Ý nghĩa tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức

Ý nghĩa tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức

Ý nghĩa tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức cũng như phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam là không nhằm mục đính lật đổ hay đảo chính Chính phủ, đưa người Phật giáo lên thay thế chính phủ, mà chỉ nhằm thay đổi chính sách bất công tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Dựa vào nội dung của Đơn xin tự thiêu, 2 tờ di chúc của Bồ tát Thích Quảng Đức, Bản Tuyên ngôn của Tăng, Tín đồ Phật giáo Việt Nam [34] (về sau viết tắt là Bản Tuyên ngôn) và Bản Phụ đính về bản Tuyên ngôn của Phật giáo Việt Nam (về sau viết tắt là Bản Phụ đính), [35] chúng ta có thể khẳng định rằng ý nghĩa tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức cũng như phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam là không nhằm mục đính lật đổ hay đảo chính Chính phủ, đưa người Phật giáo lên thay thế chính phủ, mà chỉ nhằm thay đổi chính sách bất công tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, theo đó, bình đẳng tôn giáo được thực hiện trong khuôn khổ và lý tưởng công bằng xã hội.

Trên tinh thần này, tôi phân tích vài ý nghĩa từ việc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức như sau:

Xây dựng một xã hội công bằng cho miền Nam Việt Nam

Về bản chất, phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 không phải là cuộc đấu tranh chính trị, theo kiểu của một đảng phái chống lại và loại trừ một đảng phái khác. Trong chính thể đệ nhất Việt Nam Cộng hòa không có đảng phái nào là của Phật giáo, hay đấu tranh vì quyền lợi Phật giáo. Giới luật Phật giáo bao gồm giới Tỳ-khưu/ Tỳ-khưu-ni và Giới Bồ tát không cho phép và không khích lệ các tu sĩ Phật giáo tham gia các đảng phái chính trị.

Chính quyền Ngô Đình Diệm rất khéo léo, ngoài việc dùng vũ lực chấn áp phong trào dân sự dùng bất bạo động làm sức mạnh, còn xuyên tạc phong trào Phật giáo do Việt cộng giật dây. Khi vu cáo phong trào bất bạo động của Phật giáo với hoạt động chính trị của Việt cộng, có khuynh hướng giải quyết các mâu thuẫn chính trị ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm mong muốn làm tê liệt phong trào dân tộc và chính nghĩa của Phật giáo. Chính sách truyền thông của chính quyền Ngô Đình Diệm đã thất bại, vì đã vu cáo những điều không có sự thật, mà theo Phật giáo “chân thật bất hư” (真實不虛).[36]

Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam được gửi đến chính quyền Ngô Đình Diệm là nhằm chấm dứt tình trạng “máu đã chảy, nhân mạng đã bị hy sinh, cảnh khủng bố, đàn áp bất nhân, bất công xã hội, bất bình đẳng tôn giáo và vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.” Lãnh đạo Phật giáo Việt Nam yêu cầu chính phủ thực thi 05 nguyện vọng sau đây:

1. Yêu cầu chỉnh phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo.

2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong đạo dụ số 10.

3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.

4. Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.

5. Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức. [37]

Năm yêu cầu trên còn được gọi là năm nguyện vọng hòa bình của Phật giáo gồm ba phương diện sau đây. Về công bằng xã hội, chính phủ không được khủng bố và bắt bớ tín đồ Phật giáo (yêu cầu 3), phải bồi thường những kẻ bị giết oan vô tội và trừng phạt kẻ chủ mưu giết hại (điều 5). Về bình đẳng tôn giáo, chính phủ phải cho phép Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do hành đạo và truyền đạo (điều 4) và được hưởng quyền bình đẳng tôn giáo như Thiên Chúa giáo (điều 2). Về nguyên nhân đàn áp Phật giáo, yêu cầu chính phủ thu hồi công điện triệt hạ cờ Phật giáo thế giới. Cả năm nguyện vọng nêu trên đều nhắm đến việc xây dựng một xã hội trong đó, công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo được tôn trọng. Để đạt được mục đích công bằng xã hội, Tăng, tín đồ Phật giáo quyết tâm “sẵn sàng hy sinh cho đến lúc nào những nguyện vọng hợp lý trên được thực hiện.” [38]

Bản Phụ đính ngày 23-5-1963 khẳng định rõ lập trường đấu tranh của Phật giáo là thuần túy cho công bằng xã hội, không đượm màu chính trị, thể hiện nghĩa vụ công dân, đóng góp vào lịch ích quốc gia: “Đối với chính phủ, chúng tôi không chủ trương lật đổ, chúng tôi chỉ có nguyện vọng “cải thiện chính sách... Chúng tôi không nhằm mục đích tranh thủ quyền hành. Nói thế, có nghĩa chúng tôi đã và mãi mãi tranh đấu cho Phật giáo thuần túy, nhưng không phải vì vậy mà Phật giáo đồ không quan tâm đóng góp vào ích lợi quốc gia theo nghĩa vụ công dân của mình.”[39]

Để tránh tình trạng bị quy chụp vô căn cứ, xuyên tạc, vu khống từ chính phủ, cũng như những phần tử lợi dụng phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo để làm loạn, lãnh đạo Phật giáo tuyên bố: “Không chấp nhận mọi sự lợi dụng.” [40] Nội dung của điều này được Bản Phụ đính giải thích rõ như sau: “Mục tiêu tranh đấu của Phật giáo đồ chỉ nhằm vào lý tưởng tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ lý tưởng công bình xã hội; vì lẽ đó, chúng tôi từ chối mọi sự lợi dụng không phù hợp với tôn chỉ chúng tôi, nhất là những kẻ mưu toan chức vị chính quyền.” [41]

Nói cách khác, phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 là một phong trào độc lập, thuần túy tôn giáo, không mang màu sắc chính trị, không ủng hộ hay chống đối một chính thể nào, không làm bình phông và không tạo nguyên nhân cho cuộc đảo chính diễn ra sau đó vài tháng, mà chỉ nhằm thay đổi chính sách sai lầm của chính phủ Ngô Đình Diệm, hầu góp phần mang lại công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo tại miền Nam Việt Nam.

Ngoài mục đích thiết lập công bằng xã hội vốn rất cần thiết cho bối cảnh tôn giáo và chính trị tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam còn nhắm đến việc thiết lập một xã hội, trong đó “bình đẳng tôn giáo” được tôn trọng ở mức độ cao nhất. Theo lãnh đạo Phật giáo lúc bấy giờ, chỉ khi nào công bằng xã hội được thiết lập thì bình đẳng tôn giáo mới được thực thi đúng nghĩa. Nói cách khác, bình đẳng tôn giáo là mục đích thiêng liêng của chủ thuyết công bằng xã hội: “Tôn giáo bình đẳng là một điểm nổi bật nhất, thiêng liêng nhất trong lý tưởng công bình xã hội.”[42]

Để tránh tình trạng bị lý giải, quy chụp sai lầm, lãnh đạo Phật giáo khẳng định “Chỉ tranh đấu cho lý tưởng “Tôn giáo bình đẳng”. [43] Tôn giáo bình đẳng theo lãnh đạo Phật giáo là các tôn giáo có tư cách tôn giáo như nhau về mặt luật pháp và được luật pháp tôn trọng. Chỉ với cách ứng xử này, chính phủ có thể giúp cho các tôn giáo tỏa sáng các giá trị nhân bản trong phục vụ đất nước và con người. Bản Phụ đính ghi rõ: “Các tôn giáo được xác định sẽ cùng hưởng một chế độ “bình đẳng”, có nghĩa cùng được quan niệm là có tư cách tôn giáo như nhau. Nhưng bình đẳng là “bình trong đồng đẳng” vì lẽ đó, giá trị các tôn giáo vẫn khác nhau.” [44]

Không chấp nhận tình trạng dùng danh từ “Công giáo” (một tôn giáo thiểu số tại Việt Nam) gọi cho đạo Thiên Chúa, không chấp nhận chế độ đặc biệt mà chính phủ dành cho Thiên Chúa giáo, đòi hỏi một chính sách thực sự bình đẳng, lãnh đạo Phật giáo Việt Nam mong mỏi miền Nam Việt Nam không còn chia rẽ tôn giáo, do chính sách toàn trị Ngô Đình Diệm gây ra. Bản Phụ đính cho thấy sự thiên vị của Đạo dụ số 10 là nguy cơ chia rẽ tôn giáo một cách trầm trọng: “Với quan niệm tôn giáo bình đẳng như vậy, đối chiếu với tình trạng hiện hữu, chúng tôi bất mãn sự thiên vị của Đạo dụ số 10. Đó là nguy cơ cho quốc gia và làm chia rẽ tôn giáo. Vì lẽ đó, Phật giáo đồ chúng tôi đã phải công khai bày tỏ rõ rệt nguyện vọng của mình. Và như thế, không những lý, mà phạm vi chúng tôi tranh đấu cũng đã được ấn định rõ ràng: Với danh nghĩa Phật giáo, chúng tôi đang làm một việc tranh đấu cho lý tưởng “Tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ của lý tưởng công bình xã hội.”[45]

Đang khi nỗ lực thiết lập bình đẳng tôn giáo tại miền Nam Việt Nam, lập trường của lãnh đạo Phật giáo Việt Nam là không xem Thiên Chúa giáo và Gia-tô giáo là kẻ thù của dân tộc hay của Phật giáo. Quan điểm chấp nhận sự đa dạng tôn giáo này là thống nhất, được ghi rõ trong Bản Phụ đính như sau: “Chúng tôi tuyên bố không coi ai là kẻ thù, nhất là đối với đạo Thiên Chúa. Lẽ thứ nhất, dầu từ ngày đạo dụ số 10 ra đời cho đến bây giờ, sự thiên vị đạo Thiên Chúa đã công khai, nhưng chúng tôi tranh đấu là tranh đấu cho lý tưởng công bình, chứ không phải tranh đấu với tư cách một tôn giáo chồng lên một tôn giáo.” [46] Theo tuyên bố này, mục đích chính của phong trào đấu tranh Phật giáo là góp phần xây dựng một thế giới không chỉ có công bằng xã hội, mà còn có bình đẳng và tự do tôn giáo vì lãnh đạo Phật giáo nhận thức rất rõ: “nếu cho tôn giáo của mình có giá trị tuyệt đối và chỉ có tôn giáo của mình mới đáng tồn tại thì đây là quan niệm sai lầm nhất.” [47]

Phần lớn các cuộc đấu tranh vì mục đích chính trị đều sử dụng đến vũ khí như một phương tiện, hoặc có trường hợp đặc biệt, sử dụng “bất bạo động” [48] (Sanskrit: ahiṃsā, Pāli: avihiṃsā) như một lợi thế, chẳng hạn như cuộc chiến dành độc lập của Ấn Độ đối với đế chế Anh, do Gandhi lãnh đạo. Phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam 1963 là cuộc chiến đấu không ngang sức của một bên tay không (không vũ khí), không có xu hướng bạo lực với một bên là chính thể cầm quyền, dùng vũ khí, xe thiết giáp, quân đội khủng bố, đàn áp tàn nhẫn, dã man.

Về nội dung, cuộc chiến bất bạo động của Phật giáo 1963 chịu ảnh hưởng tinh thần của Gandhi và sâu xa từ học thuyết từ bi và vô não của đức Phật. Nguồn gốc của sự ảnh hưởng được nêu rõ trong Bản Phụ đính như sau: “Chúng tôi, hơn thế nữa, phải thực hiện tư tưởng Phật giáo ngay trong cuộc đấu tranh của chúng tôi… Ngay bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố một cách minh bạch rằng người tăng sĩ Phật giáo là người sẵn sàng noi gương Gandhi, vị Thánh của sức mạnh bất bạo động... Nhưng tinh thần và phương pháp bất bạo động không phải chỉ có thế, nên chúng tôi sẵn sàng hy sinh đến cùng theo phương pháp này.” [49]

Nếu sức mạnh bất bạo động của Gandhi nằm ở chính sách “bất hợp tác” (Non-cooperation movement) [50] thì sức mạnh của bất bạo động của Phật giáo Việt Nam là thiền định, niệm Phật và các khẩu hiệu từ bi, ôn hòa, thể hiện yêu sách bình đẳng như: “Phật giáo nhất trí bảo vệ Chánh pháp dù phải hy sinh”, “Phật giáo đồ ủng hộ chính sách tôn giáo bình đẳng,” “Yêu cầu chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng,” “Chúng tôi đã đến lúc bị bắt buộc tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng.” Khi phong trào đấu tranh trở thành cao trào, các khẩu hiệu trở nên quyết liệt, hùng dũng, sẵn sàng bỏ thân mạng vì chính pháp như: “Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào,” "Phản đối chính sách bất công gian ác", "Đả đảo hành động sát nhân, vu khống", “Máu đã chảy,” "Hãy giết chúng tôi đi", “Phật giáo bất diệt” v.v... đã trở thành những sức mạnh vô úy, chống lại xe tăng, binh lính đầy bạo lực và đằng đằng sát khí của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Thản nhiên và bất động trong lửa đỏ 7 phút, sự tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm rúng động toàn cầu. Tổng thống Mỹ, John Kennedy phải thốt lên lời kinh ngạc: “Trong lịch sử, chưa có một bức hình nào trên báo đã tạo được nhiều xúc động cùng khắp cả thế giới như bức hình nầy”. [51] Ký giả Malcolm W. Browne, người đã chụp hình tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức đã tự sự về tác động của bức ảnh tại Hoa Kỳ như sau: “Những bức hình mà tôi chụp về cuộc tự thiêu của HT. Quảng Đức ... được thành phần diều hâu bày bán khắp cùng ngõ hẻm... Trên New York Times và báo Washington Post có hàng chữ: “Chúng tôi cũng phản đối: We, too, protest”. [52]

Noi gương từ bi và vô úy của Bồ tát Thích Quảng Đức, có thêm sáu tu sĩ [53] đã tự thiêu và 12 Phật tử [54] đã bỏ thân vì Phật pháp. Từ vài trăm nhà sư biểu tình trước Trụ sở Quốc Hội vào ngày 30-5-1963 cho đến 30.000 người tuyệt thực tại Chùa Xá Lợi vào ngày 18-8-1963, phong trào đấu tranh bất bạo động đã lớn mạnh như một cơn lốc ngoại giao, buộc Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 22-8-1963 phải lên án chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Như giọt nước làm tràn ly, vào ngày 1-11-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bị đảo chính, kết thúc triều đại toàn trị, Thiên chúa giáo trị tại miền Nam Việt Nam.

Dựa vào chủ trương của đức Phật “lấy từ bi xóa hận thù”, [55] đạo Phật không xem Thiên Chúa giáo, gia đình Ngô Đình Diệm và những người trực tiếp thực hiện “Chiến dịch nước Lũ” [56] là kẻ thù. Mặt khác, mặc dù về bản chất, phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam không chủ trương lật đổ chế độ, do đó, độc lập với các đảng phái chính trị tại hai miền Nam Bắc Việt Nam, nhưng các tác động duyên khởi theo công thức “cái này có tạo điều kiện cho cái kia có, cái này không tạo tiền đề cho cái kia không; cái này sinh làm nhân cho cái kia sanh, cái này diệt dẫn đến sự hoại diệt của cái khác” [57] như quy luật muôn đời, góp phần đưa đến sự cáo chung của chế độ Ngô Đình Diệm, là chân lý mà ta không thể phủ định được.

Tại miền Nam, nếu cộng đồng Phật giáo và toàn thể mọi người ăn mừng khi thoát khỏi ách cai trị độc tài toàn trị của họ Ngô thì phía bên kia chiến tuyến ở miền Bắc, như có thêm nghị lực thực hiện cuộc chiến tranh cách mạng theo một cao độ mới: “Sụp đổ của Diệm, chiến tranh cách mạng đã phát triển lên một bước mới”. [58] Theo đó, phong trào giải phóng dân tộc chống lại đế quốc ngày càng thành công, như báo cáo của Lầu Năm Góc đã ghi nhận: “Trong vòng ba tháng sau đảo chính, Việt Cộng nổi dậy khắp nơi. Tỉnh Kiến Hòa phải rút đi 51 đồn bót, mất 15 xã,... Trong số 4.248 ấp chiến lược ở miền Nam thì có 3.915 ấp bị phá hẳn. Trong phúc trình gửi Tổng thống Johnson ngày 16-3-1964, Mc. Namara đưa ra một bức tranh bi thảm, hậu quả của cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm: Trong số đất đai của 22 tỉnh (trong 44 tỉnh), Việt Cộng kiểm soát tới 50% hoặc nhiều hơn thế. Phước Tuy, Việt Cộng kiểm soát 80%; Bình Dương 90%; Hậu Nghĩa 90%; Long An 90%; Định Tường 90%; Kiến Hòa 90%; An Xuyên (Cà Mau) 85%. Quận Mỏ Cày và các xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Khánh, Phước Hiệp, “đỏ 100%”...". [59]

Điều này cho thấy, các phong trào dân tộc và yêu nước ở miền Nam nhân cơ hội này thừa thắng xông lên, phát triển mạnh mẽ. Vì cuộc đấu tranh của Phật giáo là độc lập, việc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức không thể được xem là một phần của phong trào dân tộc đang lớn mạnh tại miền Nam. Sự giống nhau về tinh thần yêu nước được đức Phật giảng dạy với tinh thần dân tộc của các phong trào Giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm cho phong trào bất bạo động của Phật giáo và các phong trào yêu nước trở nên gần nhau, tương tác đa chiều, góp phần làm tan rã chính sách ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm, và do đó, sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam phải đến hồi kết thúc. Là một thành phần yêu nước của dân tộc, phong trào đấu tranh của Phật giáo đã trực tiếp tạo ra duyên cớ đảo chính vào ngày 1-11-1963. Điều này, dù muốn dù không, đã gián tiếp góp phần làm thay đổi cục diện chính trị của đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa và rộng hơn ở toàn miền Nam Việt Nam.

Tác động tích cực từ việc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức và các thánh tử đạo là rất lớn và ngoài sức tưởng tượng. Mười hai năm sau, chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ tại miền Nam Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Hai miền Nam Bắc được thống nhất.

Vào năm 1981, Phật giáo ba miền được thống nhất. Tinh thần nhập thế và đồng hành với dân tộc được tái khẳng định như là chủ trương của GHPGVN. Những nhiệm vụ mới trong bối cảnh mới được đặt ra cho GHPGVN. Phương pháp tiếp biến văn hóa, vận dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống sẽ giúp Phật giáo trở thành sự lựa chọn tâm linh của quảng đại quần chúng nhân dân.

Ôn lại 50 năm lịch sử của phong trào đấu tranh bất bạo động Phật giáo để rút ra những bài học về dấn thân, phụng sự nhân sinh trên tinh thần vô ngã, vô úy, từ bi, trí tuệ và vị tha. Đây là con đường phụng sự chúng sinh được đức Phật chỉ dạy, mà tất cả đệ tử Phật cần noi theo.

Tin cùng chuyên mục