Ảnh minh họa.

Quả báo của nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Con người có phải thọ lãnh nghiệp quả của tất cả nghiệp nhân trong quá khứ? Có phải gieo bao nhiêu hạt giống thì quả sẽ trổ bấy nhiêu?

Thật sai lầm khi cho rằng con người phải nhận chịu tất cả nghiệp quả của những nghiệp nhân đã gieo trong quá khứ (thường gọi là thọ báo, dân gian gọi là trả nghiệp) thì mới thọ hưởng được quả phúc của những nghiệp nhân thiện lành đã tạo trong đời sống hiện tại. Nếu như thế thì không có sự kiện giác ngộ giải thoát hoàn toàn khỏi phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử, không có cơ hội chuyển phàm thành Thánh, không có cơ hội thay đổi từ người xấu thành người tốt, từ người dở thành người hay, từ kẻ ác gian thành người hiền lương thánh thiện.

Chính vì không phải nhận chịu tất cả nghiệp quả của những hành động trong quá khứ (nghiệp nhân) mà con người có cơ hội tu tập, rèn luyện, chuyển hóa để trở nên tốt hơn, đồng thời thọ hưởng được những niềm vui, hạnh phúc được tạo ra từ những nghiệp nhân trong hiện tại.

Tất cả những gì xảy ra với con người trong hiện tại không phải hoàn toàn do nghiệp nhân của các đời quá khứ. Một số là quả báo của những nghiệp nhân do con người mới tạo ra ngay trong đời này, khi hội đủ nhân duyên thì những nghiệp nhân đó hình thành nên nghiệp quả. Con người chỉ nhận chịu nghiệp quả của một số hành động nào đó trong quá khứ chứ không phải là tất cả. Vì phải có đủ nhân duyên thì nghiệp quả mới hình thành.

Nếu con người tiếp tục tạo những nghiệp nhân mới mang tính chất giống những nghiệp nhân quá khứ, làm duyên hỗ trợ cho nghiệp nhân quá khứ thì nghiệp quả của những nghiệp nhân quá khứ hình thành. Bằng ngược lại, nếu tạo nghiệp nhân mang tính chất đối nghịch gây trở ngại cho những nghiệp nhân quá khứ thì nghiệp quả của những nghiệp nhân quá khứ không có điều kiện (không đủ duyên) hình thành.

Cụ thể là, trong hiện tại tạo nghiệp ác thì quả báo khổ sẽ hình thành, tạo nghiệp thiện lành thì quả báo hạnh phúc, an vui sẽ hình thành, quả báo sẽ hình thành từ những điều kiện, nhân duyên (nghiệp nhân) trong hiện tại và quá khứ kết hợp với nhau hoặc từ những nghiệp nhân cực mạnh, có đặc tính nổi trội. Nghiệp quả có hình thành hay không, hình thành mau hay chậm và sự nhận chịu nghiệp quả nhiều hay ít tùy thuộc vào công đức và phước báo, tùy thuộc vào trí tuệ và sự tu tập chuyển hóa, tùy thuộc vào việc tạo những nghiệp nhân mới trong hiện tại.

Trong kinh Tăng chi bộ (chương III, phẩm Hạt muối), Đức Phật có nêu trường hợp hai người cùng tạo nghiệp nhân giống nhau nhưng nghiệp quả lại khác nhau. Đối với người có đạo đức, có tu tập, có trí tuệ thì nghiệp quả mà họ phải nhận chịu nhỏ hơn, nhẹ hơn, ít hơn (về mức độ và thời gian) người không có đạo đức, không có tu tập, không có trí tuệ. Điều này cũng giống như khi bỏ một nắm muối vào chén nước, nước trong chén bị mặn và không uống được. Nhưng cũng bỏ nắm muối tương tự như thế xuống một dòng sông, nước của dòng sông nhiều không vì nắm muối đó mà trở nên mặn và không uống được. Đức Phật dạy như sau:

“Này các Tỳ-kheo, có người thân không tu tập, giới (đạo đức) không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, tâm hạn hẹp, kém trí đức, người như vậy dù làm nghiệp ác nhỏ cũng đủ tạo quả báo đưa vào cảnh khổ.

Này các Tỳ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, là người có trí đức lớn, tâm quảng đại, cao thượng, người như vậy dù có lầm lạc hoặc sơ suất, lỡ làm việc ác nhỏ tương tự, nghiệp ác ấy đưa họ đến cảm thọ ngay trong hiện tại và không tạo quả báo trong đời sau”.

Tại đây, Đức Phật đã cho biết rõ về quả báo của nghiệp, xóa bỏ quan niệm sai lầm mà không ít người mắc phải:

“Này các Tỳ-kheo, ai nói như sau: ‘Người này tạo nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ (quả) như vậy, như vậy’. Nếu sự thật là thế thì không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội thoát khổ. Và này các Tỳ-kheo, ai nói như sau: ‘Người này tạo nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy’. Này các Tỳ-kheo, nếu sự thật là thế, thì có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội thoát khổ.

Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ và nghiệp ác ấy đưa người đó vào khổ cảnh. Nhưng có người làm nghiệp ác nhỏ tương tự và nghiệp ác ấy đưa người đó đến cảm thọ ngay trong hiện tại, không thọ quả báo trong đời sau dù nhỏ”.

Đoạn kinh trên có đề cập đến “quả dị thục” của nghiệp. Quả dị thục là quả đã chín muồi và đổi khác so với nhân ban đầu, chính là nghiệp quả hay quả báo của nghiệp. Đức Phật từng cho biết, kẻ phàm phu không thể nào tư duy về quả dị thục trong tương lai của một nghiệp nhân là như thế nào. Kinh Tăng chi bộ (phẩm Bốn pháp) có nói: “Có bốn phạm trù không thể tư duy: Phật giới, thế giới tâm, thiền định của người tu thiền và quả dị thục của nghiệp”. Bởi vì trong quá trình từ nghiệp nhân đi đến nghiệp quả có sự can thiệp của các duyên. Các duyên thuận hoặc nghịch sẽ tác động, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nghiệp quả.

Một người có đạo đức, có trí tuệ, có tu tập, có từ tâm vô lượng, lỡ tạo nghiệp thì nghiệp quả không đáng kể đối với họ, thậm chí nghiệp quả không đến với họ. Bởi vì nghiệp quả không đủ duyên để hình thành, bởi vì họ có đủ khả năng chuyển hóa nghiệp, hóa giải nghiệp. Trường hợp này cũng tương tự trường hợp Đức Phật hoặc các vị Thánh A-la-hán phải chịu nghiệp quả (dư báo-quả báo còn sót lại) của những nghiệp nhân trong quá khứ nhiều đời. Khi nghiệp quả đến, các vị ấy vẫn an nhiên, tự tại như không có việc gì xảy ra. Tâm các vị ấy vẫn bình an, không lo lắng, sợ hãi, không khổ não. Đó là quả báo của những nghiệp nhân trọng đại, chứ các nghiệp nhân bất thiện nhỏ cũng không đủ duyên để hình thành quả báo, cho nên nghiệp quả của những nghiệp nhân bất thiện nhỏ này cũng không thể có để đến với các vị ấy.

Đối với người đã lỡ tạo nghiệp nhưng biết ăn năn sám hối, biết ứng dụng Phật pháp để tu tập chuyển hóa thì nghiệp quả đến với họ cũng không đáng kể, họ nhận lãnh ngay trong đời này và không nhận lãnh trong đời sau. Bởi vì trong thời gian đi đến nghiệp quả, các nghiệp mới (sám hối, làm phước, tu tập chuyển hóa) có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành quả báo của các nghiệp cũ. Việc sám hối và tu tập chuyển hóa chính là những duyên trở ngại làm cho nghiệp quả xấu không hình thành hoặc hình thành nhưng không đáng kể.

Cường độ mạnh yếu của sự dụng tâm, cố ý khi hành động tạo nghiệp cũng sẽ quyết định nghiệp quả nặng hay nhẹ, lớn hay nhỏ. Vì thế nếu ỷ lại mình là người đã có công phu tu hành lâu ngày, đã tạo được nhiều công đức, phước báo nên tạo nghiệp bừa bãi, tùy tiện, cố ý làm việc xấu ác thì những nghiệp nhân bất thiện này sẽ là các duyên phá hoại, làm tiêu hao công đức, phước báo. Mức độ dụng tâm, cố ý càng nhiều, càng mạnh thì nghiệp quả càng lớn, càng nặng. Mức độ dụng tâm, cố ý và tác hại của nghiệp nhân sẽ quyết định nghiệp quả lớn hay nhỏ và thời gian thọ báo mau hay lâu.

Tuy quả dị thục của nghiệp hay nghiệp quả không giống với nhân ban đầu, nhưng có một điều chắc chắn là bản chất không khác. Điều đó có nghĩa là nhân xấu sẽ cho quả xấu, nhân tốt sẽ cho quả tốt; nghiệp nhân thiện sẽ cho nghiệp quả lành, an vui hạnh phúc, nghiệp nhân ác bất thiện sẽ cho nghiệp quả dữ, bất hạnh, khổ đau.

Vấn đề sau khi tạo nghiệp biết ăn năn sám hối và hồi đầu hướng thiện, tu tập chuyển hóa nên chỉ nhận lãnh quả báo nhỏ không đáng kể ngay trong đời sống hiện tại mà không rơi vào khổ cảnh, đọa xứ, địa ngục sau khi chết, cũng không nhận lãnh quả báo to lớn trong đời sau.

Đức Phật cho biết, nếu như có một người tạo nghiệp sát sinh nhưng biết việc mình làm là ác, bất thiện, người ấy ăn năn hối cải, từ đó về sau không tái phạm nữa, đồng thời tu tập chánh kiến, phòng hộ các căn, tinh tấn thiền định, thiền quán, phát triển bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả, nhờ sự tu tập đó mà người ấy thoát khỏi quả báo ác nghiệp.

Tin cùng chuyên mục