Platform (hay nền tảng) có thể hiểu là cấu trúc sơ bộ của 1 chiếc ô tô. Hệ thống này bao gồm phần khung gầm, đi cùng với đó là 1 phần thân vỏ, tuỳ thuộc vào từng loại nền tảng mà có thể đi cùng với các chi tiết khác như hệ thống lái, cột chịu lực,...
Nền tảng MQB của Volkswagen. Ảnh: Internet |
Có thể nói, Platform giúp định hình tính chất chiếc xe từ thương hiệu/ khả năng vận hành/độ bền/giá cả...hay nói cách khác, platform được ví như bộ xương của một chiếc ô tô. Bộ xương này không quyết định hoàn toàn diện mạo của chiếc xe, tuy nhiên nó đóng vai trò quyết định trong việc quyết định hình dáng cơ bản và các đặc tính khác như động cơ đặt ngang hay dọc, dẫn động cầu trước hay cầu sau, chiều dài cơ sở là bao nhiêu.
Tại sao các hãng lại sử dụng chung nền tảng?
Chi phí và thời gian các hãng xe cần bỏ ra cho việc nghiên cứu và phát triển thành công một nền tảng là rất tốn kém. Vì thế ngày nay, các hãng xe thường đưa ra giải pháp chia sẻ nền tảng, tức là 2 hãng xe có thể hoàn toàn độc lập với nhau nhưng có sản phẩm sử dụng cùng một Platform với nhau.
Ví dụ Audi TT và Wolkswagen Golf là hai mẫu xe có hình dáng khác biệt nhưng lại có chung một nền tảng. Hay một số mẫu xe và thương hiệu khác có chung nền tảng như Audi Q7 với Bentley Bentayga, RollsRoyce Ghost với BMW 7 Series, Ford Mondeo với Mazda 6...
Audi Q7 chia sẻ khung gầm với Bentley Bentayga. Ảnh: Carwow |
Điều này có tác dụng rất lớn trong việc giảm chi phí sản xuất, giúp đưa ra thị trường các mẫu xe có kết cấu được nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng có giá thành phù hợp. Theo một số thông tin, Mercedes Benz và BMW sẽ tham gia cùng phát triển nền tảng dùng chung cho xe điện tương lai, ước tính việc hợp tác có thể giúp tiết kiệm 7-8 tỷ USD cho 2 hãng xe đến từ Đức này. Nissan cũng hợp tác cùng Mitsubishi để sử dụng chung khung gầm cho 2 mẫu bán tải Mitsubishi Triton 2020 và Nissan Navara 2021.
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả kinh tế khi các hãng xe lựa chọn quyết định sử dụng chung nền tảng với một hãng khác, hãy cùng đến với Lamborghini - hãng xe thể thao hiệu năng cao hàng đầu thế giới.
Dù có lịch sử phát triển các mẫu xe thể thao hàng đầu thế giới, tuy nhiên Lamborghini chưa từng sản xuất xe SUV. Do đó khi bắt tay vào nghiên cứu mẫu Lamborghini Urus, hãng xe này cần quyết định 1 trong 2 lựa chọn: hoặc là hãng tự nghiên cứu sản xuất nền tảng dành riêng cho mẫu xe mới của mình, hoặc là bắt tay sử dụng chung nền tảng với một hãng xe khác.
Lamborghini Urus và Porsche Cayenne là 2 mẫu xe sở hữu chung platform. Ảnh: Internet |
Nếu lựa chọn tự phát triển nền tảng cho Urus, Lamborghini có thể tiêu tốn rất nhiều kinh phí và thời gian để phát triển, có thể kéo dài tới hàng năm trời và kéo theo giá thành của một chiếc xe thành phẩm tăng thêm đáng kể, có thể lên tới hàng trăm ngàn USD. Bên cạnh đó, họ còn phải đối mặt với các vấn đề kỹ thuật như độ cứng vững, an toàn...để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, hiệu năng của nền tảng để có một mẫu SUV nhanh và mạnh mẽ.
Trong khi đó, khi lựa chọn sử dụng nền tảng của Porsche Cayenne, bài toán của Lamborghini đã được giải quyết phần nào, đặc biệt ở mặt thời gian.
Tại sao không nghiên cứu và sử dụng chung 1 nền tảng tốt nhất cho mỗi dòng xe?
Câu hỏi này giống với tại sao cùng là xe 7 chỗ, Toyota Rush không sử dụng chung nền tảng với Audi Q7?
Vấn đề quyết định ở đây nằm ở giá thành. Nếu 2 mẫu xe trên sử dụng chung một nền tảng, giá thành của Toyota Rush sẽ lên tới cả tỷ đồng thay vì vài trăm triệu. Cấu tạo khung gầm, hệ thống treo trên một chiếc xe như Audi Q7 có tới hàng chục chi tiết phức tạp sẽ có giá thành cao hơn rất nhiều hệ thống treo đơn giản được sử dụng trên những dòng xe phổ thông.
Nền tảng của Tata Harrier. Ảnh: Internet |
Ngoài ra, trên các mẫu xe hiệu năng cao, vật liệu cao cấp được sử dụng nhiều và cấu tạo phức tạp giúp hấp thụ xung lực tốt, có khả năng trang bị khối máy lớn, cảm giác lái thể thao và có thể đạt đến tốc độ cao, đây là điều mà những người sử dụng xe vào mục đích kinh doanh không quan tâm nhiều. Do đó, các hãng xe phổ thông sẽ tự phát triển một hệ nền tảng đơn giản và đảm bảo tiêu chí bền cho mục đích của mình.
Như vậy, nền tảng (hay platform) được chế tạo dựa trên triết lý thiết kế và sản xuất của hãng xe, cũng như nhóm đối tượng khác hàng mà hãng xe nhắm đến. Có những platform sinh ra với mục đích chiếc xe bền, rẻ dễ bán, có những platform lại phục vụ mục đích khác như an toàn, thể thao...