Thông tin lan truyền khiến cơ quan chức năng và người quản lý thiền viện phải lên tiếng.
Trả lời PV, ngày 11.5, thầy Thích Thông An (quản lý Thiền viện Trúc Lâm Cà Mau) xác nhận có việc cột lim chính điện của thiền viện mọc nấm 4 tầng có màu trắng. "Tối rằm tháng 3 âm lịch vừa qua, tôi phát hiện nấm mọc ở cột chánh điện. Trong khi buổi sáng, có hơn 10 người dọn dẹp, rồi dọn đồ cúng nhưng không phát hiện, chứng tỏ buổi sáng nó chưa mọc. Nấm mọc cùng lúc 4 tầng, ban đầu nhỏ thôi nhưng giờ phát triển lớn thêm", thầy Thích Thông An nói.
Sau đó, thiền viện đã dùng lồng kẽm để bao bọc cây nấm này lại. Trước thông tin thiền viện phải dùng lồng kẽm bảo vệ nấm vì sợ hái trộm về làm thuốc, thầy Thích Thông An nói: "Nấm mọc ra là dơi vào ăn, nên tôi làm lồng bao lại để tránh dơi vào ăn. Ngay đêm rằm khi nấm mọc, thì sáng nấm bị dơi ăn hết 2 chỗ. Chứ không có chuyện sợ hái trộm, khi dân vào xem tôi vẫn chỉ dẫn cho xem tận tình".
Thầy Thích Thông An cũng thông tin thêm rằng thầy cũng chưa nghe việc nấm này chữa bá bệnh gì cả và khẳng định đó chỉ là đồn thổi. Mọi người đến xem vì hiếu kỳ, chứ không có ai đặt vấn đề nấm trị bệnh.
Giải thích về việc 2 tầng nấm có màu đen khác 2 tầng còn lại, thầy Thích Thông An cho biết: "Hai nấm bị đen là do khi người dân đến tham quan, dù có lồng bảo vệ nhưng đưa ngón tay vào sờ nên nấm ngả màu, dấu hiệu bị hư hỏng. Hai nấm kia, tay người sờ không đến nên có màu trắng bình thường".
Theo lời thầy Thích Thông An, ngoài cột lim chính điện có nấm mọc thì phía sau nhà mới mọc thêm một cây nấm và đang phát triển. Cách đây hơn một năm, cột của thiền viện cũng mọc nấm nhưng do mọc cao quá, không dùng lưới kẽm bao lại nên bị dơi ăn.
Cảnh giác nấm độc
Ông Đinh Văn Lĩnh, Chủ tịch UBND P.Tân Xuyên, nói: "Tôi cũng mới nhận thông tin từ cán bộ UBMTTQ của phường. Nhưng hiện tại thì cũng không có cảnh người dân hiếu kỳ kéo đến thiền viện đông đúc. Nhưng chúng tôi sẽ phân công cán bộ tuyên truyền cho bà con hiểu việc cột thiền viện ẩm thấp mọc nấm là chuyện bình thường và cũng chưa có cơ quan nào khẳng định nấm đó có công dụng trị bệnh".
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, nói: "Hiện tượng cây cột mọc nấm là bình thường vì nó có độ ẩm, nên nấm sống ký sinh, không có gì phải hoang mang hay có yếu tố tâm linh".
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức khuyến cáo: "Nấm có thể là một loại dược liệu, một loại thức ăn rất tốt và cũng có thể là loại nấm độc. Người dân không nên tự ý lấy nấm mọc ở thiền viện về sử dụng. Nấm mọc trên cây gỗ lim đó muốn xác định là nấm dinh dưỡng hay độc cần phải lấy mẫu nấm đi phân tích. Không đủ cơ sở chắc chắn thì rủi ro ăn nấm độc rất cao".
Trước thông tin dơi ăn được thì nấm không độc con người có thể ăn được, kỹ sư Nguyễn Trần Thức cho rằng quan điểm đó là sai. Ông Thức giải thích: Vì dơi là động vật hoang dã, cây đó cũng thuộc về cây hoang dã thì dơi có thể ăn được. Con người không thể chủ quan cái gì dơi ăn được là mình ăn được.
Theo Thanh Niên