Tâm từ như nước tưới tẩm đồng khô, thấm ướt đến đâu cỏ cây xanh tươi đến đó. Quan điểm của đạo Phật là đem yêu thương làm liệu pháp chữa lành nóng giận, lấy từ bi để hóa giải hận thù.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết “Kẻ thù chúng ta không phải con người” mà chính là tham, sân, si. Vô minh, tham ái và chấp thủ là căn nguyên của xung đột và thù hận. Thế nên để hóa giải hận thù cần chuyển hóa nội tâm bằng tỉnh thức và yêu thương. Sức mạnh của bạo lực có thể đánh bại đối phương nhưng điều đó càng làm tăng thêm thù hận, đủ duyên họ sẽ phục thù, và đó là vòng luẩn quẩn của chúng sinh do thiếu vắng từ tâm.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Thí như có người có con dao găm, mũi nó rất bén nhọn. Có người khỏe mạnh nói rằng: ‘Tôi có thể dùng tay, hay nắm tay, đập vào con dao của anh, làm cho nó gãy vụn’. Này các Tỳ-kheo, người khỏe mạnh kia có thể dùng tay, hay nắm tay đập vào con dao kia, làm gãy vụn chăng?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì con dao găm kia có mũi rất bén nhọn. Người đàn ông kia không thể dùng tay, hay nắm tay đập cho vụn, mà chính tự làm khốn khổ.
- Cũng vậy, Tỳ-kheo, nếu Sa-môn, Bà-la-môn tu tập lòng từ đối tất cả chúng sanh cho đến như trong khoảnh khắc vắt sữa bò, nếu có quỷ thần ác muốn đến dò tìm chỗ hở, không thể tìm được cơ hội thuận tiện. Chúng chỉ tự làm thương tổn lại chính mình. Cho nên, các Tỳ-kheo, phải học như vậy, thường thường tu tập lòng từ cho đến như khoảnh khắc vắt sữa bò.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 47, kinh 1255. Dao găm)
Không ít người ngây thơ, tin rằng mình tu hành hiền thiện không làm gì hại ai thì chẳng ai hại đến mình. Khi cái ác lên ngôi thì hiền lành sẽ làm cho số đông khó chịu, gai mắt. Kinh Phật nói rằng trước khi có người chứng quả thì ma Ba-tuần phải đích thân quấy phá vì ma vương không muốn ai ra ngoài tam giới, thoát khỏi luân hồi.
Ác quỷ hung thần cũng vậy, sống trong thế giới thường xuyên bị khổ đau chi phối nên thường ganh tỵ với người an yên. Khá nhiều đoạn kinh Phật đề cập đến chuyện các Tỳ-kheo tu tập trong rừng bị các loài Dạ-xoa phi nhân quấy phá. Mật pháp hay bí quyết cho các Tỳ-kheo được an toàn trong khi du hành, lang thang rày đây mai đó, thường trú dưới gốc cây, đồng trống, nhà hoang… chính là tu tập lòng từ.
Tâm từ trước làm cho thân mình mát mẻ, tâm tư an lạc, ngủ ngon, có thể kham nhẫn được các chướng ngại, những điều không vừa ý. Tâm từ mang năng lượng tích cực, lan tỏa đến với mọi người và mọi loài chung quanh. Nhất là loài người, loài vật, loài quỷ thần dễ dàng cảm nhận sự mát mẻ, bình an của người có tâm từ nên thường đem lòng quý mến. Chư thiên lại càng dễ dàng nhận ra và cảm mến người có tâm từ.
Trừ một số loài quỷ thần nghiệp lực nặng nề, chịu quá nhiều đau khổ nên đóng chặt tâm mình, đố kỵ và nghi ngờ tất cả, dẫu chơn tu hiền thiện. Khi mang quá nhiều thương tích và khổ đau dễ khiến cho những ác quỷ hung thần luôn cảnh giác, sợ hãi và thấy xung quanh toàn là kẻ thù. Loài quỷ thần chống phá sự tu hành hướng thiện thường nằm trong trường hợp này. Họ có đầy đủ các loại thần lực, dư thừa sức mạnh, chỉ thiếu tình thương và thấu hiểu.
Éo le là, dùng sức mạnh có thể phá tan một sức mạnh đối kháng. Nhưng khi chẳng có ai đối đầu thì việc tung một quả đấm thép vào hư không sẽ tạo ra sự hụt hẫng và bẽ bàng. Không có trở lực, chẳng có phản đòn thì cú đánh càng mạnh sẽ gây mất thăng bằng càng lớn, có thể khiến cho kẻ ra đòn tự đổ gục. Đó chính là diệu lực của tâm từ. Như quăng củi than cháy đỏ vào nước, lực ném càng mạnh thì than củi tắt ngấm càng nhanh.
Đức Phật đã khẳng định “Tu tập lòng từ đối tất cả chúng sanh cho đến như trong khoảnh khắc vắt sữa bò, nếu có quỷ thần ác muốn đến dò tìm chỗ hở, không thể tìm được cơ hội thuận tiện. Chúng chỉ tự làm thương tổn lại chính mình”. Vì thế Phật tử hãy rải tâm từ, nguyện yêu thương tất cả, dù cho ai cố tình đánh phá, tổn hại đến mình. Yêu thương và thức tỉnh sẽ khiến cho đạo lực mạnh hơn, hóa giải mọi oán kết, oan khiên và thù hận.