Toyota Motor và Mazda đều đã tạm dừng xuất xưởng một số mẫu xe, sau khi Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản phát hiện sai phạm trong các đơn xin chứng nhận cho một số dòng xe nhất định.
Theo bộ trên, cơ quan chức năng cũng nhận thấy dấu hiệu bất thường trong các đơn xin chứng nhận của Honda, Suzuki và Yamaha Motor. Các nhà sản xuất ô tô này bị phát hiện đã cung cấp dữ liệu kiểm tra không chính xác hoặc đã bị can thiệp khi nộp đơn xin chứng nhận cho các mẫu xe. Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản đã yêu cầu Toyota, Mazda và Yamaha tạm dừng xuất xưởng một số mẫu xe, đồng thời tiến hành kiểm tra thực tế tại trụ sở chính của Toyota ở tỉnh Aichi trong ngày 4/6.
Theo Toyota, những sai phạm của hãng này xảy ra trong 6 lần kiểm định được thực hiện vào các năm 2014, 2015 và 2020. Các phương tiện bị ảnh hưởng bao gồm 3 mẫu xe đang trong lộ trình sản xuất là Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross, cùng các phiên bản đã ngừng sản xuất của 4 mẫu xe phổ biến, trong đó có một mẫu xe thuộc thương hiệu hạng sang Lexus.
Tại cuộc họp báo diễn ra chiều 3/6, Chủ tịch tập đoàn Toyota Motor Corp Akio Toyoda đã gửi lời xin lỗi đến toàn bộ khách hàng và những bên liên quan vì những hành vi gian lận nói trên. Chủ tịch Akio Toyoda thừa nhận những chiếc xe đã không trải qua đúng quy trình chứng nhận trước khi được bán ra thị trường trong nước và quốc tế. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới (tính theo số lượng) này đã tạm dừng xuất xưởng và bán 3 mẫu xe được sản xuất tại Nhật Bản.
Toyota cho biết vẫn đang điều tra các vấn đề liên quan đến mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải của xe, đồng thời đặt mục tiêu hoàn tất cuộc điều tra vào cuối tháng này. Hãng cũng khẳng định không có nguy cơ gì liên quan hoạt động của những mẫu xe bị ảnh hưởng và khách hàng không cần thiết phải ngừng sử dụng xe.
Trong khi đó, Mazda thông báo đã tạm dừng xuất xưởng xe thể thao Roadster RF và Mazda2 hatchback từ ngày 30/5, sau khi phát hiện nhân viên đã can thiệp kết quả kiểm tra phần mềm điều khiển động cơ. Ngoài ra, hãng còn phát hiện những thử nghiệm va chạm của các mẫu Atenza và Axela, hiện đã ngừng sản xuất, đã bị can thiệp bằng cách sử dụng bộ hẹn giờ để kích hoạt túi khí trong một số bài kiểm tra va chạm trực diện, thay vì dựa vào cảm biến trên xe để phát hiện va chạm.
Về phần mình, Honda cho biết đã phát hiện ra sai phạm trong các bài kiểm tra tiếng ồn và hoạt động trong khoảng thời gian hơn tám năm tính đến tháng 10/2017 trên hơn 20 mẫu xe không còn được sản xuất.
Bê bối trên bị phanh phui trong bối cảnh tháng 1/2024, Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản yêu cầu những nhà sản xuất ô tô điều tra các đơn xin chứng nhận sau vụ bê bối kiểm tra an toàn tại Daihatsu - thương hiệu chuyên sản xuất ô tô cỡ nhỏ cho Toyota, nổi lên vào năm ngoái.