Vụ Võ Hoàng Yên bị 'tố' lừa đảo: Nghiêm cấm hành vi quyên góp và nhận tiền

Vụ Võ Hoàng Yên bị 'tố' lừa đảo: Nghiêm cấm hành vi quyên góp và nhận tiền

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Liên quan đến việc ông Võ Hoàng Yên bị vợ chồng doanh nhân Dũng “lò vôi” tố lừa đảo, đại diện Ban trị sự Trung ương Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam đã lên tiếng về việc này.

Theo nội dung mà vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng phản ánh thì ông Võ Hoàng Yên hay còn gọi là “thần y Yên” đã có hành vi lừa đảo tiền công đức xây chùa, nhận tiền chữa bệnh mặc dù trong chương trình từ thiện miễn phí. Cùng với đó, ông Võ Hoàng Yên còn để xảy ra nhiều sai sót, thiếu hụt trong đợt từ thiện khi miền Trung bị lũ lụt vào năm 2020.

Về việc này, phía vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng đã đưa ra hàng loạt các thông tin về việc ông Yên đã có dấu hiệu lừa đảo, đồng thời khẳng định sẽ nhờ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xử lý.

Tại cuộc đối chất, phía vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng cho rằng, khi tiến hành ủng hộ tiền xây dựng cơ sở có tên là Hưng An Tự tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, vợ chồng doanh nhân này mong muốn đây sẽ là một nơi khám chữa bệnh miễn phí.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, trong quá trình khám chữa bệnh thì ông Võ Hoàng Yên có dấu hiệu thu tiền của người dân. Theo vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng thì đây là một việc làm trái với mục đích và có dấu hiệu trục lợi.

Trước cáo buộc này, ông Võ Hoàng Yên thừa nhận sai sót trong quá trình làm từ thiện trong đợt lũ lụt miền Trung, chưa làm tròn trách nhiệm tại cơ sở chữa bệnh Hưng An Tự.

Vụ Võ Hoàng Yên bị 'tố' lừa đảo: Nghiêm cấm hành vi quyên góp và nhận tiền ảnh 1

Hình ảnh cơ sở Hưng An Tự tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận

Về việc rời trung tâm chữa bệnh của ông Dũng, ông Yên nêu lý do là sức khỏe ông không bảo đảm, bệnh nhân quá đông và ông không thể làm hết việc. Ông cho rằng chưa lần nào đặt vấn đề xin tiền, mượn tiền hoặc vay tiền từ vợ chồng ông Dũng.

Ông Yên cũng thừa nhận thời gian qua đã nhận số tiền vài chục tỉ đồng từ ông Dũng. Ông Yên cam kết trả lại hết những gì đã nhận, mới nhất là vài tỉ đồng và giấy tờ nhà cho ông Dũng.

Về việc này, ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, xác nhận ông Võ Hoàng Yên từ nơi khác đến Tánh Linh chữa bệnh tại cơ sở đông y ở thôn 3, xã Gia An, huyện Tánh Linh do ông Nguyễn Bửu, Chủ tịch Chi hội Đông y huyện Tánh Linh, đứng tên chủ.

Về chứng chỉ hành nghề của ông Yên, ông Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, khẳng định: “Ông Võ Hoàng Yên có chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền và do chính tôi ký. Khi có chứng chỉ hành nghề thì có quyền khám chữa bệnh ở bất cứ cơ sở khám chữa bệnh đông y nào có giấy phép.

Do ông Võ Hoàng Yên là một trong những thành viên thuộc Trung ương Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, cơ sở Hưng An Tự tại huyện Tánh Linh được xây dựng và hoạt động theo quy định của tổ chức tôn giáo này nên khi sự việc này xảy ra, đại diện Ban trị sự của đơn vị này đã lên tiếng.

Vụ Võ Hoàng Yên bị 'tố' lừa đảo: Nghiêm cấm hành vi quyên góp và nhận tiền ảnh 2

Hình ảnh buổi đối chất giữa vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng với ông Võ Hoàng Yên

Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Hội trưởng Ban Trị sự trung ương Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, cho biết Ban Trị sự sẽ có cuộc họp mở rộng để bàn về đề nghị của gia đình ông Huỳnh Uy Dũng giao lại ngôi chùa ở Bình Thuận cho Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam quản lý; đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ lùm xùm tài chính giữa ông Võ Hoàng Yên và vợ chồng ông Dũng. Theo ông Ánh, giáo lý của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam không cho phép các tín đồ đứng ra quyên góp, nhận tiền của một ai khác.

Trao đổi với đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam được biết, Trung ương Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam là một tổ chức tôn giáo độc lập không nằm trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hoạt động của Trung ương Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam theo quy định của Luật Tôn giáo hiện hành.

Phía Ban Tôn giáo Chính phủ cũng cho biết, Trung ương Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam là một tôn giáo hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, tổ chức này hoạt động giống như các tổ chức tôn giáo khác.

Theo tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam là một tổ chức tôn giáo - xã hội dựa trên nền tảng là Phật giáo nhưng độc lập với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động với phương châm hành đạo là "Tu học-hành thiện-ích nước-lợi dân".

Hiện nay, về mặt hành chính, Giáo hội có 3 cấp quản lý, đứng đầu là Ban Trị sự các cấp, phát triển trên 21 tỉnh, thành, với tổng số 212 hội quán, tất cả đều có Phòng thuốc nam phước thiện do các y sĩ là thầy thuốc y học cổ truyền phụ trách. Các hội quán đã thành lập được 70 vườn thuốc nam, tổng diện tích 36 ha. Giáo hội có khoảng 1,5 triệu tín đồ, hội viên; 624 chức sắc; 1.928 chức việc.

Về môn Tu Phước, giáo hội có đội ngũ nhân lực chuyên môn gồm 786 y sĩ kiêm tu sĩ; 404 y sinh; 1455 kỹ thuật viên. Bên cạnh đó, có hơn 10.000 người làm công quả, hậu cần cho Phòng thuốc nam phước thiện, lo việc trồng trọt, thu hái, sơ chế, vận chuyển cây thuốc nam. Ngoài ra, còn có nhiều tiểu thương ở các chợ đầu mối cung cấp miễn phí các loại rau, củ, quả, hoa trái dùng làm thuốc...

Nhân lực của Giáo hội làm việc trên tinh thần tự nguyện, không hưởng lương. Chức sắc, chức việc, tín đồ còn tự nguyện lập vườn thuốc hàng trăm ha, hoặc trồng xen kẽ trong vườn nhà. Những người này đã làm từ thiện hơn 80 năm qua, từ thế hệ này sang thế hệ khác với tinh thần trường kỳ và bền vững, còn người bệnh là còn làm.

Tin bài liên quan
Tin cùng chuyên mục