương của ông.
Sau một thời gian bị xuống cấp, chùa Côn Sơn vừa được Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (TP Hà Nội) đầu tư trùng tu, tôn tạo, xây mới một số hạng mục (tòa tam bảo, nhà tổ và cổng tam quan) với kinh phí trên 14 tỷ đồng (hoàn thành vào ngày 1/5/2023). Chùa tọa lạc trên diện tích gần 8.000 m2, có kiến trúc lối chữ Nhị (二) bao gồm thượng điện và hạ điện. Thượng điện là ngôi nhà có kết cấu kiến trúc bằng gỗ, mái kiểu chồng diêm (hai tầng, tám mái).
Theo tư liệu điền dã, chùa Côn Sơn xưa kia là nơi cất dấu lương thực, của cải và vũ khí chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn. Sau này, Nguyễn Trãi đã cho xây dựng chùa Côn Sơn tại đây như một sự đền đáp giành cho Nhân dân đã cưu mang, giúp đỡ nghĩa quân trong lúc gian khổ chiến đấu chống quân Minh ở mảnh đất này. (Ảnh: Bên trong nhà thượng điện của chùa Côn Sơn).
Chùa Côn Sơn trước đây được thờ Phật. Để tưởng nhớ công ơn của Nguyễn Trãi đối với dân, với nước, sau khi mất, vợ chồng ông được Nhân dân tạc tượng thờ trong chùa bên cạnh Phật. Hàng năm đến ngày lễ tết, Phật đản, Nhân dân và những phật tử hành hương đến chùa Côn Sơn thắp hương cầu mong cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình.
Hiện chùa có 8 pho tượng cổ, trong đó có 6 pho tượng Phật, 1 pho tượng Danh nhân Nguyễn Trãi, 1 pho tượng bà Nguyễn Thị Lộ được thờ tại hạ điện. Tượng Danh nhân Nguyễn Trãi được điêu khắc đầu đội mũ cánh chuồn, gương mặt biểu lộ sự thông minh, uyên bác.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật, chùa Côn Sơn đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005. Đặc biệt, sau khi chùa được tu bổ, phật tử gần xa đã quyên góp sách, gây dựng nên Thư viện Nguyễn Trãi để phục vụ nhu cầu đọc sách, tìm hiểu Phật pháp của Nhân dân.
Theo Sư cô Thích Nữ Chơn Khai - Trụ trì chùa Côn Sơn, việc trùng tu, tôn tạo chùa Côn Sơn đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống, góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Hương Sơn.